Friday, March 29, 2024

Tàu Cát Linh-Hà Đông đang chạy thì dừng đột ngột trong 1 tiếng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tàu Cát Linh-Hà Đông đang chạy đến ga Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thì bỗng nhiên dừng lại đột ngột trong một tiếng.

Theo lộ trình, tàu còn phải qua bốn ga Láng, Thái Hà, La Thành và dừng ở ga cuối Cát Linh.

Tàu Cát Linh-Hà Đông vào ga Vành Đai 3 hôm 11 Tháng Hai. (Hình: Võ Hải/VNExpress)

Theo báo VNExpress, trong sự việc xảy ra hôm 11 Tháng Hai, hàng trăm hành khách có mặt trên chuyến tàu được sắp xếp lên xe buýt đưa về ga cuối.

Sau khi vụ trục trặc được giải quyết, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông trở lại hoạt động bình thường.

Liên quan sự việc, báo Giao Thông dẫn lời một cán bộ ẩn danh của công ty Metro Hà Nội: “[Trong] quá trình vận hành, tàu không tránh được trục trặc nhưng đều nằm trong kịch bản, mong quý khách thông cảm.”

Bên dưới bản tin của báo VNExpress, độc giả “Long Luu” bình luận: “Giờ này còn xài tàu mà tốc độ khai thác chỉ 35 cây số mỗi giờ. Hên là tàu dừng giữa đường chứ giữa cầu mà dừng thì…”

Đây là lần thứ ba các báo ở Việt Nam ghi nhận tình trạng tàu Cát Linh-Hà Đông trục trặc kể từ khi tuyến đường sắt đô thị này vận hành vào đầu Tháng Mười Một, 2021.

Trước đó hôm 23 Tháng Năm năm ngoái, một đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông dừng lại giữa đường với nguyên nhân được công bố là “trời mưa, đường ray trơn trượt nên hệ thống lái tự động chuyển sang lái thủ công.”

Còn theo báo Tuổi Trẻ, vào đêm 7 Tháng Mười Hai, 2021, tàu Cát Linh-Hà Đông xảy ra “trục trặc về tín hiệu” khiến đoàn tàu không thể hoạt động tại ga Cát Linh trong hơn 30 phút.

Tuy vậy, thời điểm đó, các báo ở Việt Nam đồng loạt tường thuật rằng đây là “tình huống diễn tập.”

Trong cả ba lần trục trặc đều không có bất kỳ giới chức nào của công ty Metro Hà Nội đứng ra nhận trách nhiệm.

Hành khách đi tàu Cát Linh-Hà Đông. (Hình: Dân Trí)

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài 13 km, tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8,769 tỷ đồng ($552,8 triệu). Đến năm 2017 “đội vốn” lên $868 triệu. Bên cấp vốn là ngân hàng xuất nhập cảng Trung Quốc (China Eximbank) và vốn đối ứng trong nước.

Do sử dụng vốn vay ODA, nên dự án đi kèm điều kiện sử dụng nhà thầu, vật tư, thiết bị của bên tài trợ vốn là Trung Quốc. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT