Wednesday, April 24, 2024

Thêm bệnh nhân ở Hà Tĩnh nhiễm vi khuẩn ‘ăn thịt người’

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Nhập viện trong tình trạng sốt cao, ngón hai bàn chân phải sưng, chảy dịch có mùi hôi… một ông ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, sau đó được xác định bị mắc bệnh Whitmore, một loại vi khuẩn “ăn thịt người.”

Xác nhận với truyền thông Việt Nam, chiều ngày 12 Tháng Chín, 2019, Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đã phát hiện và điều trị cho bệnh nhân Đặng Xuân H. (61 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), bị mắc bệnh Whitmore (do vi khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei, hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người).

Theo đó, hôm 9 Tháng Chín, bệnh viện tiếp nhận ông Đặng Xuân H. “Có tiền sử bị bệnh Đái Tháo Đường Type II trong tình trạng sốt cao liên tục, ngón hai bàn chân phải có khối áp xe (abscesses) sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi.”

Bác Sĩ Võ Hoài Nam, phó trưởng Khoa Hồi Sức Tích Cực Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trong quá trình điều trị, thấy tình trạng của bệnh nhân “không có dấu hiệu thuyên giảm mà diễn biến ngày càng nặng hơn” với các triệu chứng như: sốt cao, rét run, huyết áp tụt,… nên bác sĩ đã chỉ định lấy máu xét nghiệm và cho ra kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore.

“Bệnh nhân H. có tiền sử bị bệnh Đái Tháo Đường Type II, bị biến chứng lở loét nhưng vẫn đi làm ruộng và tiếp xúc với bùn đất mà không có đồ bảo hộ nên đã bị vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết, chỉ khi bị sốt cao liên tục người nhà mới đưa bệnh nhân nhập viện,” Bác Sĩ Nam cho biết.

Sau đó, Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành làm thủ tục cho ông H. “được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.”

Trước đó, báo VietNamNet ngày 10 Tháng Chín, dẫn tin từ Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới Bệnh Viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết suốt 5-10 năm trước đây, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.

Thế nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận tới 20 trường hợp mắc bệnh này. Chỉ riêng Tháng Tám, 2019, có đến 12 bệnh nhân Whitmore nặng đến từ các tỉnh phía Bắc, trong đó đã có bốn ca đã chết do vi khuẩn “ăn” nhiều bộ phận trên cơ thể của bệnh nhân.

“Khi nhiễm vi khuẩn Whitmore, thông thường 40-60% bệnh nhân mắc bệnh sẽ chết. Căn bệnh này hiện chưa có vaccine phòng bệnh và khi đã khởi phát, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện. Song, tỉ lệ chết sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn,” ông Cường cho hay.

Ông Cường khuyến cáo, những năm gần đây, số ca nhiễm bệnh Whitmore ở Việt Nam được báo cáo không ngừng gia tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Một. Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền hầu hết qua vùng da bị thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT