Wednesday, April 24, 2024

Trái phiếu của chính phủ Việt Nam trở thành ‘trái đắng’

HÀ NỘI (NV) – Lợi suất của trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành thấp chưa từng thấy. Ðiều đó giáng thêm một đòn chí tử vào tham vọng huy động vàng, Mỹ kim trong dân chúng để phát triển kinh tế.

Trái phiếu thường có kỳ hạn và lãi suất cố định, được xác định rạch ròi khi phát hành. Do trái phiếu là một thứ hàng hóa được mua đi, bán lại nên chúng có thêm lợi suất (bond yield).

Lợi suất của trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành vừa đạt mức… thấp chưa từng thấy. Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn gọi đây là “diễn biến lạ.” Theo đó, từ năm 2000 đến nay, chưa bao giờ lợi suất của trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành thấp như lúc này: Lợi suất của các loại trái phiếu ngắn hạn (hai năm, ba năm, năm năm) do chính phủ Việt Nam phát hành đều thấp hơn lãi suất gửi tiền cho ngân hàng với thời hạn chỉ ba tháng. Sự khác thường ấy được Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn nhận định là vì rủi ro biến động vĩ mô của Việt Nam là rất lớn và tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư.

Cần nhắc lại rằng, tổng giá trị thị trường vốn của Việt Nam tương đương 80% GDP. Trong đó, tổng giá trị lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tương đương 57% GDP, tổng giá trị lượng trái phiếu tương đương 23% GDP.

Các loại cổ phiếu của Việt Nam đang bị “nhuộm đỏ” (mất giá) trước khả năng hệ thống ngân hàng và nhiều tập đoàn cả nhà nước lẫn tư nhân sẽ gặp thảm họa tài chính. Tuy chính phủ Việt Nam liên tục trấn an giới đầu tư nhưng cuối tuần vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông của Việt Nam cùng mô tả rằng, giao dịch cổ phiếu vẫn trong trạng thái “lờ đờ.” Giờ thì tới lượt trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành trục trặc.

Vài năm gần đây, do mức độ ưu đãi dành cho Việt Nam khi vay từ các nguồn quốc tế đang giảm, việc phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế khó khăn hơn, chính phủ Việt Nam bắt đầu nhắm vào nguồn vốn trong nước. Phát hành trái phiếu trên thị trường Việt Nam trở thành phương thức giúp cầm cự với bội chi (chi nhiều hơn thu), thanh toán nợ nần khi chúng tới hạn phải trả cả vốn lẫn lãi, kể cả nợ quốc tế.

Tiền vay trong nước đã tăng từ 40% tổng nợ hồi năm 2011 thành 57.1% tổng nợ vào cuối năm 2015. Giá trị khối lượng trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần so với giá trị khối lượng trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2006-2010. Ðể có thể vay nhiều hơn từ trong nước, ngoài việc nâng lãi suất lên mức cao hơn lãi suất của hệ thống ngân hàng, chính phủ Việt Nam còn hạ kỳ hạn trái phiếu.

Hồi tháng hai năm nay, Bộ Tài Chính Việt Nam cho biết, trong năm 2016, Việt Nam đã thu được 281,750 tỉ đồng nhờ phát hành trái phiếu chính phủ ở thị trường trong nước, hỗ trợ đáng kể cho việc “cân đối ngân sách” và “bổ sung vốn để đầu tư cho các công trình trọng điểm.” Cuối Tháng Ba, bà Trần Thị Huệ, cục trưởng Cục Quản Lý Ngân Quỹ của Kho Bạc Nhà Nước (Tổng Ngân Khố) khoe là trong quí 1 đã thu được 56,497 tỉ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ. Bà Huệ cho biết, Bộ Tài Chính Việt Nam dự trù, trong năm nay sẽ phát hành tổng lượng trái phiếu trị giá 183,330 tỉ đồng.

Nếu lợi suất của trái phiếu do chính phủ Việt Nam phát hành giảm như đã kể thì nhà đầu tư nào dám chọn trái phiếu chính phủ? Nếu thị trường vốn (cả cổ phiếu lẫn trái phiếu chính phủ) ảm đạm, chao đảo như thế thì cá nhân nào dám đáp ứng cuộc vận động mang vàng, ngoại tệ đang cất kỹ trong két sắt đầu tư vào công cuộc “phát triển kinh tế nước nhà”? (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT