Thursday, April 25, 2024

Thêm 45 người Đà Nẵng nhiễm COVID-19, nhiều tỉnh buộc ‘cách ly xã hội’

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sáng 31 Tháng Bảy (giờ địa phương), Bộ Y Tế CSVN ghi nhận thêm 45 ca nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng đều là bệnh nhân, người nhà chăm sóc, thăm bệnh nhân tại các bệnh viện Đà Nẵng.

Theo báo VNExpress, 45 bệnh nhân tuổi từ 27-87 tuổi, bao gồm 33 trường hợp tại bệnh viện Đà Nẵng, bốn trường hợp tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hai trường hợp tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, bốn trường hợp tại khách sạn thu dung cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của bệnh viện Đà Nẵng – quận Sơn Trà, hai trường hợp tại Trung Tâm Y Tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Các bệnh nhân này đều được ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng.

Báo VNExpress cho hay, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam hiện đã lên 509.

Trong đợt tái bùng phát COVID-19, đến nay ghi nhận tổng cộng 93 ca nhiễm cộng đồng. Trong đó, Đà Nẵng 79 ca, Quảng Ngãi một ca, Quảng Nam tám ca, Hà Nội hai ca, Đắk Lắk một ca, Sài Gòn hai ca. Các bệnh nhân này đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.

Trước đó, chiều tối 30 Tháng Bảy, Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng Chống Dịch COVID-19 của Việt Nam thông báo thêm năm ca COVID-19 mới, đều là người ở Quảng Nam, nâng số ca tại Việt Nam lên 464 ca.

Tất cả bệnh nhân từ 460 đế 464 đều liên quan đến các ổ dịch trong bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng. Như vậy, chỉ trong sáu ngày đã có 48 ca lây lan trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo báo Tuổi Trẻ, tỉnh Quảng Nam đã quyết định thực hiện “cách ly xã hội” kể từ 0 giờ ngày 31 Tháng Bảy đến ngày 14 Tháng Tám, theo Chỉ Thị 16 của thủ tướng CSVN để phòng, chống dịch bệnh tại thành phố Hội An.

Cụ thể, tỉnh này yêu cầu “thực hiện nghiêm việc ‘cách ly xã hội’ người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Khi ra ngoài phải bảo đảm giữ giãn cách xã hội giữa người với người tối thiểu 2 mét…

Ngoài việc tạm dừng trong 15 ngày các hoạt động quán bar, nhà hàng, cà phê, quán rượu bia… Các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu… được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang. Người lao động phải khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp…

Trong khi đó, từ 1 giờ trưa 30 Tháng Bảy (giờ địa phương), Đà Nẵng đã quyết định cho dừng việc kinh doanh cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng online qua internet, bán hàng mang về.

Theo báo VNExpress, biện pháp này được thành phố Đà Nẵng ban hành tối 29 Tháng Bảy. Đây là mức nâng cấp độ cách ly xã hội của Đà Nẵng, thay đổi chỉ trong 36 giờ. Trước đó, 0 giờ ngày 28 Tháng Bảy, chỉ sáu quận nội thành bị cách ly và 13 tiếng sau là cả thành phố.

Các hàng quán ăn uống ở Đà Nẵng phải tạm đóng cửa. (Hình: Nguyễn Đông/VNExpress)

Bên cạnh đó Đà Nẵng cũng yêu cầu các công trình xây dựng phải lưu ý việc sát khuẩn, đeo khẩu trang của công nhân, bảo đảm cự ly tối thiểu 2 mét giữa người với người trong toàn bộ quá trình thi công. Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc khai báo và kiểm tra y tế tại khu dân cư, khu nhà trọ, nhà ở công nhân.

Trước tình trạng ngày nào cũng có nhiều ca nhiễm mới, Bộ Y Tế CSVN quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch COVID-19 tới Đà Nẵng để giúp thành phố này “ứng phó tốt hơn với dịch.”

Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y Tế Dự Phòng; Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế; Cục Phòng, Chống HIV/AIDS; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur ở Sài Gòn. Họ sẽ phối hợp với ba tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị mà Bộ Y Tế cử đến Đà Nẵng từ hôm 25 Tháng Bảy. Toàn bộ lực lượng này sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương.

Một chốt kiểm soát y tế đặt tại đường qua hầm Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế. (Hình: Phước Tuần/Tuổi Trẻ)

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ra lệnh kể từ 0 giờ ngày 30 Tháng Bảy, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim; dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao đông người, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết cho đến khi có thông báo mới.

Tương tự, chiều 30 Tháng Bảy, ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thành phố Sài Gòn, đã ban hành quyết định “toàn bộ quán bar, vũ trường ở Sài Gòn tạm dừng hoạt động, các lễ hội, sự kiện tập trung hơn 30 người cũng không được tổ chức kể từ 0 giờ ngày 31 Tháng Bảy. Người dân được yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng.” (Tr.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT