Tuesday, April 16, 2024

Việt Nam thêm 43 ca COVID-19 mới, dịch lan tới Lạng Sơn, Bắc Giang

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến chiều 5 Tháng Tám (giờ địa phương), Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng Chống Dịch COVID-19 thông báo ghi nhận thêm 43 ca nhiễm mới, nâng số ca mắc ở Việt Nam lên 713 ca, trong đó tám người đã tử vong.

Theo báo Tuổi Trẻ, các ca mắc COVID-19 mới vừa ghi nhận có 34 ca tại Đà Nẵng, hai ca Quảng Nam, bốn ca tại Lạng Sơn và hai ca tại Bắc Giang là người cùng gia đình từng du lịch Đà Nẵng, một ca nhập cảnh từ Nga về được cách ly ngay.

Các ca nhiễm cộng đồng trong nước gồm hai ca 671 và 672 ở Quảng Nam và các bệnh nhân từ 680-713 cư trú tại Đà Nẵng, có độ tuổi từ 1 đến 75, tất cả đều liên quan đến bệnh viện Đà Nẵng. Trong đó 15 ca là F1 của bệnh nhân COVID-19, 11 người là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.

Riêng các bệnh nhân từ 673 và 678 ở Bắc Giang và Lạng Sơn, có độ tuổi từ 10-41. Họ là những người từng đi du lịch tại Đà Nẵng. Hiện sáu bệnh nhân được cách ly, điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung Ương cơ sở 2, Hà Nội.

Như vậy, chỉ trong vòng 12 ngày (25 Tháng Bảy đến 5 Tháng Tám), Việt Nam đã có 11 tỉnh, thành đang có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Nội, Sài Gòn, Đắk Lắk, Thái Bình, Đồng Nai, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang, với 713 người bệnh. Trong đó 324 bệnh nhân đang điều trị, 11 bệnh nhân nguy kịch.

Tối 4 Tháng Tám, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Đà Nẵng, xác nhận với báo VNExpress cho biết: “Thành phố Đà Nẵng đã thống nhất áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm (group test) để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm COVID-19.”

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng. (Hình: Nguyễn Đông/VNExpress)

Theo ông Thơ, group test là phương pháp nhóm lại để xét nghiệm, bỏ nhiều mẫu vào trong một ống xét nghiệm để cho ra kết quả gộp. Cách này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc xét nghiệm từng mẫu, giúp tăng năng lực xét nghiệm. Một số nơi trên thế giới đã áp dụng.

“Nếu mẫu đó dương tính thì sẽ tiếp tục xét nghiệm riêng từng mẫu trong nhóm đó. Như vậy chúng ta loại ra cái âm tính, loại ra được số lượng rất lớn,” ông Thơ nói.

Báo Zing dẫn lời Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn, cho hay bệnh viện Đà Nẵng được xác định là “ổ dịch siêu lây nhiễm.” Tại đây, tám nhân viên y tế đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đối với các y bác sĩ mắc COVID-19, việc điều trị tương tự các bệnh nhân khác. “Tuy nhiên, các cơ sở điều trị sẽ bố trí khu cách ly riêng để bảo đảm thời gian điều trị, hồi phục cho y bác sĩ sớm quay lại phục vụ công tác phòng chống dịch,” ông Sơn cho biết thêm.

Thành phố Bắc Giang cách ly khu phố có ca bệnh COVID-19. (Hình: Nguyễn Thắng/Tiền Phong)

Cùng ngày, ông Lê Trung Chinh, phó chủ tịch Đà Nẵng, có văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp “cách ly y tế” 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ, người nhà người bệnh của Trung Tâm Y Tế quận Hải Châu.

Trước đó, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống COVID-19 Đà Nẵng đã quyết định thực hiện biện pháp phong tỏa bệnh viện C, bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình và Phục Hồi Chức Năng và bệnh viện quận Cẩm Lệ để ngăn dịch lây lan.

Trong khi đó trước “diễn biến phức tạp” của dịch bệnh COVID-19, ông Lê Trí Thanh, chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cũng có công điện “Khẩn” yêu cầu các huyện, thị khẩn trương thành lập các Tổ Giám Sát và Tuyên Truyền Phòng, Chống COVID-19 tại cộng đồng ở mỗi khu dân cư và “tăng tốc truy vết người tiếp xúc gần F1, tuyệt đối không để cách ly tại nhà, nơi lưu trú đối với trường hợp F1.” (Tr.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT