Friday, March 29, 2024

Sài Gòn, ba gác xà bần miệt mài kiếm sống

Duy Thức/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mặc dù đã bắt đầu mùa mưa nhưng việc xây dựng nhà cửa vẫn tiến hành. Mặc mưa thì mưa, nhà cửa không thể chỉ gói ghém xây dựng trong vòng sáu tháng mùa khô được. Vì thế chỗ nào cũng xà bần vôi vữa. Chẳng những ở ngoài mặt tiền đường phố mà còn đi sâu vào các hẻm nên đi đâu cũng thấy ngổn ngang đập phá xây sửa. Đâm ra thợ nề, thợ sắt… kể cả người hốt xà bần, lại có việc làm.

Công việc dễ dàng dành cho tất cả phụ nữ, trẻ em và người già bao giờ cũng là bán vé số. Còn đối với nam giới, nếu không biết làm gì, không có nghề chuyên môn thì lấy sức mạnh đi làm nghề hồ.

Thợ hồ, thợ nề… ở Việt Nam thường không được đào tạo qua trường lớp. Cứ phụ một thời gian làm các việc lặt vặt nặng nhọc như đào đất, xách nước, khuân gạch, đập bỏ, xúc xà bần…, rồi lên thợ phụ trộn vữa, đóng trần… Những việc lãnh lương công nhật đó chỉ cần sức vóc. Nhờ cai và thợ chính kèm cặp từ từ, khéo tay và chăm chỉ thì sau một thời gian lên thợ chính đảm nhiệm xây tường, đổ sàn… Lâu ngày lớn tuổi dày kinh nghiệm và có chút vốn may ra sẽ có ngày thành chủ nhận thầu các công trình nho nhỏ.

Trong cái không khí tràn ngập bụi cát và nắng nóng mưa ào đó, một người đẩy chiếc xe ba bánh tràn ngập xà bần cát đá đậu dựa bờ tường gần đó.

Xà bần, bây giờ gọi dài dòng là rác thải xây dựng. Mỗi khi có ngôi nhà đập đi để sửa sang hay xây lại sẽ dồn ra một đống bê tông gạch vụn, phải thuê xe chở đi đổ. Đến lúc làm móng lại thuê xe đổ xà bần về. Mất công chở đi rồi chở lại vì mọi loại rác không được phép nằm chình ình vương vãi đó. Để tránh bị phạt, xà bần thải ra tới đâu phải chuyển đi ngay tức khắc.

Chủ nhà thuê xe ba gác đến chở xà bần mang đi đâu đổ không cần biết. Tiền thuê xe bao gồm cả công giải quyết đống rác ấy.

Riêng chủ thầu có thể liên hệ để tìm được một chỗ đang cần xà bần để đổ móng, đằm đất. Như vậy một công đôi chuyện ăn hai đầu, vừa lấy công đổ xà bần vừa thêm tiền bán xà bần. Không thì chủ nhà lại kêu ông ba gác nhờ chở đi.

Thông thường khó kiếm cùng lúc nơi mua nơi bán gần nhau nên đa số đổ đại ngoài đường. Ông ba gác thường kiếm một bãi vắng để lén trút xà bần xuống. Nếu xà bần không nhiều lắm, người ta thường dấu bằng cách gói kín trong các bao nhỏ rồi đường hoàng vất xuống. Mới trông tưởng những bịch rác thông thường, không ai biết đó là các bao xà bần.

Xe rác nhà nước có bổn phận hốt sạch mọi đống rác ven đường. Sau này, nhà cửa ngày càng mọc lên đông đúc, không còn bãi đất trống và vắng vẻ để chủ nhà tiện đâu đổ đấy nữa. Vì thế mới có những người chuyên đi đổ xà bần. Rất lạ là mặc dù có công ty nhà nước chuyên đổ xà bần theo giá chính thức nhưng người ta vẫn thích đổ bậy ngoài đường vừa tiện lợi và đỡ tốn! Thành thử công ty nhà nước chỉ có thể chính thức giải quyết xà bần hai phần, còn một phần vẫn thuộc về công nhân vệ sinh hốt từ bãi rác người dân đổ bừa bãi. Phạt mấy cũng không dẹp được vì thiếu người đứng canh..

Đổ xà bần thành vấn đề nan giải vì hiếm còn bãi trống trong nội thành. Tuy vậy cứ hỏi mấy người chạy xe ba gác đều sẵn sàng nhận chở hay tại các cửa tiệm bán vật liệu xây dựng cũng giới thiệu người đổ xà bần. Đó là một dây chuyền trong việc xây cất. Khi người chủ chở xà bần đi thì tiếp sau đó mới mua hàng của cửa tiệm vật liệu xây dựng. Chủ thầu xây dựng cũng đều có trong tay các mối đổ xà bần quen vì chỉ những người đó mới biết chỗ đổ.

Ngon lành hơn, nhiều người sắm xe hơi đi đổ xà bần. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Vì đổ xà bần khó khăn như thế nên lắm khi ba gác cũng bắt chẹt khách. Nhất là vào những lúc cao điểm như cận tết, nhiều chủ nhà than thở công thuê đổ xà bần bằng công thợ chứ chẳng chơi.

Trước kia chở gạch, cát, ngói có thể dùng ba gác đạp nhưng xà bần bao giờ cũng là ba gác máy vì quá nặng, không ai đẩy nổi chiếc xe chở những tảng bê tông đập vụn. Từ khi xe ba gác đạp và xích lô bị cấm vì mỹ quan đô thị thì ba gác máy cũng ít hẳn đi, số còn sót lại hoạt động có phần len lén vì vẻ ngoài của cả xe và chủ trông lam lũ, cũ kỹ quá! Tuy nhiên nhờ sự gọn gàng tiện lợi, dễ dàng len lỏi vào các con hẻm hẹp với khối lượng chuyên chở nhỏ nên ba gác vẫn còn tồn tại tới giờ, không thể triệt bỏ được.

Có mấy chiếc xe loại xe Trung Quốc, xe bán tải chạy ngang. Trên xe đầy dây điện, các thanh đà sắt và các loại sắt nhỏ chở tới ngôi nhà đang xây cuối hẻm.

Ông ba gác chở xà bần nói: “Nếu có tiền tôi sẽ mua chiếc xe đó chuyên chở xà bần hoặc chở hàng hóa, mỗi lần chở nhiều hơn thay vì ba gác máy phải đi nhiều chuyến. Các công ty lớn hoặc hợp tác xã nhận đổ xà bần số lượng lớn nên có bãi đổ đàng hoàng.”

Ông nói thêm: “Đừng tưởng chở xà bần dễ ăn. Trong thành phố bây giờ chỗ nào cũng nhà cửa san sát. Có khi phải chạy rất xa mới tìm được chỗ đổ.”

Tôi hỏi:

-Mua một cái xe như thế chừng bao nhiêu tiền?

Ông ta trả lời:

-Chừng bảy tám chục triệu. Tôi không thể nào kiếm dư nổi mà mua. Ngay cả chiếc ba gác này cũng không phải của tôi mà thuê lại của chủ. Bà ta có mấy chiếc ba gác cho mướn. Cứ mỗi tuần lễ đóng ba trăm ngàn.

-Vậy một xe đầy xà bần công bao nhiêu?

Người đàn ông trả lời:

-Mỗi chuyến xe đầy ắp được trả một trăm ngàn, xăng mình chịu. Tuy nhiên tôi chỉ chở xà bần hẻm nhỏ với những nhà sửa sang chút chút. Hẻm rộng và nhà đập nhiều quá phải kêu xe tải thùng rộng hơn chạy mỗi chuyến ba trăm ngàn. Nếu trong xà bần lẫn nhiều thanh sắt, tôi sẽ đập ra lấy sắt vụn mang bán.

Ông ba gác cũng là dân miền Tây lên thành phố kiếm ăn nhưng may mắn hơn những người khác là lấy được vợ thành phố nên gia đình sống sum họp, tránh khỏi chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái dưới quê gửi ông bà nội ngoại hai bên trông nom như tình cảnh của hầu hết dân nhập cư từ tứ xứ tìm đến thành phố mưu sinh. Chỉ có điều bà vợ làm nghề bán sương sâm ngoài chợ vốn không phải là món hàng lời nhiều. Hai vợ chồng nuôi hai con khá chật vật với mức sống cao của thành phố.

Trước kia ông ta từng phụ hồ nhưng không khéo tay lên thợ chính được. Sau một tai nạn bị ngã chấn thương ở chân, Ông không thể tiếp tục xông xáo ở công trường, đành lui về và chọn một công việc vẫn gắn bó với môi trường từng làm việc nhiều năm là chở xà bần đi đổ. Nếu không thế thì ông hoàn toàn không biết phải làm nghề gì để sinh sống.

Đây cũng là công việc nặng nhọc vì phải xúc xà bần lên xe, chở đi, lại xúc xuống gạch, vữa, nhất là bê tông khi đục bằng máy khoan thường có những tảng khá to.

Ông ta cung tay quành ra sau đấm vài cái trên lưng và giải thích:

-Tôi đau lưng, ngồi nghỉ giây lát hết rồi sẽ chạy tiếp. Tôi không mua bảo hiểm nên chỉ xin thuốc miễn phí nơi phòng thuốc Nam. Mỗi ngày tôi nhín tiền mua hai tờ vé số mong trúng mua chiếc xe ben chạy khá hơn chứ vài năm nữa đâu chạy ba gác nổi.

Ông ta nói tới đó thì đứng lên, quanh lối xóm đã ồn ào như vỡ chợ. Kẻ mở loa rao hàng, kẻ rồ xe chạy ồn ào, xe tải chở cát chạy qua, tiếng động như muốn nứt cả con phố. Đường hẻm nhỏ người ta tranh nhau để sống, trong đó có chiếc ba gác cũ mèm, ngày đông khách có thể chở hai, ba chuyến kiếm vài trăm ngàn bù cho ngày không…

Chẳng phải chỉ có ông phụ xe chở xà bần đó, tôi còn nghe một người đàn bà gầy ốm đi một mình rao mua hàng: “Có bàn ghế cây, ghế sắt bán không.”

Ban đầu tôi hơi lạ. Người đàn bà đi mua bàn gỗ, ghế sắt nặng nề như thế mà một mình chị ta sẽ làm gì. Thì ra mua vật dụng xong, chị sẽ gọi xe ba gác, chở về chợ có cửa hàng sẵn để bán lại.

Trời chiều lại mưa như trút nước ào ạt trên những còn người lao động vất vả ấy.

Mời độc giả xem phóng sự “Cuộc sống trong những chung cư cũ nát ở Sài Gòn”

MỚI CẬP NHẬT