Friday, April 26, 2024

Quan hệ Việt-Mỹ chưa chắc vẫn suôn sẻ

WASHINGTON, Mỹ (NV) – Quan hệ giữa hai kẻ cựu thù Việt Nam và Mỹ có thể sẽ không dễ suôn sẻ vì một số vấn đề từ kinh tế, an ninh quốc phòng đến đàn áp nhân quyền, trong khi phần lớn các nhà phân tích thời sự quốc tế đều cho rằng mối quan hệ này vẫn không nhiều thay đổi, dù cả hai nước có những biến chuyển trên thượng tầng.

Mỹ là thị trường xuất cảng các loại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với khoảng $80 tỉ chỉ trong năm 2020.

Chiến hạm Úc, Ấn, Mỹ, Nhật tập trận trên vùng biển Malabar ngày 20 Tháng Mười Một, 2020. (Hình: US Navy)

Hôm 29 Tháng Giêng, ông Jake Sullivan, cố vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ của Tổng Thống Joe Biden, phát biểu trên một diễn đàn trực tuyến của viện nghiên cứu “Institute For Peace” rằng, nước Mỹ cần phải biến mạng lưới đồng minh lỏng lẻo tại khu vực Thái Bình Dương thành một cái gì đó nhiều hơn là quan hệ an ninh không chính thức giữa bốn nền dân chủ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (Ấn Độ, Nhật, Úc và Hoa Kỳ) để chống lại Bắc Kinh.

Theo ông Sullivan, nước Mỹ cần “siết chặt hàng ngũ với đồng minh và đối tác” để làm cho Trung Quốc phải thấy cái giá của họ phải trả cho những hành động vi phạm nhân quyền cũng như xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước khác. Nói khác, chính sách đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng Thống Biden vẫn tiếp tục chiều hướng của chính phủ tiền nhiệm chứ không bỏ rơi họ.

Về phía CSVN, khi ông Nguyễn Phú Trọng được “tín nhiệm” ngồi lại ghế tổng bí thư, nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế đều cho rằng chính sách của Hà Nội vẫn chỉ là “đu dây” giữa hai đại cường lớn nhất thế giới, cả về lý do kinh tế cũng như về địa chính trị.

Tuy nhiên ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích an ninh quốc phòng của Rand Corporation và khu vực Á Châu nhận định qua bài viết trên tạp chí Diplomat cho rằng mối quan hệ Hà Nội-Washington vẫn có thể gặp trục trặc những ngày sắp tới nếu Mỹ vẫn áp lực CSVN “thao túng tiền tệ” để giảm bới thâm thủng mậu dịch và đòi CSVN cởi mở hơn nữa về nhân quyền, thay vì chỉ đả kích cho có chuyện như thời Tổng Thống Trump.

Theo ông Grossman, gần đây, Tổng Thống Biden đã đặt một chức giám đốc về dân chủ và nhân quyền tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Điều này báo hiệu chính sách đối ngoại của Mỹ chú ý về mặt này hơn chính phủ tiền nhiệm.

Thành tích nhân quyền của CSVN ngày càng tệ hại hơn trước là cái đích rất hiển nhiên cho các sự chỉ trích. Không bao lâu nữa, Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ công bố bản báo cáo nhân quyền hàng năm mà người ta tin CSVN sẽ rất quan tâm. Đồng thời nhìn xem thái độ của chính phủ Biden đối với nhân quyền tại Việt Nam có khác với thời chính phủ Trump hay không.

Thêm nữa, Hà Nội cũng để ý xem các lời chỉ trích từ Washington có động chạm gì tới cái hệ thống chính trị độc tài đảng trị hà khắc, không dung thứ bất cứ sự chỉ trích nào không. Theo ông Grossman, bất cứ sự thay đổi nào về cách nhìn từ Washington cũng làm CSVN cảm thấy như Mỹ chen vào nội tình chính trị.

Ai lên làm lãnh tụ, không cần biết. Người phụ nữ này vẫn phải miệt mài bán rau mỗi ngày trên lề đường Hà Nội để kiếm sống. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác làm Hà Nội lên ruột. Hồi Tháng Mười Hai, 2020, chính phủ Trump đã gắn nhãn hiệu “thao túng tiền tệ” cho CSVN. Đại diện Thương Mại Mỹ cáo buộc Hà Nội: “Hành động không công bằng, chính sách cũng như thi hành chính sách đóng góp vào việc phá giá đồng tiền gây thiệt hại cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ, cho nên, cần phải giải quyết.”

Dù vậy, chính phủ Trump vẫn không làm gì hơn là những lời cảnh cáo. Hiện Hà Nội vẫn chờ xem chính phủ mới của ông Biden có cứu xét lại lời cáo buộc của chính phủ Trump hay không, để còn tìm cách giải tỏa.

Một vấn đề khác, theo ông Grossman, Mỹ có dấu hiệu sẽ cứng rắn hơn với Nga, một đồng minh thân thiết của Hà Nội từng bị giới tình báo Mỹ cáo buộc xâm nhập mạng lưới an ninh không gian của Mỹ cũng như đàn áp lãnh tụ đối lập Alexei Navalny. CSVN mua sắm hầu hết trang bị quân sự, võ khí từ Nga.

Rất có thể Mỹ sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt Nga, chẳng hạn cấm các nước đồng minh và đối tác mua trang bị quân sự của Nga xuyên qua đạo luật “Countering America’s Adversaries Through Threat of Sanctions Act” (CAATSA). Nếu CSVN không muốn bị ảnh hưởng lệnh cấm vận, cần phải được hưởng quy chế miễn trừ.

CSVN rất cần sự hiện diện của Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ trên Biển Đông. Những dấu hiệu tích cực gần đây cho thấy lực lượng Mỹ không những vẫn ở lại mà còn có thể gia tăng hợp tác với các đối tác và đồng minh ở khu vực.

Nhưng theo ông Derek Grossman, CSVN có nhiều lý do để muốn biết chiều hướng chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong những năm tháng tới đây, mà họ muốn tiếp tục diễn biến tích cực. Bởi vì cả Washington cũng như Hà Nội đều muốn kềm chế Bắc Kinh trên Biển Đông và nói chung cả về kinh tế và chính trị, nhưng bất cứ sự va chạm nào cũng có thể dẫn đến sứt mẻ. Dĩ nhiên, chẳng có cái gì bảo đảm. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT