Thursday, March 28, 2024

Tham nhũng tại OceanBank, cựu tổng giám đốc bị y án tử hình

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 4 Tháng Năm, không ngoài dự đoán, kết thúc phiên xử phúc thẩm, Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội “tuyên y án tử hình” đối với Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, tòa kiến nghị chánh án Tòa Tối Cao “sớm xem xét, giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân” cho ông này.

Cũng trong phiên tòa này, ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị OceanBank, bị y án chung thân.

Ông Sơn, ông Thắm và hơn 20 “đồng phạm” bị xử trong “đại án” với cáo buộc làm OceanBank thiệt hại hơn 1,500 tỷ đồng (hơn $65.9 triệu).

Sau khi phiên tòa kết thúc, các phóng viên ghi lại được hình ảnh ông Sơn cười chào và bắt tay những người từng là thuộc cấp của ông đến dự phiên xử, trong lúc bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ ông, bật khóc tại một góc khuất.

Một ngày trước khi tòa tuyên án, báo Zing cho biết, nhà ông Nguyễn Xuân Sơn và ông Nguyễn Trung Hà, thành viên sáng lập công ty FPT, người được ghi nhận “là bạn thân của ông Sơn,” cùng góp số tiền 37 tỷ đồng (hơn $1.62 triệu), tương đương mức ba phần tư tài sản tham ô mà ông Sơn bị cáo buộc, nhằm “tự nguyện khắc phục hậu quả” để giúp ông này được giảm án.

Ông Hà Văn Thắm sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc. (Hình: Zing)

Trong phiên xử muộn hôm 3 Tháng Năm, ông Sơn được ghi nhận nói những lời sau cùng tại tòa: “Bị cáo đang mắc bệnh hiểm nghèo, tai biến có thể đột tử bất kỳ lúc nào. Mong Hội Đồng Xét Xử rũ lòng thương, nếu kết án hãy cho bị cáo mức án được sống.”

Theo quy định của luật pháp CSVN, ông Sơn có bảy ngày để làm đơn gửi chủ tịch nước xin ân giảm án.

Trong bài viết dài ba kỳ đăng trên trang Luật Sư Việt Nam, Luật Sư Nguyễn Minh Tâm, người bào chữa cho ông Sơn, viết: “Nếu chấp nhận bản án sơ thẩm tại phiên tòa phúc thẩm sẽ gây oan sai, không những tước đoạt vô căn cứ quyền được sống của ông Nguyễn Xuân Sơn đã được ghi trong Hiến Pháp năm 2013 mà còn gây ra hệ lụy khác cho xã hội, làm rối loạn việc áp dụng pháp luật đối với chủ thể, khách thể tội ‘Tham ô tài sản.’”

Theo Luật Sư Tâm, tòa án cấp sơ thẩm “đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh ông Nguyễn Xuân Sơn phạm tội ‘Tham ô tài sản’ theo Điều 280 Bộ Luật Hình Sự.” Bởi vì, kết quả điều tra bổ sung không hề có tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh cho tội “Tham ô tài sản.” Hồ sơ vụ án vẫn là các tài liệu, chứng cứ cũ khi cáo trạng (cũ) dùng làm căn cứ truy tố ông Sơn về hai tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái…”

“Cuộc đấu tranh chống tham nhũng mặc dù mang ý nghĩa chính trị quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhân dân trước ‘quốc nạn’ tham nhũng hiện nay, nhưng việc xử lý các đối tượng tham nhũng vẫn và phải là một cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý, phải bảo đảm chắc chắn, có căn cứ về mặt pháp luật, không thể mang tính chất chủ quan, duy ý chí,” luật sư viết thêm.

Cùng thời điểm, Luật Sư Trần Vũ Hải nêu quan điểm trên trang Diễn Đàn Những Người Hành Nghề Luật: “Việc giữ nguyên án tử hình cấp sơ thẩm đối với Nguyễn Xuân Sơn sẽ tạo tiền lệ xấu cho hoạt động tư pháp và gây nhiều hệ lụy, rủi ro pháp lý cho những quan hệ kinh tế, dân sự, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.” (T.K.)

Nghi vấn đại tá công an tự tử vì liên quan đường dây đánh bạc

MỚI CẬP NHẬT