Friday, April 19, 2024

Tiếp tục ‘xả trạm’ thu phí Cai Lậy vì bị chống đối bằng ‘tiền lẻ’

TIỀN GIANG (NV) – Giới tài xết vẫn trả tiền bằng tiền lẻ khi qua trạm thu phí Cai Lậy thuộc tỉnh Tiền Giang trên quốc lộ 1A gây kẹt xe nghiêm trọng, buộc nhà thầu phải “xả trạm” sang ngày thứ hai.

Các báo tại Việt Nam đều đưa tin, từ khoảng 16 giờ chiều 14 Tháng Tám 2017, các tài xế tiếp tục phản đối trạm thu phí trên quốc lộ 1A đặt tại Cai Lậy bằng cách trả phí bằng những tờ tiền mệnh giá thấp nhất là 200 đồng và 500 đồng cho số tiền phí phải nộp từ 35,000 đồng đến 180,000 đồng tùy loại xe hơi.

Một số người không những trả bằng tiền lẻ, họ còn nhét tiền được vo vún bỏ vào trong chai nhựa. Người thì đếm tiền lẻ rất chậm rãi, kéo dài thời gian thu tiền. Những tấm hình và video clips đăng tải trên báo chí tại Việt Nam cho thấy cảnh kẹt xe kéo dài và đoàn nhân viên thu phí được lệnh xếp hàng đi về vì áp lực quá căng thẳng.

Trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu hoạt động từ ngày 1 Tháng Tám 2017 đã bị chống đối ngay từ đầu vì hai lý do. Thứ nhất, địa điểm thu phí đặt trên Quốc lộ 1A, khúc này được sửa chữa với tiền ngân sách từ quỹ bảo trì đường lộ mà người dân đã phải nộp hàng năm qua thuế xăng dầu. Thứ hai, Bộ Giao thông Vận Tải đã cho nhà thầu xây dựng tuyến đường tránh ở khu vực, dài 12km để “giảm tải” và tránh “ùn tắc” khi qua đây. Như vậy, trạm thu phí phải đặt tại tuyến “đường tránh” này, nhưng đã không đặt mà lại đặt trên Quốc lộ 1A, lấy cớ bộ Giao Thông Vận Tải cũng phải đầu tư thêm 300 tỉ để sửa chữa, nâng cấp. Thứ hai, tiền “phí” quá cao. Chính nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang cũng nhận thấy như thế và đề nghị nên giảm xuống nhưng đã không được nghe theo.

Trước sự phản ứng của người dân có thể còn tiếp tục mãi nếu trạm thu phí Cai Lậy vẫn tồn tại, hôm Thứ Hai, Bộ Giao thông Vận Tải đã cử ông phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Mạnh Thắng tới họp với Sở Giao thông Vận tải địa phương. Báo chí thuật lời ông Thắng là sẽ đề đạt lên cấp trên các đề nghị chứ ông không có quyết định gì, kể cả đề nghị giảm phí của tỉnh Tiền Giang.

Trước đó, ngày 11 Tháng Tám 2017, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói trên báo Zing rằng “Trong hàng ngàn xe đi qua trạm Cai Lậy thì chỉ có 5, 6 người phản đối bằng cách nhét tiền lẻ vào ống nhựa. Bộ Bộ Giao thông Vận tải sẽ không di dời, giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy”.

Người ta biết nếu đặt trạm thu phí trên “đường tránh”, sẽ chẳng thu được tiền vì không mấy ai chạy qua đó cho tốn tiền.

Trong nhiều trường hợp, các dự án cầu đường xây dựng kiểu BOT (xây dựng-điều hành-chuyển giao) do một nhà đầu tư tư nhân đảm nhiệm xây dựng, thu hồi vốn và lời xong thì giao lại cho nhà nước, được mô tả là “siêu lợi nhuận.

Một tờ báo mạng của hệ thống tuyên truyền “dư luận viên mạng” của chế độ Hà Nội có tên là “Đại biểu nhân dân” trong bài viết “Ông Thứ trưởng Bộ GTVT: Sao không giải thích cho người dân về hơn 5000 tỷ BOT Cai Lậy bỏ túi?” bật mí lý do tại sao “phí” qua Cai Lậy lại cắt cổ dân như thế.

Theo bài viết vừa kể ngày 14/8/2017 thì “Theo thông tin hiện nay, giá vé tại trạm thu phi này thấp nhất là 35 nghìn đồng/lượt, cao nhất là 180 nghìn đồng/ lượt, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 nghìn lượt xe qua về trạm. Lấy giá vé bình quân là 70 nghìn/xe, thì mỗi ngày công ty này thu về 3.5 tỷ đồng.
Lấy 3.5 tỷ đồng nhân cho 6 năm 4 tháng (thời gian được phép thu phí) tức là 8.085 tỷ. Có dự án rồi vay ngân hàng (theo lời Thứ trưởng Nguyễn Nhật – Bộ Giao Thông Vận Tải) 1,398 tỷ xây dựng 12km đường tránh, bỏ ra thêm 400 tỷ nâng cấp Quốc lộ 1( trong khi đây là việc của Nhà nước) để rồi 6 năm 4 tháng tháng sau thu về số lợi hơn 5 nghìn tỷ. Một con số siêu lợi nhuận lý giải tại sao người ta ham làm BOT đến thế?”

“Người dân bức xúc khi miếng cơm manh áo của họ buộc phải chia sẻ cho cái phí “hút máu” này, cònngười dân cả nước bức xúc khi mỗi sản phẩm tới tay họ lại gánh thêm cái phí cầu đường siêu khủng này. Chung quy trong sự việc này thì trăm dâu lại đổ lên đầu người dân, còn họ cứ ngồi đó mà khẳng định với nhau “không thể hạ phí và không thể di dời trạm Cai Lậy”. Thôi phận làm dân đành phải chịu!”

Chuyện xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy trên quốc lộ 1A cũng từng xảy ra hồi Tháng Tư vừa qua tại trạm thu phí Bến Thủy tỉnh Hà Tĩnh. Người dân địa phương dù không sử dụng một mét đường nào của đoạn đường BOT nhưng vẫn phải nộp phí từ 40,000 đồng đến 55,000 đồng một lượt. Dân địa phương cũng dùng tiền lẻ để trả phí gây kẹt xe nghiêm trọng trên trục lộ giao thông bắc nam qua tỉnh Hà Tĩnh. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Mưu sinh về đêm của người nghèo Sài Gòn”

MỚI CẬP NHẬT