Thursday, March 28, 2024

Tân bộ trưởng Giáo Dục CSVN gây bàn tán vì ‘nghiên cứu ở Harvard’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 8 Tháng Tư dấy lên bàn tán xoay quanh việc báo nhà nước nhấn mạnh rằng ông Nguyễn Kim Sơn, tân bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo CSVN, “từng làm nghiên cứu ở Trường Đại Học Harvard, Mỹ.”

Ông Sơn, cùng với 11 vị giới chức khác, được Quốc Hội CSVN phê chuẩn bổ nhiệm trong chính phủ của ông Phạm Minh Chính. Trước khi thay ghế của ông Phùng Xuân Nhạ, ông Sơn làm giám đốc Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Ông Nguyễn Kim Sơn, tân bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo CSVN. (Hình: Giang Huy/VNExpress)

Liên quan chi tiết đến “trường Harvard,” các báo nhà nước cho thấy sự bất nhất về khóa học và thời gian.

Theo tờ Thanh Niên, “hồi năm 2009, ông Sơn nghiên cứu sau tiến sĩ về tư tưởng Nho Giáo ở Việt Nam tại Đại Học Harvard, Mỹ.”

Còn theo báo Chính Phủ, từ Tháng Sáu, 2007, đến Tháng Năm, 2008, ông này làm “học giả nghiên cứu tư tưởng Nho Giáo ở Việt Nam tại Học Viện Harvard Yenching, Đại Học Harvard, Hoa Kỳ.”

Trước đó, hồi Tháng Hai, báo Giáo Dục Việt Nam đăng bài “Tân ủy viên Trung Ương Đảng từng nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại Học Harvard” sau đó không rõ vì lý do gì sửa tựa bài thành “Tân ủy viên Trung Ương Đảng từng nghiên cứu tại Harvard Yenching.”

Harvard Yenching Institute bản chất là một học viện giáo dục Châu Á, thuộc Đại Học Yenching (Yên Kinh của Trung Quốc), có cơ sở đặt trong khu campus Harvard ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ.

Theo ghi nhận của giới quan sát, học viện này hoàn toàn không liên quan và trực thuộc Đại Học Harvard lừng danh thế giới.

Hơn nữa, ông Sơn đến học viện nêu trên theo dạng “visiting scholar,” nghĩa là một dạng “hợp tác nghiên cứu” khi một cá nhân được cho phép đến một cơ sở nghiên cứu để tiến hành thăm viếng, học hỏi và hỗ trợ hợp tác.

Trong vụ này, mạng xã hội đặt câu hỏi: Tại sao vị tân bộ trưởng Giáo Dục CSVN lại cứ phải nhận vơ cái danh “Harvard” khi nó không thuộc về ông?

Phụ huynh và học sinh khốn khổ vì các đời bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo CSVN chỉ giỏi “nổ” về thành tích cải cách. (Hình: Tổ Quốc)

Bản thân người đứng đầu ngành giáo dục, đào tạo tri thức cho nước nhà, còn nhiều thông tin mập mờ gian dối, thì mong gì ở một nền giáo dục tươi sáng, bớt tiêu cực trong giáo dục thi cử?

Trong khi đó, trả lời báo VNExpress, Bộ Trưởng Sơn nói rằng ông cảm thấy “áp lực đến từ nhiều phía, trong đó có sự kỳ vọng lớn của xã hội.”

Ông Phùng Xuân Nhạ, người tiền nhiệm của ông Sơn, được ghi nhận là bộ trưởng bị công luận chỉ trích gay gắt nhất trong nhiệm kỳ vừa qua, do vướng phải hàng loạt vụ bê bối: Gian lận điểm thi tú tài tại các tỉnh thành phía Bắc, bị tố đạo văn khi công bố bài báo khoa học, sách giáo khoa Tiếng Việt có nhiều sai sót… Tuy vậy, bất chấp những lời kêu gọi từ chức, ông Nhạ vẫn hoàn toàn “vô sự” cho đến khi được miễn nhiệm để nhường ghế lại cho ông Sơn vào cuối nhiệm kỳ. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT