Thursday, March 28, 2024

Tống tiền doanh nghiệp Trung Quốc, phóng viên bị bắt giam

BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Mười Hai, Công An tỉnh Bắc Giang xác nhận cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Đào Thị Thanh Bình, 40 tuổi, phóng viên báo Thương Hiệu và Công Luận về hành vi “cưỡng đoạt tài sản.”

Trước đó, làng báo Việt Nam xôn xao trước tin bà Bình bị công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang nhận $70,000 từ đại diện Công Ty Luxshare–ICT Việt Nam.

Luxshare–ICT Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, chuyên sản xuất dây, cáp điện cho smartphone nằm tại Khu Công Nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Báo Thương Hiệu và Công Luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp Hội Chống Hàng Giả và Bảo Vệ Thương Hiệu Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận của những người và tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Bà Bình được ghi nhận thử việc tại tòa soạn này từ Tháng Tư, 2018.

Theo báo Zing, thông qua một người môi giới, bà Bình tống tiền Công Ty Luxshare–ICT Việt Nam vì biết công ty này chuyển đổi công năng một số công trình xây dựng, đe dọa sẽ viết bài phanh phui nếu không được trả $100,000 sau đó giảm xuống còn $70,000.

Tuy vậy, báo Thương Hiệu và Công Luận khẳng định trong vụ này, bà Bình “đề xuất ban biên tập cho phép thu thập thông tin viết bài về tình trạng khu nhà ở của công nhân Công Ty Luxshare–ICT Việt Nam.”

“Nữ phóng viên này thành khẩn thừa nhận hành vi. Gia đình cũng đưa luật sư đến trợ giúp pháp lý nhưng bà ấy từ chối vì nghĩ rằng sai phạm đã rõ ràng,” báo Zing dẫn lời ông Tô Ân Xô, giám đốc Công An tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, thông cáo do Báo Thương hiệu và Công luận phát đi nói họ “đang hợp tác với Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra làm rõ vụ một nữ phóng viên bị bắt vì có hành vi tống tiền doanh nghiệp $70,000” và “mọi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh.”

Hành vi nhà báo tống tiền doanh nghiệp thường xuyên xảy ra ở Việt Nam trong bối cảnh báo chính thống khó sống được do khách hàng quảng cáo sa sút. Khá nhiều tòa soạn mang danh nghĩa cơ quan ngôn luận của các hội, đoàn được lập nên chỉ để đăng bài quảng cáo, PR thương hiệu hoặc “làm chiến dịch truyền thông”, tức là đăng hoặc phát tán thông tin gây bất lợi cho đối thủ của doanh nghiệp trả tiền thuê họ.

Do vậy, vụ của bà Bình được giới nhà báo ở Việt Nam suy đoán là “có sự đồng thuận và ăn chia của ban biên tập.”

Trước vụ này, bà Phạm Lê Hoàng Uyển, nhà báo công tác tại tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập bị bắt tại Cần Thơ hồi Tháng Tám, 2017, vì có hành vi tống tiền hai doanh nghiệp bất động sản tại tỉnh Hậu Giang. Số tiền mà bà Uyển bị bắt quả tang nhận là 280 triệu đồng (hơn $12,000). Bà Uyển được cho là nằm trong đường dây phóng viên chuyên tổ chức các “chiến dịch truyền thông” và có “tay trong” nằm tại các tòa soạn. Một người liên quan vụ này là cựu phóng viên báo Người Lao Động, được cho là đang lẩn trốn tại Mỹ.

Trong một diễn biến khác, hồi Tháng Bảy, 2018, báo Bắc Giang cho hay, hơn 800 công nhân Công Ty Luxshare–ICT Việt Nam đình công để phản đối những bất hợp lý trong chế độ thưởng thâm niên, quy định nghỉ thai sản, chính sách cải thiện môi trường làm việc, ăn giữa ca.

Một đoạn video đăng trên Facebook “Công Ty Luxshare–ICT Việt Nam” cho biết: “Tính đến Tháng Mười, 2017, có gần 86,000 công nhân đang làm việc tại các xưởng và văn phòng trên nhiều khu vực bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Đức, Nhật và Việt Nam.”

Theo báo Giao Thông hôm 20 Tháng Mười Hai, doanh nghiệp này tự nhận họ “có hệ thống nhà xưởng, nhà ăn, trung tâm nghiên cứu, khu giải trí gồm sân bóng đá cỏ nhân tạo, đường chạy, sân bóng khang trang, sạch sẽ, hiện đại”.

“Tuy nhiên, khác với những gì giới thiệu, Công Ty Luxshare–ICT Việt Nam đã có những bê bối trong quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh,” tờ báo viết. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT