Wednesday, April 24, 2024

Rộn ràng Giáng Sinh ở các nhà thờ vùng Chợ Lớn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hẳn nhiên vào ngày sinh nhật Chúa Jesu Christs đâu chỉ riêng 203 nhà thờ thuộc Tổng giáo phận Công Giáo Rôma ở Sài Gòn trang hoàng đèn hoa rực rỡ, mà cả cộng đồng giáo dân đạo Kitô ở Sài Gòn cũng cùng chung mừng đón một mùa Giáng Sinh mới.

Đến nhà thờ Thánh Phanxicô Xavier, tên thường gọi là nhà thờ Cha Tam, ở đường Học Lạc, quận 5; đây là ngôi nhà thờ lớn của cả một vùng đông dân cư thuộc giáo hạt Chợ Quán, Tổng giáo phận Sài Gòn, được thấy cảnh tất bật chuẩn bị đón mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Trong khuôn viên sân nhà thờ, quán cơm từ thiện, thùng bánh mì cho không vẫn phục vụ bà con cơ nhỡ không phân biệt tôn giáo.

Gặp gỡ một số người nghèo người Việt gốc Hoa đang ngồi chờ nhận phần cơm từ thiện, một người đàn ông ngoài tuổi năm mươi cho biết, “Ngày nào ngộ cũng ăn cơm nhà thờ, Giáng Sinh có khi được người đi lễ cho tiền, phát quà.”

Quán cơm từ thiên ngay trong sân nhà thờ Cha Tam. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhà thờ Cha Tam được đặt viên đá đầu tiên ngày 3 Tháng Mười Hai 1900, nhằm ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier) nên tên Thánh được dùng đặt tên cho nhà thờ.

Ngày 10 Tháng Giêng 1902 khánh thành nhà thờ. Riêng tên nhà thờ Cha Tam mà dân Sài Gòn – Chợ Lớn quen gọi là đọc trại từ tên của vị linh mục xây nhà thờ, Linh mục Pierre d’Assou sinh năm 1855 tại Macao. Chữ d’Assou phiên âm ra tiếng Hoa là Đàm Á Tố, phát âm thành Tam Assou, đọc gọn thành Cha Tam.

Rời nhà thờ Cha Tam đi đến nhà thờ Ngã Sáu, hai bên đường các siêu thị, cửa hàng tiện ích, quán cà phê… “ăn theo” mùa Giáng Sinh đã trang trí hình ảnh ông già Noel, xe Tuần Lộc, người tuyết… làm cho đô thị nhiệt đới Sài Gòn có chút màu mùa đông.

Ở khu vực Chợ Lớn, nếu nhà thờ Cha Tam là nơi đi lễ của giáo dân người Hoa thì nhà thờ Ngã Sáu là nơi người Việt thường đến lễ.

Dù trải qua cả thế kỷ nhưng nhà thờ Ngã Sáu vẫn đẹp uy nghi. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Trước năm 1919, khu đất xây nhà thờ là một nghĩa địa của người Hoa. Người Pháp gọi là Plaine DesTombeaux Saigon (cánh đồng mả Sài Gòn). Sau khi nhà thờ được xây lên toàn bộ khu đất phủ màu xanh của công viên và những hàng cây xanh tuyệt đẹp, ba con đường lớn đan chéo nhau vây xung quanh như một hoa thị sáu cánh, cho nên người dân quen miệng gọi đây là nhà thờ Ngã Sáu, dù tên gốc là nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc.

Có một giai đoạn sau 1975, quanh nhà thờ Ngã Sáu tụ tập nhiều tệ nạn xã hội, nhưng cũng chính phía sau góc nhà thờ nơi có hang đá lớn vinh danh Thánh nữ Jeanne d’Arc.

Chúng tôi trong mùa Giáng Sinh này được người quen giới thiệu thông tin phúc lành từ trang Facebook Công Giáo Việt Nam. Tin từ Giáo xứ Thánh nữ Jeanne d’Arc (116A Hùng Vương, phường 9, quận 5, Tổng Giáo Phận Sài Gòn). Linh mục Giuse Vũ Minh Thuỳ, Chánh sở Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Jeanne d’Arc thuộc Giáo hạt Sài Gòn Chợ Quán cho biết.

Nhà thờ Tân Phước (còn gọi là nhà thờ Hầm) ngày nay. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

“Trong thời gian chờ đợi chính quyền chấp thuận để bảo đảm an ninh trật tự; Phía sau núi Đức Mẹ của Giáo xứ có dành một khu trọ cho các bệnh nhân khám bệnh tại các bệnh viện chung quanh Giáo xứ như:BV Truyền máu huyết học, BV lao Phạm Ngọc Thạch, BV Đại học Y dược, BV Nguyễn Tri Phương…

Các phòng trọ này hoàn toàn miễn phí dành cho những bệnh nhân phải chờ đợi các kết quả xét nghiệm hay thực hiện các Thủ Thuật Lâm Sàng mà kết quả không có trong ngày, hay có kết quả nhưng không kịp giờ khám bệnh phải ngủ lại đêm hoặc hai đêm để sáng hôm sau khám tiếp, như một cách tiếp sức cho các bệnh nhân trong cơn khó khăn của bệnh tật.

Mọi thông tin xin liên lạc trực tiếp với Văn phòng Giáo xứ Thánh nữ Jeanne d’Arc (Ngã Sáu Chợ Lớn, ĐT:0283.557.616) để được hỗ trợ. Xin cảm ơn!”

Sài Gòn trước biến cố 1975, quận 11 cũng được xếp vào khu vực Chợ Lớn. Nên mỗi dịp Giáng Sinh về, nhà thờ Thăng Long, nhà thờ Tân Phước vẫn là nơi có cộng đồng giáo dân cả người Việt và Người Hoa lễ chung nhà Chúa.

Hang đá vinh danh đức Thánh Jeanne d’Arc ở nhà thờ Ngã Sáu. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhà Thờ Tân Phước, khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20, người đến khu rừng cao su trong vùng lập nghiệp ngày càng đông mà phần lớn là giáo dân từ miền Bắc di cư vào Nam và đi lễ ở nhà thờ Thăng Long trên đường Tôn Thất Hiệp.

Năm 1966, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn lúc bấy giờ ký sắc lệnh thành lập giáo xứ Tân Phước. Nhà thờ Tân Phước còn được gọi là nhà thờ Hầm (hầm là một kho đạn cũ của quân đội Pháp, hầm hiện nay vẫn còn nằm trong công viên Tân Phước kế bên nhà thờ). Nét nổi bật trong mùa Giáng Sinh của nhà thờ Tân Phước là dựng và trang trí cây Giáng Sinh sớm. Nhưng nhà thờ Tân Phước được người nghèo, dân lao động trong vùng biết danh nhất lại là quán cơm từ thiện nhà thờ Hầm.

Đây là một trong những quán cơn giá 2,000 đầu tiên, được coi là phục vụ bữa ăn ngon nhất trong các quán cơm từ thiện của Sài Gòn và dù vật giá qua bao biến động khó khăn, các giáo dân nơi đây vẫn góp công, góp sức duy trì quán cơm phúc lành này, quán mở của vào trưa Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu.

Mỗi mùa Giáng Sinh về cũng là dịp để hiểu thêm đời sống tín ngưỡng của người Sài Gòn hôm nay.

Tổng Giáo phận Sài Gòn là giáo phận lớn nhất Việt Nam, việc bà con giáo dân quanh vùng Chợ Lớn trong mùa Chúa Giáng Sinh cùng thiện tâm chia sẻ đùm bọc với người ngoại đạo là phúc lành từ hồng ân Thiên Chúa. (Trần Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT