Thursday, April 25, 2024

Sài Gòn, một lần ăn phở ở Cống Bà Xếp

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các thế hệ người mới nhập cư đang sống ở Sài Gòn, chẳng mấy người biết địa danh Cống Bà Xếp. Ngược lại, với người Sài Gòn, cũng chẳng ai nhớ cái tên đường Trần Văn Đang vì ai đâu tìm hiểu ông này là ai cho mắc công. Vậy nên nếu có ai hỏi thăm đường tắt đi từ đường Lê Văn Duyệt cũ (Cách Mạng Tháng 8 mới) để ra đường bờ kè Trường Sa ven kênh Nhiêu Lộc thì người chỉ đường nói gọn. “Chạy băng qua đường ray xe lửa là tới bờ kè.”

Đường xe lửa này mỗi ngày kéo barie ngăn đường cho các đoàn tàu từ ga Sài Gòn đi và về cả vài chục lần, đó là chưa kể các đầu máy ra vô dồn toa trên đường ray từ xí nghiệp đầu máy xe lửa. Chuyện kẹt xe ở đoạn đường này là chuyện như cơm bữa, còn nếu muốn băng qua đoạn đường ngắn này vào dịp Tết, người bị chặn đường sẽ có cả vài chục phút để ngó cả đoàn tàu mà chia sẻ nỗi buồn vui cùng đội quân người nhập cư nghèo ngồi chật kín trên các toa hối hả về quê xa.

Vào một ngày nghỉ, được một người bạn lớn tuổi rủ đến Cống Bà Xếp ăn phở, chúng tôi hoang mang vì đoán rằng sau gần nửa thế kỷ gọi là “giải phóng Sài Gòn” thì khu vực này vẫn nguyên trạng là một khu lao động nghèo ven đường ray xe lửa, làm gì có quán phở ngon với đầy đủ tiêu chuẩn của đệ nhất món ngon Việt Nam.

Cảnh xe lửa dồn toa khiến đoạn giao lộ đường sắt và đường bô này kẹt xe quanh năm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Quán phở nơi chúng tôi tới ăn chiếm một góc nhỏ bên đường ngang gần rào chặn xe lửa, xe nấu phở thì ở bên trong căn nhà nhỏ xíu còn sót lại sau khi mở rộng đường, bàn ghế cho khách ăn phở thì kê ngay trên lề đường hẹp; và hơn hết cảnh quanh khu giao lộ của đường sắt và đường bộ này vẫn đều đặn nhịp sống của người Sài Gòn bình dân.

Lúc xe lửa chạy thì người, xe bán rong trái cây, bánh bò… ngồi cạnh chốt đường sắt, giữa khoảng trống hai đường ray (chốt này đặc biệt vì có 2 đường ray song song nhau) cứ thản nhiên đứng im chẳng cần để ý đoàn tàu. Khoảng giữa hai cái đường ray là căn nhà bán than củi thời chẳng còn mấy người nấu nướng bằng than, bên trái bên phải đường ray là mấy ông xe ôm tụ bến. Cánh xe ôm này có khi ngồi cả ngày ngó người qua kẻ lại mà không có cuốc nào vì bị xe ôm công nghệ hốt hết mối…

Nói chung dù cảnh và người, cũ và mới chen lẫn vào nhau, nhưng nếu có dịp ngồi ăn phở sáng nơi đây bạn sẽ có cảm giác ngược dòng thời gian trở lại với đời sống thị dân Sài Gòn xưa.

Cảnh mua bán và ngồi chơi ngay cạnh đường ray xe lửa. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Theo lưu truyền của người dân, cái tên Cống Bà Xếp có nguồn gốc từ chuyện vợ của một ông sếp ở ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) có nhà ở khu vực cống. Ngày xưa, hễ quan ở đâu thì phu ở đó nên khu vực xung quanh cái cống này trở thành nơi quần cư của những người làm ở ga và xí nghiệp đầu máy xe lửa gần đó. Dần dần khu này có tên gọi chung là xóm Cống Bà Xếp. Ngày trước, có lúc cả khu này bị nổi tiếng bởi một người mướn nhà cho vợ bé ở, đó là tướng cướp có tên Điền Khắc Kim, nhưng ngày nay chẳng mấy ai còn thích bàn ra tán vô chuyện này. Một bà cụ có hơn nửa đời người sống khu này, khi được hỏi về giới giang hồ – tệ nạn ngày xưa, bà nói: “Nhắc chi chuyện Khắc Kim với khắc sắt ông ơi, Đám chơi đập đá bây giờ tới quỷ thần cũng chạy mặt.”

Khu chốt chặn đường sắt, đường Trần Văn Đang thuộc phường 9, quận 3 nổi tiếng kẹt xe nhất nhì nội ô Sài Gòn. Mỗi lần bị nạn kẹt xe, tắt đường hành hạ, người ta dễ liên tưởng đến một công trình giao thông công cộng, đó là tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được chế độ thổi kèn đánh trống khởi công từ năm 2011, hứa hẹn đến năm 2017 sẽ xong, nhưng liên tục đòi “ăn thêm vốn” lại dời ngày làm xong đến tận năm 2020 hoặc xa mù mịt hơn nữa; trong khi đó ở Indonesia tuyến metro đầu tiên của khu trung tâm Jakarta cũng thuộc vốn viện trợ từ Nhật Bản (JICA) như tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, dù khởi công sau vào năm 2013 nhưng đã đưa vào sử dụng.

Đường ray xe lửa có từ thế kỷ trước ở chốt chặn tàu lửa Cống Bà Xếp. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Trở lại với chuyện ăn phở bình dân ở đường ray xe lửa Cống Bà Xếp, Với giá phở thuộc hàng rẻ nhất Sài Gòn mà lại thuộc dòng phở người Bắc di cư (1954), thơm ngon vừa miệng người bình dân nên sáng nào quán phở cũng bán đắt. Ngồi ăn phở nghe còi xe lửa, nhìn cảnh kẹt xe dồn cục và được nghe vài mẩu chuyện của người Sài Gòn xưa, chuyện mỗi đêm họ nằm trên giường ngủ nhưng nghe tiếng tàu chạy mà đoán biết mấy giờ, thậm chí còn thuộc lòng cả lịch tàu chạy mỗi ngày.

Việc ngày càng có nhiều người Sài Gòn cố cựu ưa thích tìm đến các không gian đô thị nơi họ đã từng sống, có thể là do nhu cầu hoài cổ, nhưng rõ hơn do phần lớn không thể hội nhập với toàn cảnh hổn tạp rối beng không biết đường hướng đâu mà lần, của một đô thị lớn sau gần nửa thế kỷ bị điều hành bởi một chế độ mà người dễ tính nhất cũng kết luận: Ăn (hối lộ, tham nhũng) nhiều hơn làm.

Những ai trở lại Cống Bà Xếp, ngồi ăn phở hay uống nước mía nhìn đường ray, đầu máy, toa xe lửa xuất xưởng chở khách từ các thế kỷ xa xưa, rồi nhìn cảnh sống người lao động Sài Gòn hầu như rất ít thay đổi, có khi người an phận nhất cũng phải thốt lên theo ca từ một bản nhạc viết ở hải ngoại mà họ thuộc lòng: “Bao năm giải phóng như thế này phải không anh.” (Trần Tiến Dũng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT