Monday, April 15, 2024

Nước dâng cao gây sạt lở, khu du lịch Mũi Né tan hoang

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Chỉ trong hai ngày 1 và 2 Tháng Mười Một, sóng biển đã làm sạt lở hơn 1 cây số bờ biển Hàm Tiến, trung tâm du lịch Mũi Né, thành phố Phan Thiết, khiến các điểm kinh doanh du lịch điêu đứng.

Hôm 3 Tháng Mười Một, 2018, báo Thanh Niên cho biết, trong hai ngày qua, nước biển dâng cao tạo sóng gây sạt lở nghiêm trọng suốt chiều dài từ khu vực Sài Gòn-Mũi Né Resort xuống đến tận Tiến Đạt Resort, khiến nhiều khu vực dù được kè bê tông cốt thép kiên cố cũng bị sóng đánh gãy từng đoạn.

Thậm chí, có nơi biển lấn sâu vào bờ cát “nuốt” mất cả trăm mét, chẳng hạn như khu vườn dừa cổ ở Sài Gòn-Mũi Né Resort, sóng đánh tới sát chân vườn dừa và có nguy cơ đánh sập vườn dừa này. Đáng lưu ý, trong đêm 1 Tháng Mười Một, một nhà hàng xây bằng bê tông cốt thép của khu du lịch Joe’s Café rộng gần 200 mét vuông bị đánh sập xuống biển hoàn toàn.

Khu Trăng Tròn Resort cũng bị nứt một phần bờ kè bê tông kiên cố dài hàng chục mét. Nhiều khu nghỉ mát làm kè mềm tự phát thì giữ được tài sản bên trong. Nhưng ngược lại, những khu vực bên cạnh bị sóng đánh sâu vào bờ, mất hết bãi biển cho du khách.

Nói với báo Thanh Niên, ông Ngô Ngọc Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Phường đang tổng hợp để báo cáo ủy ban thành phố Phan Thiết” và không hề có hành thái gì thiết thực để ngăn chặn hay hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bình, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Bình Thuận, cho hay cơ quan trách nhiệm của tỉnh Bình Thuận đã đi khảo sát bờ kè Hàm Tiến mấy tháng trước và không cho các khu du lịch tự ý làm kè mềm, nhưng nhiều cơ sở vì muốn bảo vệ bãi biển của mình nên vẫn tự ý làm, bất chấp hậu quả chung.

Ông Bình cho biết thêm, Hiệp Hội Du Lịch đã báo cáo lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo hướng dẫn làm kè đồng bộ nhưng không thấy tiến hành. “Hiện nay mới vào đầu mùa Bấc gió đã mạnh. Chúng tôi nghĩ, nếu không có giải pháp kịp thời thì chỉ trong vòng một tháng nữa, nhiều khu du lịch sẽ bị biển đánh sập hết bờ kè, lấn vào bên trong, gây khó khăn cho việc đón khách vì đây đang là mùa cao điểm. Thiệt hại sẽ rất lớn,” ông Bình nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đức Anh, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Bình Thuận, hiện các doanh nghiệp muốn làm bờ kè đúng tiêu chuẩn cũng không phải dễ, bởi vướng sự quản lý chồng chéo của các cơ quan hữu trách.

Cụ thể, kỹ thuật làm kè thuộc chuyên môn của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn. Thế nhưng, khu vực biển trong vòng 150 mét lại thuộc quản lý của Chi Cục Biển và Hải Đảo thuộc Sở Tài Nguyên-Môi Trường. Trong khi việc cấp giấy phép làm kè thuộc quyền của Sở Xây Dựng. Còn quản lý nhà nước lại cần phải có sự tham gia của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Phan Thiết. (Tr.N)

Video: Phóng sự Việt Nam Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT