Tuesday, April 23, 2024

Trung Quốc: Tướng từng tham gia đánh Việt Nam làm tổng tư lệnh quân đội

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc lặng lẽ phong chức tổng tư lệnh quân đội cho Tướng Lý Tác Thành, người từng tham dự cuộc chiến xâm lược 6 tỉnh biên giới của Việt Nam năm 1979.

Theo hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Bảy, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc gọi Tướng Lý Tác Thành, 63 tuổi, là tổng tư lệnh quân đội, thay thế cho Tướng Phòng Phong Huy. Không thấy bản tin nói gì khác về vai trò của ông Phòng Phong Huy, 67 tuổi, sau khi rời chức vụ và cũng chuẩn bị về hưu vào năm tới. Hoặc ông Lý Tác Thành có còn là giữ cả chức vụ tư lệnh lục quân nữa hay không, cái chức ông ta được thăng hồi năm 2015.

Không thấy Trung Quốc loan báo chính thức về việc thăng chức cho ông tướng Lý Tác Thành, mà chỉ thấy ông ta được nêu chức vụ mới khi gặp tổng tư lệnh quân đội Pakistan là Qamar Javed Bajwa tại Dushanbe, thủ đô của nước Tajikistan.

Hành động đưa Tướng Lý Tác Thành lên làm tổng tư lệnh quân đội diễn ra trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và tăng tốc hiện đại hóa guồng máy quân sự. Đặc biệt chú trọng tăng cường sức mạnh hải quân qua việc đóng thêm hàng không mẫu hạm, phát triển chiến đầu cơ tàng hình trong tham vọng bá quyền bành trướng ở cả hai khu vực Hoa Đông và Biển Đông.

Từ năm ngoái, người ta đã thấy báo chí Trung Quốc đánh bóng tướng Lý Tác Thành khi mô tả ông ta là một “chiến sĩ anh hùng” trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam Tháng Hai năm 1979. Tấm hình đen trắng đi kèm theo bài viết cho thấy một Lý Tác Thành đứng chỉ tay vào tấm bản đồ khi đang ở tại một chiến hào. Ông ta tuy bị thương nhưng từ chối rút về hậu cứ mà tiếp tục chiến đấu.

Mối quan hệ “16 chữ vàng” Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng trở lại từ hơn hai tháng nay. Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đột ngột hủy bỏ cuộc “giao lưu biên giới” dự trù diễn ra ở Vân Nam và Lai Châu vào các ngày từ 20 đến 22 Tháng Sáu. Ông ta chỉ đến gặp Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch và Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Tin tức về sau tiết lộ Tướng Phạm Trường Long đòi phía Việt Nam hủy bỏ việc dò tìm và khai thác dầu khí tại hai lô 118 và 136-3 vì vướng đường tuyên bố chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc. Ít ngày sau đó, có tin tiếp theo là Việt Nam đã phải chấm dứt ngang việc dò tìm và đánh giá mỏ khí rất lớn tại lô 136-3 thuộc khu vực bãi Tư Chính phía Đông Nam Vũng Tàu vì bị Bắc Kinh dọa sẽ đánh chiếm khu vực Trường Sa nếu Việt Nam vẫn tiến hành.

Ba ngày trước khi Tướng Phạm Trường Long bỏ ngang “giao lưu biên giới,” tức ngày 18 Tháng Sáu, Thông Tấn Xã Việt Nam có bốn bản tin khác nhau tường thuật bốn cuộc tiếp xúc và “làm việc” của phái đoàn ông Phạm Trường Long với các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, và Ngô Xuân Lịch.

Dịp này, tờ báo của quân đội Trung Quốc cũng che giấu sự thật khi viết “Tướng Phạm Trường Long tái khẳng định lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề biển Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) và nhấn mạnh rằng các đảo tại Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa.”

Không thấy báo chí của Việt Nam tường thuật gì về những lời nói của phía Việt Nam đối đáp gì với ông Phạm Trường Long về lời tuyên bố đó, mà chỉ thấy Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lời ông Long nói với Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang là “Về vấn đề trên biển, Thượng Tướng Phạm Trường Long cho rằng, vấn đề này cần phải được xử lý thận trọng, giải quyết một cách hòa bình, không để ảnh hưởng tới tình hữu nghị giữa hai nước Trung Quốc-Việt Nam.”

Không những vậy, trong cuộc gặp mặt với Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông được thuật lời nhắc nhở: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế hết sức phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác, cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ quan hệ hai đảng, hai nước.”

Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật cuộc gặp giữa ông Phúc với ông Long như sau: “Đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thượng Tướng Phạm Trường Long và Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Quân Ủy Trung Ương hai nước thiết lập cơ chế hợp tác, triển khai toàn diện Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về Hợp Tác Quốc Phòng đến năm 2025.”

Nay Tập Cận Bình đưa Tướng Lý Tác Thành từng đối đầu với Việt Nam làm tổng tư lệnh quân đội vào lúc các dấu hiệu của xung đột lợi ích giữa hai nước vẫn còn nguyên, liệu các khẩu hiệu “16 chữ vàng” và “4 tốt” còn được tiếp tục hô hào hay xóa bỏ? (TN)

MỚI CẬP NHẬT