Saturday, April 20, 2024

Đại Sứ Ted Osius: ‘TPP giúp củng cố quan hệ Việt – Mỹ’

BERKELEY, CA (NV) – Nếu Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua sẽ giúp củng cố mối quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực, theo nhận định của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius.

“Thực hiện đầy đủ TPP sẽ cho phép Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và làm đông thêm tầng lớp trung lưu của mình. Điều đó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào bất cứ thị trường đơn lẻ nào. Điều đó sẽ củng cố các mối kết nối không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với các nước láng giềng của Việt Nam trong khu vực và với các đối tác mới ở bên kia đại dương.”

Đại Sứ Ted Osius nhận định như trên trong một bài phát biểu tại đại học Berkeley vào ngày 30 tháng 9, 2016 vừa qua. Ông Osius từ Hà Nội về Mỹ từ những ngày cuối tháng 9 tham dự chương trình Đại Sứ Quảng Bá về ASEAN do Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ – ASEAN tổ chức.

Ứng cử viên tổng thống của cả đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều tỏ ý chống đối Hiệp Định TPP tuy lúc đầu thì bà Hillary Clinton ủng hộ, sau đổi ý. Điều này làm người ta thấy tương lai một hiệp định nhiều tham vọng của Tổng Thống Đương Nhiệm Obama chưa biết sẽ ra sao khi nước Mỹ có tân tổng thống vào đầu năm tới.

Trước tình hình như vậy, ngày 15 tháng 9, 2016 vừa qua, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN quyết định không đem hiệp định này ra thảo luận để thông qua ở kỳ họp cuối năm nay vì “cần phải xem xét, căn cứ tình hình các nước phê chuẩn như thế nào, cũng như ảnh hưởng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đến TPP ra sao.

Trong khi Hà Nội trì hoãn thông qua TPP vì không muốn việc thông qua rồi lại bị chính phủ mới của Mỹ bỏ đi, ông Ted Osius cho rằng Việt Nam cần phải cải cách rất nhiều mói có thể “khai thác được đầy đủ lợi thế của tất cả các cơ hội mới.”

Mời độc giả xem video: Cựu đô đốc Blair: Mỹ chỉ cần 15 phút để “khống chế” tiền đồn Trung Quốc tại Biển Đông

Tuy Hà Nội đã “tiến hành một số bước để cải cách hệ thống các doanh nghiệp nhà nước” nhưng ông đại sứ nhận thấy “vẫn còn nhiều bất cập.”

Theo ông, “Việt Nam phải tạo không gian trong nền kinh tế của mình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh để nền kinh tế Việt Nam khai thác được đầy đủ tiềm năng của mình. Các cơ chế về hải quan phải được hiện đại hóa để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Các công ty nước ngoài phải tin rằng tài sản trí tuệ của họ sẽ được bảo vệ để họ có thể mang công nghệ của mình tới Việt Nam. Họ phải biết rằng các thông lệ lao động công bằng sẽ được thực thi ở mọi nơi, và rằng các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ phải cùng đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường như họ. Họ phải hiểu rằng pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng một cách công bằng, minh bạch và nhất quán.”

Các con số về mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ông Osius dẫn chứng cho thấy, “từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, xuất cảng của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 44%. Con số đó thật ấn tượng! Xuất cảng của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng tăng 12%, đưa thương mại song phương tăng lên 17%. Trong số 50 thị trường xuất cảng lớn nhất của Hoa Kỳ, chỉ có 3 thị trường có mức tăng trưởng hai chữ số. Và, trong 3 thị trường đó thì Việt Nam là thị trường lớn nhất.”

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu TPP được thực thi, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Đó là lý do kích thích nhiều nhà đầu tư ngoại quốc dồn tiền vào đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu của năm 2016, đầu tư ngoại quốc đổ vào Việt Nam gần $13 tỷ, tăng 47% so với cùng thời gian này của năm ngoái. (TN)

MỚI CẬP NHẬT