Thursday, April 25, 2024

Việt Nam đánh thuế nhà: Thuế chồng thuế, ‘vắt kiệt sức dân’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo chí tại Việt Nam tiếp tục phản ứng mạnh mẽ chống lại dự thảo đánh thuế nhà ở là “vắt kiệt sức dân” và “thuế chồng thuế,” thậm chí có người còn kêu là vi hiến.

Hôm Thứ Sáu tuần trước có tin Bộ Tài Chính của chế độ đề nghị sẽ đánh thuế nhà ở, bất kể là nhà biệt lập, nhà cao tầng, căn hộ chung cư hay thậm chí những cằn nhà cũ kỹ tồi tàn nhưng giá trị từ 700 triệu đồng (tương đương $30,000) sẽ phải đóng thuế 0.4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng).

Một thí dụ. Căn nhà có giá trị 1.7 tỷ đồng, chủ nhà sẽ phải nộp 4 triệu đồng (khoảng $176) một năm thuế tài sản cho phần một tỷ đồng vượt ngưỡng chịu thuế.

Ngay sau khi cái tin cuộc họp báo của Bộ Tài Chính về đánh thuế nhà ở được các báo trong nước khai thác, rất nhiều lời bình luận của độc giả hầu hết đều phẫn nộ đối với cái “búa tạ” đang chờ giáng xuống đầu họ. Từ giời bình dân đến các nhà trí thức trong nước đều nhìn thấy ngay nhà cầm quyền tìm đủ cách moi túi dân để bù đắp cho lỗ hổng ngân sách ngày càng thâm thủng nghiêm trọng hơn.

Năm ngoái, người dân đã vô cùng tức giận khi nhà cầm quyền muốn nâng thuế “môi trường” đánh trên xăng dầu lên “kịch trần” tức tới mức 12% bên cạnh việc đánh thuế thêm trên cả nước ngọt, cà phê v.v… dù những thứ này cũng đã cõng hàng chục thứ thuế, phí khác nhau nằm ẩn dưới nhiều hình thức.

Thuế chồng thuế

Theo một bài phân tích trên tờ Tuổi Trẻ hôm 15 Tháng Tư, “khi người dân mua đất xây dựng nhà, họ phải chịu nhiều khoản thuế, phí. Trước hết là thuế sử dụng đất ở theo Thông Tư 153/2011/TT-BTC ngày 11 Tháng Mười Một, 2011 của Bộ Tài Chính. Mức thuế này được tính trên diện tích đất ở, nhân với giá mỗi mét vuông và mức thuế suất.”

“Kế đến là thuế thu nhập cá nhân (do người bán đóng nhưng được tính vào giá chuyển nhượng) đối với trường hợp phải đóng thuế. Khi xây dựng nhà ở, người dân phải chịu thêm khoản thuế VAT cho các loại vật liệu xây dựng, thuế VAT trên hợp đồng thi công (không bao gồm vật tư, thiết bị). Ngoài ra, người dân còn phải nộp các khoản lệ phí như: lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đo vẽ, phí cấp mới giấy chứng nhận…

“Đối với các căn hộ chung cư, hàng năm người dân cũng bị thu thuế đất ở được phân bổ trên diện tích sàn sử dụng thực tế (điều 5 Thông Tư 153). Ngoài thuế sử dụng đất, người dân mua nhà chung cư còn phải chịu thuế VAT và cả thuế thu nhập của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (được tính vào giá bán).

“Như vậy, rõ ràng để có một căn nhà, người dân đã ‘cõng’ nhiều loại thuế, phí, nay Bộ Tài Chính lại ‘vẽ’ ra thêm thuế tài sản.”

Tờ Người Lao Động hôm 15 Tháng Tư cũng thuật lời giám đốc một công ty tư vấn thuế phân tích rõ cái gốc của việc cho ra đời các sắc thuế mới là bởi Việt Nam đã cắt giảm thuế quan quá mức trong quá trình hội nhập. Do đó, buộc phải tìm cách tăng thu nội địa từ phía người dân thông qua thuế, kéo theo tình trạng “thuế chồng thuế.”

Theo tờ Tuổi Trẻ, chỉ trừ những căn nhà “ổ chuột” là không phải chịu thuế, tất cả những căn nhà trên các thành phố lớn tại Việt Nam đều phải chịu thuế nhà. Trong đó, phần lớn các chủ những căn nhà nhỏ kiếm miếng cơm hàng ngày khó khăn lại còn phải cõng cả cái thứ “thuế chồng thuế” này nữa, đời họ sẽ thêm phần điêu đứng.

Báo điện tử VNExpress thuật lời Luật Sư Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội) cho rằng Bộ Tài Chính thiếu cơ sở pháp lý khi đề xuất việc đóng thuế như trên, mặt khác khi không đủ cơ sở pháp lý thì cũng phải có cơ sở thực tiễn. “Nhưng cơ sở thực tiễn mà Bộ Tài Chính chỉ căn cứ vào việc đem về nguồn thu cho nhà nước mà quên quyền lợi của người dân,” luật sư nói.

Theo ông Xuân Anh, đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân có nhà. “Đây là quy định đi ngược lại tinh thần Hiến Pháp, bởi mọi người dân đều có quyền có nơi ở,” ông Anh nói trên VNExpress.

Tờ Người Lao Động nhắc nhở cho thấy nợ công ngày càng phình to ra vì “đầu tư công không hiệu quả, lãng phí, thất thoát, bộ máy hành chính công nặng nề” và “những công trình, dự án lớn “trùm mền, đắp chiếu,” đội vốn cùng các “đại án” tham nhũng bị phanh phui thời gian qua,” trong khi “thống kê mỗi con gà, hạt thóc “cõng” tới hàng chục loại thuế, phí.

Rồi tờ Người Lao Động đặt dấu hỏi: “Thuế, phí càng nặng gánh, càng khiến người ta đi chậm hơn. Sao cứ muốn vắt chứ không phải khoan sức dân để tính kế sách vững bền dưỡng nguồn thu?” (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Còn cần lắm những tấm lòng vàng ở trại phong Di Linh”

MỚI CẬP NHẬT