Thursday, March 28, 2024

Phạm Nhật Vượng bất ngờ ngưng thành lập Vinpearl Air do cạn tiền?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tập Đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm 14 Tháng Giêng bất ngờ công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án thành lập Hãng Hàng Không Vinpearl Air. Hành động này diễn ra chỉ một tháng sau khi tập đoàn này rút lui khỏi mảng bán lẻ, bán chuỗi cửa hàng Vinmart và VinEco cho Masan.

Thông cáo do Vingroup phát đi và được các báo nhà nước đăng tải ghi: “Đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup. Quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào Tạo Nhân Lực Kỹ Thuật Cao Ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.”

Cùng ngày, bản tin trên Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Vingroup: “Thị trường hàng không Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có các công ty lớn đang hoạt động. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào lĩnh vực hàng không có thể dẫn đến tình trạng thừa cung.”

Theo báo Tuổi Trẻ, dự án của ông Vượng tổng vốn đầu tư 4,700 tỉ đồng (khoảng $202 triệu). Trong năm đầu tiên hoạt động, hãng Vinpearl Air dự trù khai thác sáu phi cơ loại tầm ngắn, tầm trung thân hẹp 150 – 220 ghế như Airbus A320, A 321, đặt mục tiêu đến năm 2024, đội máy bay của Vinpearl Air đạt 30 chiếc. Đến năm 2025, hãng này dự trù khai thác phi cơ thân rộng loại 280 – 350 ghế như Boeing 787-9 hoặc Airbus A350-900.

Hồi trung tuần Tháng Mười Hai, 2019, hãng Vinpearl Air công trang phục thương hiệu, đồng phục màu tím của tiếp viên, phi công, khiến công luận tin rằng hãng này “sắp bay đến nơi”, vì ai cũng biết mối quan hệ thân cận giữa ông Phạm Nhật Vượng và ông Nguyễn Xuân Phúc.

Theo báo điện tử Dân Trí, dự án Vinpearl Air “được các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, đánh giá có ‘hồ sơ đẹp’, được hậu thuẫn bởi tiềm lực tài chính vững mạnh cũng như danh tiếng của người giàu nhất Việt Nam – tỉ phú Phạm Nhật Vượng”.

Do vậy, việc ông Phạm Nhật Vượng đường đột từ bỏ tham vọng bay làm dấy lên nhiều đồn đoán, quan ngại về khả năng tài chính của ông này đang hao hụt đáng kể sau khi đã đổ tiền sản xuất xe hơi Vinfast và điện thoại thông minh Vsmart.

Luật Sư Hà Huy Sơn bình luận trên trang cá nhân: “Không có một biến cố nào mà lại rút lại một quyết định đã được đầu tư rất tốn kém đối với một doanh nghiệp là sao? Vậy là từ nay các tuyên bố của Vingroup sẽ bị nghi ngờ.”

Trong một diễn biến khác, báo Người Lao Động hôm 11 Tháng Giêng dẫn số liệu mới nhất của Cục Hàng Không Việt Nam cho thấy “miếng bánh” thị phần hàng không Việt hiện nay đã thay đổi: Vietnam Airlines bị ghi nhận sụt giảm thị phần, còn 33.3%, Vietjet Air tiếp tục tăng lên mức 42.2%, còn “tân binh” Bamboo Airways của tỉ phú Trịnh Văn Quyết tuy mới gia nhập thị trường nhưng trong Tháng Mười Hai, 2019 đã giành hơn 12.3% thị phần. (N.H.K)

MỚI CẬP NHẬT