Wednesday, April 24, 2024

Nông sản Việt Nam bại trận vì chi phí logistics nội địa ‘đắt đỏ’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chi phí logistics của Việt Nam đang quá cao khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh với hàng hóa các nước, dù phẩm chất và mẫu mã không thua kém.

Tại hội nghị “Kết nối trực tuyến doanh nghiệp Nông Sản-Đường Sắt-Hàng Không” do Cục Xuất Nhập Khẩu Bộ Công Thương, tổ chức tại Hà Nội chiều 8 Tháng Chín, ông Nguyễn Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, cho biết năm 2019 kim ngạch xuất cảng nông sản của Việt Nam đạt $25.5 tỷ, trong đó có 6/9 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch trên $2 tỷ.

Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics quá cao. (Hình: Hoàng Hà/Zing)

Song, báo Zing dẫn lời ông Hải cho hay do tính đặc thù của một số loại nông sản như tính thời vụ theo mùa, chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng… nên hoạt động logistics (quản lý dòng chảy vật chất, tài chính và thông tin từ điểm đầu vào đầu tiên đến tay người tiêu dùng cuối cùng) vận chuyển hàng nông sản “còn gặp nhiều khó khăn.”

Ngoài ra, chí phí logistics để vận chuyển nông sản hiện tại ở Việt Nam “rất đắt đỏ,” lại không có nhiều lựa chọn, chủ yếu xuất cảng qua đường bộ và đường biển, trong khi đường hàng không và đường sắt “rất hạn chế,” nên không thể cạnh tranh.

Ông Nguyễn Chính Nam, trưởng Ban Kế Hoạch Kinh Doanh, tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, cho biết việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của Việt Nam có thể thực hiện đi Trung Quốc, Nga, các nước EU và cả Trung Đông…

Cụ thể, hàng hóa có thể vận chuyển từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đi Lào Cai hoặc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) mất khoảng 70 tiếng. Từ đó, có thể vận chuyển đi các ga trong nội địa của Trung Quốc mất khoảng 2-3 ngày.

Thế nhưng theo ông Nam, qua thống kê cho thấy trong các tháng đầu năm 2020, Việt Nam có 864,000 tấn rau quả xuất cảng qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng, nhưng lượng hàng đi bằng đường sắt chỉ khoảng 17,000 tấn.

Ngành đường sắt cho biết có thể tổ chức được năm đôi xe lửa với trọng tải khoảng 6,300 tấn mỗi ngày để vận chuyển hàng hóa đi ngoại quốc. Riêng từ Việt Nam sang Châu Âu có thể tổ chức hai đôi tàu liên vận, mỗi chuyến vận chuyển được 12 container riêng rẽ.

Ông Đỗ Xuân Quang, phó tổng giám đốc VietJet Air, cũng cho biết ngoài đường sắt thì ngành hàng không cũng có nhiều tiềm năng để vận chuyển hàng hóa xuất cảng chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may và hoa quả, rau củ, hoa cắt cành và thủy hải sản…

Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp xuất nhập cảng nêu ra những vướng mắc khó để có thể chọn vận chuyển hàng hóa bằng hàng không và đường sắt.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc công ty Vina T&T, cho biết giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam bằng đường hàng không sang Mỹ và Canada vẫn rất cao, lại phụ thuộc vào các hãng hàng không ngoại quốc. Trong khi các hãng nội địa hiện tại chỉ vận chuyển hàng hóa, kết hợp với chở khách nên vận tải không nhiều và chi phí vận chuyển “rất đắt đỏ.” Đây chính là rào cản để thúc đẩy logistics trong lĩnh vực này.

Hiện có bốn hãng hàng không xuất phát từ Việt Nam có thể vận chuyển hàng vào Mỹ. Trong số này lại không có hãng nào của Việt Nam.

Về đường sắt, ông Tùng nêu thực trạng vận chuyển hàng sang Trung Quốc bằng đường bộ “ổn định và cơ động,” do đi đường sắt phải trung chuyển quá nhiều, công nghệ bảo quản lại “chưa bảo đảm.”

Ông Tùng lấy ví dụ, muốn bán thanh long từ Long An phải chuyển đến ga Sóng Thần, rồi trung chuyển ở ga Đồng Đăng mới đi qua Trung Quốc. “Trung chuyển quá nhiều, hàng hóa không bảo đảm chất lượng,” ông Tùng nói thẳng.

Cũng theo ông Tùng, nông sản Thái Lan vươn ra thị trường thế giới là nhờ chi phí logistics rất cạnh tranh. Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ lĩnh vực này để đưa hàng hóa ra thế giới dễ dàng hơn. Do đó nếu không cải thiện khâu logistics hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Chi phí vận chuyển bằng đường sắt ở Việt Nam đang quá cao. (Hình: Việt Hùng/Zing)

Đồng tình với ông Tùng, ông Hoàng Văn Hoan, tổng giám đốc công ty TMS Thương Mại, cho rằng Việt Nam khá yếu về logistics, đặc biệt là đường sắt. Ông Hoan nhấn mạnh “đường sắt phải giảm 50% giá thì mới có thể cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.”

Ông Hoan cho biết thêm cùng là hàng hóa chất lượng, nhưng Trung Quốc có lợi thế về logistics tốt hơn nên hàng nông sản Việt Nam không thể cạnh tranh.

“Hàng tốt, giá mua như nhau, nhưng sau đó chúng ta lại thua về giá logistics. Nông sản Việt phẩm chất tốt nhưng vẫn bại trận vì chi phí logistics,” ông Hoan nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT