Friday, March 29, 2024

Phụ thuộc Trung Quốc, làng đồ gỗ Bắc Ninh có nguy cơ phá sản

BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ của làng nghề Đồng Kỵ ở thị xã Từ Sơn đang lâm cảnh “khuynh gia bại sản” vì thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” do kinh tế nước này đang gặp khó khăn.

Theo báo VTC News, trong đầu những năm 2000 cho đến 2015, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được xem là “khu vực kinh tế trọng điểm địa phương” bởi sự phát triển của nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, với gần 500 trăm doanh nghiệp ra đời.

Sự phát triển “nóng” của làng nghề này kéo dài đến những năm 2015, thì có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đến nay bắt đầu “tụt dốc thê thảm,” với không ít doanh nghiệp phải giải thể do hàng hóa sản xuất ra nhiều nhưng thị trường xuất cảng chính là Trung Quốc không “ăn hàng.”

Các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín thì vẫn còn hoạt động cầm chừng, nhưng những cở sở sản xuất mới, ít vốn phải giải thể hoặc chuyển nghề kinh doanh, thậm chí phá sản.

Nói với báo VTC News, ông Vũ Quốc Vương, chủ tịch Hiệp Hội Gỗ Mỹ Nghệ Đồng Kỵ, thừa nhận hiện nay tình hình kinh doanh của làng nghề “rất kém và đang rơi vào tình trạng khó khăn.”

“Hàng hóa ế ẩm không bán được, vốn bị ứ đọng, nhiều chủ cơ sở lâm vào tình cảnh khốn đốn khi trót vay tiền ngân hàng để ‘ôm hàng’ mà không kịp quay vòng vốn. Những lô gỗ được mua vào ở thời điểm giá cao, nay tụt xuống một nửa mà không có người mua, cộng với tiền lãi vay sinh sôi khiến nhiều cơ sở rơi vào cảnh mất trắng,” ông Vương cho biết.

Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ giá trị cao nhưng ế ẩm do mẫu mã “lai Tàu” không phù hợp với nhiều người Việt. (Hình: VTC News)

Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gỗ có tiếng ở Đồng Kỵ đang lâm cảnh khó khăn, ông Dương Văn Mười (46 tuổi) cho biết hằng tháng gia đình ông phải gánh số tiền lãi của khoản vay gần 20 tỷ đồng ($863,215), chưa kể số tiền vốn đầu tư của gia đình.

“Gia đình tôi vừa bị ngân hàng siết nợ một căn nhà. Còn căn gia đình đang ở cũng trong tình trạng chờ gán nợ. Trước đây, cơ sở sản xuất của tôi lúc nào cũng có mấy chục nhân công nhưng hiện giờ phải cho nghỉ hết,” ông Mười ngậm ngùi nói.

Giải thích cho tình trạng này, nhiều chủ doanh nghiệp ở Đồng Kỵ cho biết do từ trước đến nay thị trường chính của làng nghề chủ yếu là dựa vào thị trường Trung Quốc, nên khi thương lái Trung Quốc dừng thu mua sản phẩm thì tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng, nếu không muốn phá sản.

Ngoài ra, do phải nhập nguyên liệu gỗ từ Lào, Cambodia về với giá thành cao nhưng sản phẩm làm ra lại không bán được, hàng hóa bị tồn động nên thường xuyên phải bù lỗ.

Anh Vũ Văn Quyền, chủ một cơ sở kinh doanh đồ gỗ ở Đồng Kỵ, cũng cho biết: “Những năm trước, thị trường gỗ đang lên, nhiều người làm ăn phất lên nhanh chóng, nhưng sau đó thị trường đảo chiều, nhiều người lúc ôm gỗ thì giá cao, đến khi bán ra giá thấp khiến lợi nhuận sụt giảm, thâm hụt cả vào vốn gốc. Lúc thị trường đi lên, người ta vay nhiều để làm cố, cứ nghĩ giá còn lên nữa, nhưng hóa ra sau giá càng ngày càng xuống thấp và họ không kịp bán, thế là lỗ.”

Ông Chử Văn Nhung, chủ Cơ Sở Đồ Gỗ Mỹ Nghệ Việt Trung, cho biết thêm nếu thị trường Trung Quốc gặp thời điểm tốt thì một cơ sở sản xuất tại Đồng Kỵ bình quân mỗi tháng cho ra từ 3-5 sản phẩm, với giá vài trăm triệu đồng. Nhưng hiện giờ, có nhiều gia đình đã sáu tháng mà không bán được một sản phẩm nào.

Ông Dương Đức Sinh, chủ tịch phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nói về khó khăn của làng nghề. (Hình: VTC News)

“Thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ‘đóng băng’ kéo theo các doanh nghiệp xuất cảng đồ gỗ tại Đồng Kỵ cũng lao đao. Mặc dù cứ vài năm tình trạng này lại tái diễn một lần, nhưng làng nghề và chính quyền vẫn chưa tìm được hướng giải quyết,” ông Nhung nói.

Ông Dương Đức Sinh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Đồng Kỵ, xác nhận hiện nay Đồng Kỵ chỉ còn khoảng gần 100 doanh nghiệp kinh doanh gỗ và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Do hàng hóa ế ẩm nên nhiều gia đình lâm vào tình trạng phá sản. Hơn 40% các gia đình, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ nghề truyền thống để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác mong cầm cự, gồng gánh để trả nợ ngân hàng.

“Từ đầu năm đến nay, hàng trăm thanh niên của địa phương đến ủy ban phường xin xác nhận giấy tờ để đi tìm việc làm. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thì không còn ai tiếp tục theo nghề đồ gỗ Đồng Kỵ nữa,” ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, do nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, bị ngân hàng siết nợ thu hồi tài sản, nên vừa qua phường đã phải phối hợp với cơ quan hữu trách giải quyết vấn đề vay nợ của doanh nghiệp.

“Để tồn tại, giờ các chủ cơ sở sản xuất gỗ của Đồng Kỵ phải chú trọng việc phát triển thị trường nội địa, tuy không mua bán ào ạt nhưng chậm mà chắc,” ông Sinh nhận xét.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, một khách hàng hiếm hoi từ tỉnh Phú Thọ đến mua sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ trong thời điểm này, cho biết: “So về giá thành và phẩm chất thì sản phẩm của Đồng Kỵ vẫn hơn với các thị trường làng nghề khác. Tuy nhiên, các sản phẩm phải có mẫu mã mới, phẩm chất bảo đảm, kỹ thuật tốt thì mới giữ được khách hàng và thị trường.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT