Friday, April 19, 2024

Trần Đĩnh, tác giả ‘Đèn Cù’ qua đời ở Sài Gòn, thọ 93 tuổi

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Trần Đĩnh, cựu nhà báo công tác tại báo Sự Thật và Nhân Dân, đã qua đời tại Sài Gòn hôm 12 Tháng Năm, hưởng thọ 93 tuổi.

Tin ông Trần Đĩnh qua đời được ông Hà Sĩ Phu, nhà bất đồng chính kiến, công bố trên trang cá nhân “Cố Nhân Lưu.”

Tác giả Trần Đĩnh năm 1998. (Hình: Trần Độ)

“Cái tin buồn dự đoán lâu nay đã xảy đến. Chỉ còn biết gửi lời chia buồn đau xót tới cháu Áng Mây, tới toàn gia đình tang quyến, và tới tất cả những ai đã yêu mến một Trần Đĩnh của ‘Đèn Cù,’” ông Phu viết.

Theo bản cáo phó được ông Phu chia sẻ trên mạng xã hội, lễ viếng ông Đĩnh được tổ chức tại nhà tang lễ quận 7, Sài Gòn, hôm 14 Tháng Năm.

Thi hài ông sau khi hỏa táng sẽ được an vị tại chùa Già Lam ở quận Gò Vấp.

Tin ông Trần Đĩnh qua đời không được các báo ở Việt Nam đăng tải.

Tên tuổi của tác giả Trần Đĩnh, tên thật là Trần Kim Đĩnh, gắn liền với cuốn hồi ký “Đèn Cù,” do Nhà Xuất Bản Người Việt Books ấn hành hồi năm 2014 tại Mỹ.

“Đèn Cù” là cuốn sách ghi lại những cảm nghĩ, các sự kiện lịch sử, của một một nhà báo từng là phó trưởng Ban Tuyên Truyền Văn Nghệ báo Nhân Dân, nhằm nói lên sự thật cuộc sống của con người trong chế độ Cộng Sản tại Việt Nam.

Tác phẩm “Đèn Cù” kể về những “tiết lộ về Hồ Chí Minh khi tới quan sát cuộc đấu tố đầu tiên ở Đồng Bầm, hóa trang che bộ râu để không ai nhận ra,” hay “Trường Chinh đeo kiếng đen tới dự, để rút kinh nghiệm mà rèn luyện các đội cải cách cho đúng tiêu chuẩn thù ghét,” hay “các bài của Hồ Chí Minh ký tắt CB trên báo Nhân Dân để cổ động cán bộ học tập kinh nghiệm của Trung Quốc,” đều được tác giả ghi lại khiến người đọc không thể ngừng được.

Sách còn cho thấy tác giả “Trần Đĩnh là nhân chứng đầu tiên cho biết đã nghe Hồ Chí Minh nói thông thạo tiếng Hẹ và đoán rằng nhân vật chóp bu này đã hoạt động cùng các đảng viên Cộng Sản ở Móng Cái từ trước.”

Trả lời đài BBC Tiếng Việt hồi Tháng Chín, 2014, ông Trần Đĩnh nói: “‘Đèn Cù’ là tiếng kêu đau của tôi.” Ông khẳng định những gì mình viết “là sự thật từ chính những gì tôi chứng kiến, hoặc được các nhân chứng lịch sử chia sẻ.”

Ông Đĩnh cũng nói rằng do nội dung của cuốn sách có nhiều thông tin được cho là “nhạy cảm,” sách của ông không thể công bố trong nước, và ông buộc phải gửi ra hải ngoại, sau lần chỉnh sửa, bổ sung cuối cùng vào đầu Tháng Năm, 2014. Ông quyết định hoàn tất cuốn sách để gửi ra hải ngoại công bố, vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông để gửi một thông điệp cho đảng.

“Đèn Cù” được xem là tác phẩm “giải ảo” về Hồ Chí Minh. (Hình: Người Việt)

Trong bài giới thiệu cuốn sách của ông Trần Đĩnh ra mắt hồi năm 2014 trên báo Người Việt, tác giả Ngô Nhân Dụng bình luận về: “‘Đèn Cù’ đưa chúng ta vào một xã hội điên đảo, ‘sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng.’ ‘Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh’… Những đoạn phim thú vị nhất rút ra từ cuộc sống của những con người bình thường, các nhà văn, nhà báo, các cán bộ, những người qua đường.”

“Sống hầu hết cuộc đời trong một xã hội mà đảng Cộng Sản và lãnh tụ chiếm ‘đặc quyền viết, đặc quyền nói;’ chỉ dùng các nhà văn làm đầy tớ, ‘Ôi đã làm đầy tớ thì có đời thuở nào còn dám sáng tạo?’ Bây giờ Trần Đĩnh đã viết. Lúc đầu, ông chỉ định viết để ‘tố cáo tội gây nội chiến Nam Bắc là sai lầm,’ trong khi viết thì đổi ra hướng ‘phê phán toàn diện.’ ‘Vâng, tôi xin đối mặt với công luận đây. Tôi ăn gian nói dối thì các ông cứ việc vạch ra.’ Đó là lời Trần Đĩnh, tác giả ‘Đèn Cù.’”

Ông Trần Đĩnh là cây bút chuyên được đặt hàng hoặc mời viết tiểu sử, tự truyện, hồi ký cho các nhân vật cao cấp trong đảng, trong đó có Hồ Chí Minh và Trường Chinh. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT