Friday, March 29, 2024

Trung Quốc tập trận quy mô tại đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Trung Quốc tập trận tấn công chiếm đảo một cách quy mô, phối hợp cả Hải Quân, Không Quân tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV 7 hôm Thứ Tư, 3 Tháng Ba, đưa bản tin kèm theo video clip về cuộc tập trận quy mô mới đây nhưng tránh không nói rõ ngày nào diễn ra. Trên đó, người ta thấy một nhóm chiến hạm từ tàu chở quân đổ bộ cỡ lớn đi cùng với các khu trục hạm hộ tống. Trên trời có cả máy bay ném bom và trực thăng. Lính Trung Quốc và chiến xa từ tàu đổ bộ chở vào đảo Tri Tôn.

Lính Trung Quốc tiến lên đảo Tri Tôn theo sau chiến xa. (Hình: Hải Quân Trung Quốc/Weibo)

Tuy bản tin vừa kể tường thuật trên tờ Hoàn Cầu thời báo không nói địa điểm, nhưng tờ South China Morning Post nói cuộc tập trận chiếm đảo diễn ra tại đảo Tri Tôn “mới đây.” Đảo Tri Tôn thường được Trung Quốc sử dụng làm nơi tập trận tác chiến trên Biển Đông.

Tuần trước, Cục Hải Sự Trung Quốc loan báo cuộc tập trận kéo dài trọn Tháng Ba ở khu vực bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, đối diện với miền Bắc Việt Nam, không thấy đề cập gì đến cuộc tập trận tại đảo Tri Tôn.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết rằng “Hải Quân Trung Quốc gần đây tập trận hỗn hợp một loạt các tình huống tác chiến khác nhau, phối hợp các lực lượng gồm cả đổ bộ tại vùng biển xa lục địa” nhằm “ tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền Trung Quốc và phát triển lợi ích.”

Tờ báo thuật lại bản tin của CCTV 7 nói cuộc tập trận quy tụ các thành phần của quân khu phía Nam “không chỉ riêng Hải Quân, mà còn cả Bộ Binh, Không Quân, lực lượng hỏa tiễn và lực lượng yểm trợ chiến lược, trong một động thái khảo sát chiến thuật trong phối hợp chiến đấu chặt chẽ tại vùng biển xa.”

Tàu vận chuyển quân đổ bộ Wuzhishan (Ngũ Chỉ Sơn) chở các tàu đổ bộ đệm khí, lính thủy đánh bộ, tàu đổ bộ tấn công Changbaishan (Trường Bạch Sơn) chở các chiến xa. Các máy bay ném bom H-6K và khu trục SU-30 bay yểm trợ trên trời cho lực lượng tấn công trên biển và mặt đất.

Nguồn tin trên nói cuộc tập trận sẽ còn kéo dài nhiều ngày nhằm thực hành nhiều mục tiêu huấn luyện khác nhau từ tiếp vận, tác chiến tấn công, phòng không, phối hợp các lực lượng “ở các khu vực xa lạ.”

Cùng với bản tin truyền hình về cuộc tập trận tấn công chiếm đảo ở Tri Tôn, Hoàng Sa, báo quân đội Trung Quốc hôm 3 Tháng Ba đăng tải bài bình luận của ông Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), viện trưởng Viện Nghiên Cứu Biển Đông, nhận định rằng tình hình Biển Đông năm nay tùy thuộc vào mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh cố gắng lôi kéo các nước khu vực đang có tranh chấp (Việt Nam, Philippines, Malaysia) quản lý bất đồng, cổ động hợp tác thực tiễn, tham khảo đàm pháp Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC).

Nhân vật vừa kể lập luận như những nhà ngoại giao Trung Quốc thời gian gần đây vẫn khua gõ như: “Nếu chính phủ mới của Mỹ (Tổng Thống Joe Biden) không điều chỉnh lại chính sách sai lầm về Biển Đông dưới thời Tổng Thống Trump, thì triển vọng an ninh ở khu vực một lần nữa sẽ lại bị che mờ từ những viễn ảnh u ám.”

Chiến xa Trung Quốc trên tàu đệm khí chở tới tập trận tấn công ở đảo Tri Tôn. (Hình: Hải Quân Trung Quốc/Weibo)

Khi bắt đầu cuộc tập trận quy mô kéo dài cả tháng, hôm Thứ Hai, 1 Tháng Ba, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ra một bản tuyên bố cáo buộc sự hiện diện của Hải Quân các nước khác ngoài khu vực trên Biển Đông nhân danh “tự do hải hành” là “gây căng thẳng, can thiệp vào nội tình khu vực và gây tổn hại lợi ích chung của các nước khu vực.”

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đưa ra bản tuyên bố như vừa kể sau khi thấy, không kể sự hiện diện thường xuyên của lực lượng Hoa Kỳ, thời gian gần đây, lực lượng của một số cường quốc quân sự khác gồm Anh, Pháp, Canada hoặc đã tới, hoặc sắp mang chiến hạm tới khu vực, nhằm cảnh cáo tham vọng muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Người ta nhìn thấy một trong những mục đích của cuộc tập trận tấn công chiếm đảo diễn ra tại đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cướp của VNCH vào Tháng Giêng, 1974, nhằm đe dọa trực tiếp Việt Nam và các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT