Wednesday, April 24, 2024

Việt Nam: 800,000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh ‘hiện không biết ở đâu’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Gần 200,000 doanh nghiệp, 600,000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ ở đâu nữa?”, Tin của đài VOV tường thuật cuộc họp ở Quốc Hội.

Thứ Sáu, 1 Tháng Mười Một, 2019, Quốc Hội họp thảo luận về “Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp” cho các doanh nghiệp “không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.”

Trong cuộc họp, VOV kể lại rằng ông đại biểu Ngô Trung Thành của tỉnh Ðắk Lắk “rất băn khoăn đối với nhóm đối tượng là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.”

Ông Thành dẫn luật lệ của nhà nước đòi hỏi các doanh nghiệp bất kể lớn nhỏ khi “không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế đều phải khai báo.” Tuy nhiên qua báo cáo các cơ quan thuế vụ và kinh tế của chế độ thì “gần 200,000 doanh nghiệp, gần 600,000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh” hiện không biết ở đâu, còn sống hay đã chết.

Ông ta kêu rằng “khó thuyết phục” khi “cơ quan quản lý nhà nước không làm gì để có thể biết được các doanh nghiệp đó hiện đang hoạt động ở đâu?” và “Nếu quả thật như vậy thì đây là một lỗ hổng quá lớn trong quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý dân cư.”

Ngày 29 Tháng Chín, 2019 vừa qua, Tổng Cục Thống Kê CSVN công bố con số doanh nghiệp “ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể” trong quý III năm nay là 28,2000 doanh nghiệp. Như vậy, “tổng cộng đã có 61,500 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay.”

Trước đó khi công bố các con số doanh nghiệp dẹp tiệm vào quý I của năm 2019, Tổng Cục Thống Kê của chế độ Hà Nội nói “tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong quý I/2019 lên tới 34,208 doanh nghiệp, bằng 120% số doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời kỳ” năm ngoái.

Ngày 28 Tháng Mười Hai, 2018, tờ Kinh Tế Đô Thị dẫn công bố của Tổng Cục Thống Kê nói “số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động cả nam 2018 tăng gần 50% so với năm ngoái (2017), ở mức 90,651 doanh nghiệp. Trong số đó, bao gồm 27,126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 63,525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.”

Các con số doanh nghiệp “chết lâm sàng” do Tổng Cục Thống Kê CSVN đưa ra chỉ khoảng một phần ba con số do ông “đại biểu nhân dân” Ngô Trung Thành nêu ra để kêu ca cung cách quản lý, điều hành kinh tế kiểu “cha chung không ai khóc” của chế độ.

Một tháng trước, ngày 3 Tháng Mười, 2019, tờ Tiền Phong nói “Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cho biết họ chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có giấy phép. Tình trạng “mua giấy phép” chứ không cần xin giấy phép vẫn tồn tại trong suy nghĩ của giới kinh doanh.”

Nguồn tin dẫn ý kiến của chuyên gia tham dự cuộc hội thảo với đề tài “Các trợ lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn phối hợp cùng Công Ty Kizuna tổ chức ngày 3 Tháng Mười tại Sài Gòn.

Điều này cho thấy giới kinh doanh bất kể lớn hay nhỏ tại Việt Nam vẫn phải chung chi cho cán bộ từ xưa đến nay không hề thay đổi. (TN)

MỚI CẬP NHẬT