Tuesday, April 23, 2024

Tượng đài đang xây ở Bến Tre sắp đổ sụp xuống sông

BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Mặc dù được người dân cảnh báo nơi đặt tượng đài trên sông Giồng Trôm bị sạt lở, nhưng Sở Văn Hóa-Thể Thao & Du Lịch tỉnh vẫn cố tình xây, để khi sắp hoàn thành thì sắp sụp.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, dự án tượng đài “Ðại Ðội Săn Tàu” ở ngã ba sông thuộc xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đang trong giai đoạn nghiệm thu, sắp xong thì có nguy cơ đổ sụp xuống sông.

Tin cho biết, do tượng đài bị xuống cấp, tỉnh giao cho Sở Văn Hóa-Thể Thao & Du Lịch xây dựng lại mới, với tổng kinh phí là 1.7 tỷ đồng. Sau khi khảo sát lập dự án, Tháng Mười, 2016, công trình được khởi công xây mới. Ðến Tháng Sáu, 2017, trong quá trình nghiệm thu công trình thì khu đất 1,400 mét vuông nơi đặt tượng đài sạt lở.

Theo tường thuật của báo Pháp Luật TP.HCM, nền đất ven sông Giồng Trôm và sông Hương Ðiểm tiếp giáp công trình bị sạt lở, ăn sâu vào khoảng 3 mét. Một phần tường bó của nền công trình phía ven sông Hàm Luông đã bị sạt lở gần như hoàn toàn, có chiều dài khoảng 25 mét, ăn sâu vào khoảng 1 mét.

Hiện công trình tiếp tục sạt lở, có nguy cơ sẽ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Chủ thầu xây dựng đã dùng cừ tràm và gỗ dừa đóng xuống sông bao chắn nhưng sạt lở vẫn cứ tiếp diễn.

“Ðiều đáng nói là, khi chính quyền chọn địa điểm trên xây khu tượng đài mới, người dân đã báo động tình hình sạt lở rất nghiêm trọng nhưng họ phớt lờ,” ông Nguyễn Văn Nghĩa (62 tuổi), nhà ở sát khu tượng đài, cho biết.

Nhiều người dân địa phương cho hay, khu vực “mõ doi” này từng bị sạt lở, vài năm trở lại đây càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân do lưu lượng ghe tàu ở khu vực ngày càng nhiều, cộng với sự thay đổi dòng chảy, mỗi năm sạt lở lấn sâu vào khoảng 10 mét.

Nói về công trình đang có nguy cơ đổ sụp, ông Trần Duy Phương, phó giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao & Du Lịch tỉnh Bến Tre, khẳng định trước khi thực hiện công trình, sở có mời đơn vị khảo sát địa chất, thủy lợi nhưng thời điểm đó dòng chảy chưa xoáy sâu vào khu vực này.

“Sắp tới, sở sẽ mời chuyên gia thủy lợi đến khảo sát và tìm giải pháp cấp bách để ngăn dòng chảy bằng biện pháp sẽ dùng nhiều đá cho vào lưới thả xuống sông tiếp giáp mặt công trình, ngăn dòng chảy xâm thực. Ðồng thời đề xuất xin kinh phí của tỉnh cho kè lại công trình,” ông cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng không dám chắc công trình có đứng vững hay không. (Tr.N)

Nổ bom ở Khánh Hòa, 6 người chết tại chỗ

MỚI CẬP NHẬT