Thursday, March 28, 2024

Phạt tù 5 cựu công an Phan Rang đánh chết người tại ‘nhà tạm giữ’

NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Phiên xử năm cựu công an đánh chết người tại “nhà tạm giữ” Công An thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, thu hút sự chú ý của công luận vì đây là một trong số rất ít vụ tử vong trong trại giam được điều tra và đem ra xét xử.

Nạn nhân trong vụ án là ông Võ Tấn Minh, bị khởi tố về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” và được phát hiện tử vong tại nhà tạm giữ Công An thành phố Phan Rang-Tháp Chàm ngày 8 Tháng Chín, 2017.

Theo báo Zing, trong phiên tòa hôm 13 Tháng Chín, 2018, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận tuyên phạt năm cựu công an trong vụ này từ 3 đến 7 năm tù về tội “Dùng nhục hình.”

Trước đó, các công an cấp bậc từ thiếu úy đến thượng úy đã bị tước danh hiệu “công an nhân dân” vốn được dành để tuyên dương những công an “gần dân.”

Đáng lưu ý, Luật Sư Võ An Đôn, người theo vụ này ngay từ đầu và đã bị tước thẻ hành nghề, xuất hiện tại phiên tòa với vai trò đại diện cho gia đình bị hại (ông Minh), cho rằng cáo trạng truy tố các bị cáo tội danh “Dùng nhục hình” là không đúng luật tố tụng và cần phải truy tố tội danh “Giết người” do ông Minh “bị sát hại trong trạng thái không có khả năng tự vệ,” theo báo Zing.

“Ông Đôn yêu cầu Hội Đồng Xét Xử trả hồ sơ, điều tra lại vụ án. Đồng thời, cần phải truy tố trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo “nhà tạm giữ” của Công An thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vì để xảy ra vụ án,” báo Zing tường thuật.

Cũng theo báo Zing, Luật Sư Võ An Đôn cho rằng “còn nhiều người chưa bị khởi tố, có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm.”

Truyền thông trong nước dẫn cáo trạng viết: “Tại phòng hỏi cung, bị can Minh có thái độ không hợp tác và có lời lẽ xúc phạm cán bộ nên các bị cáo đã có hành vi dùng nhục hình đối với Minh. Các bị cáo đã tát vào mặt, dùng ống nhựa đánh vào bắp tay, hông, sườn và đá vào người bị can Minh. Sau đó, các bị cáo đã còng tay, còng hai chân của bị can. Hành vi của các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng là làm Minh tử vong.”

Tháng trước, Amnesty International (Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế) thúc giục nhà cầm quyền CSVN mở cuộc điều tra độc lập về cái chết của ông Hứa Hoàng Anh ở tỉnh Kiên Giang được cho là qua đời sau khi làm việc với công an tại nhà “với nhiều vết thương ở cổ và bụng.”

Bà Huỳnh Thị Hằng, vợ ông này, bị công an địa phương ngăn chặn trả lời phỏng vấn của báo đài hải ngoại về cái chết của chồng bà. Đám tang của ông Hoàng Anh cũng bị chính quyền cho người canh gác cẩn mật.

Từ Tháng Ba, 2018, nhà cầm quyền CSVN đã áp dụng một thông tư quy định cán bộ hỏi cung bị can hay ghi lời khai người liên quan “phải có ghi âm, ghi hình có âm thanh.” Tuy vậy, từ sau thời điểm này, thỉnh thoảng mạng xã hội vẫn có ghi nhận một số trường hợp chết trong đồn công an tại các địa phương và gia đình nạn nhân bị cấm cản trả lời truyền thông.

Theo một báo cáo do Bộ Công An CSVN công bố vào năm 2015, trong khoảng thời gian ba năm, từ 2011 đến 2014, đã có 226 người chết tại trại tạm giam, tuy nhiên lý do chủ yếu là vì “bệnh lý” hay “tự tử.” (T.K.)

Cướp ngân hàng ở Tiền Giang

MỚI CẬP NHẬT