Wednesday, April 24, 2024

Nước đã nổi, dân đồng bằng sông Cửu Long hoan hỉ đón lũ

VIỆT NAM (NV) – Không chỉ nông dân An Giang, nông dân Đồng Tháp cũng hăm hở phá đê cho nước tràn vào ruộng vườn. Sau tám năm, đồng bằng sông Cửu Long mới có lũ sớm và lũ lớn.

Năm nay, nước từ thượng nguồn sông Mekong ồ ạt tràn về đồng bằng sông Cửu Long từ đầu tháng 8 và khu vực này chộn rộn vì mừng.

Khác với trước kia, đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng ít có lũ và ít bị lụt. Đó là lý do lượng phù sa bồi đắp cho khu vực này giảm xuống hơn 50%. Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) từng công bố kết quả một cuộc khảo sát, theo đó, năm 1994, lượng phù sa bồi đắp cho khu vực cửa biển của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 160 triệu tấn/năm nhưng đến năm 2014 chỉ còn lại chừng 75 triệu tấn/năm.

Các chuyên gia nhiều lần cảnh báo về những đập chắn nước mà Trung Quốc và Lào xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong không chỉ làm đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước mà còn thiếu cả phù sa. Lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ chỉ còn 5% so với ngày xưa. Không có phù sa, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nước mặn xâm nhập, sụt lún, thậm chí tan rã theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Giờ thì nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong ồ ạt tràn về, vừa sớm, vừa mạnh. Theo tờ Thanh Niên thì nông dân đã phá đê, dẫn nước, rước phù sa vào bồi đắp cho 21.000 héc ta ở An Giang, 30.000 héc ta ở Đồng Tháp. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long hoan hỉ khi Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Đồng Tháp dự báo, mực nước tại Tân Châu đã lên đến 3,2 mét vào ngày 23 tháng 8 và có thể lên tới 4,5 mét vào đầu tháng 10.

Nhiều nông dân bảo với báo giới rằng họ vui khi thấy biển nước đỏ quạch dâng cao, nhấn chìm mọi thứ. Lũ, lụt sẽ rửa sạch hóa chất, diệt sạch cỏ dại, phù sa sẽ giúp ruộng vườn thêm màu mỡ. Nhiều loại công việc như đặt lưới, đơm đó, giăng câu,… vốn không thể làm trong nhiều năm qua do thiếu lũ, lụt, giờ hồi sinh. Báo giới Việt Nam dành khá nhiều chỗ cho hình ảnh, tin, bài giới thiệu cơ hội kiếm thêm tiền của nông dân đồng bằng sông Cửu Long khi lũ lớn, lụt nặng.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, kể với báo giới kế hoạch “vận động” dân chứng ngưng gieo trồng một vụ, mở bờ bao, cho lũ tràn vào 100.000 héc ta ruộng của tỉnh này để tiếp nhận phù sa.

Chẳng riêng nông dân, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hăm hở khai thác cơ hội từ lũ, lụt. Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, các doanh nghiệp du lịch bắt đầu đẩy mạnh việc chào bán những tour tham quan đồng bằng sông Cửu Long “mùa nước nổi” (cách gọi thời điểm lũ về, nước dâng cao biến đồng bằng sông Cửu Long thành biển nước). Giá trung bình cho một tour thuộc loại đặc biệt, kéo dài trong hai ngày này là 1,8 triệu đồng/người. Nhiều công ty du lịch ở cả Sài Gòn lẫn đồng bằng sông Cửu Long tin rằng họ sẽ thắng lớn vì chắc chắn du khách sẽ rất thích thú khi được tham gia vào các sinh hoạt thường nhật của dân chúng đồng bằng sông Cửu Long trong “mùa nước nổi”: Chèo xuồng thu hoạch ấu, hái bông điên điển, thưởng thức những món ăn được chế biến từ các sản vật của mùa nước nổi như cá linh non…

Giống như đại diện nhiều công ty du lịch, ông Nguyễn Phú Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Du lịch của Công ty Du lịch An Giang, xác nhận với tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng, năm ngoái, công ty của ông không khai thác được loại tour này nhưng năm nay thì khác. Nước đã nổi! (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT