Wednesday, April 24, 2024

Phát giác 4 doanh nghiệp dùng hóa chất tẩy rửa bồn cầu làm nước mắm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã phát giác bốn doanh nghiệp sử dụng hóa chất làm xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm.

Theo báo Người Lao Động, chiều 13 Tháng Giêng, 2020, ông Nguyễn Văn Tiến, chánh Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp), đã cung cấp tên bốn công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm “không đúng quy định,” dùng hơn 48 tấn hóa chất Soda (Na2CO3) một loại hóa chất công nghiệp dùng để làm xà phòng và chất tẩy rửa vệ sinh để chế biến nước mắm bán.

Bốn công ty vi phạm gồm: Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Điều Hương (ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh  An Giang); Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Chế Biến Thực Phẩm Hòa Hiệp (phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thực Phẩm Tấn Phát ( xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) và Công Ty Cổ Phần Chế Biến Thủy Hải Sản Liên Thành (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Sài Gòn).

Theo ông Tiến, bốn doanh nghiệp này đã vi phạm hai tội chính là “sản xuất, chế biến không có lưới che chắn để côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.”

Báo VTC News cho biết từ giữa năm 2019, Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp phối hợp cùng Bộ Công An, Cục Chế Biến và Phát Triển Thị Trường Nông Sản và Thanh Tra Sở Nông Nghiệp các địa phương Vĩnh Long, An Giang, Sài Gòn, tiến hành  thanh kiểm tra các hoạt động chế biến, sản xuất nước mắm.

Khi kiểm tra đến bốn đơn vị trên, giới hữu trách thấy nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm: dịch bột ngọt của Công Ty Cổ Phần Hữu Hạn Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).

Trong quy trình khử chua, các cơ sở này đưa khoảng 17,000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120kg Na2CO3 để trung hòa axit trong dịch bột ngọt, đun bằng hơi nước trong thời gian 40 – 50 giờ để thu được 800 lít nồng độ đạm đạt 25-35oN và 700 lít muối.

Sau đó, doanh nghiệp sử dụng 800 lít này cho đi qua cá đã ủ chượp (xác cá đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống).Cuối cùng cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).

Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục dùng các chất điều vị, mùi, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm “có giá trị khác nhau” đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tin cho biết, giới hữu trách đã ra quyết định xử phạt hành chính các công ty vi phạm tổng cộng 782 triệu đồng ($33,755). Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp cũng buộc ba doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến ra còn nằm lại tại xưởng.

Báo Zing cho hay trước đó hôm 10 Tháng Giêng, Thanh Tra Bộ Nông Nghiệp họp tổng kết năm và vô tình thông tin đã phát hiện, tiêu hủy hơn 48 tấn soda công nghiệp tại một số doanh nghiệp dùng để sản xuất nước mắm. Song, tên các công ty hoặc thương hiệu nước mắm vi phạm không được nêu cụ thể. Tuy nhiên, dưới áp lực của báo chí và công luận, cuối cùng Bộ Nông Nghiệp phải công khai tên tuổi. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT