Thursday, April 25, 2024

Họp ASEAN: Việt Nam ‘lẻ loi’ trong việc lên án Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông

BANGKOK, Thái Lan (NV) – Việt Nam muốn nêu vấn đề bị Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế trong bản tuyên bố chung họp ASEAN nhưng đã bị gạt đi, theo bản tin tường thuật của thông tấn AP.

Trong một chỉ dấu cho thấy Việt Nam lẻ loi trong chuyện đối phó với chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, theo tin AP, đại diện Việt Nam trong cuộc họp cấp cao ASEAN tại Bangkok, Thái Lan, muốn nêu trong bản tuyên bố chung những hoạt động Bắc Kinh xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, nhưng không được chấp thuận.

Tuy bản dự thảo tuyên bố chung có có đề cập “những sự việc nghiêm trọng” nhưng ở bản chuẩn bị sau cùng thì lại không thấy, nhiều phần phản ảnh áp lực hay ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với một số thành viên ASEAN.

Lâu nay, người ta biết Cambodia là tay chân thân tín hàng đầu của Bắc Kinh, luôn luôn tìm mọi cách gạt bỏ bất cứ cái gì bất lợi cho Trung Quốc.

Dù sao, trong một cử chỉ có vẻ như thỏa hiệp, bản tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN nói họ “ghi nhận một số quan ngại về các hành động bồi đắp đảo nhân tạo và nhiều hoạt động (khác) ở khu vực mà chúng đã làm sói mòn độ tin cậy và niềm tin (trust and confidence), gia tăng căng thẳng và có thể suy giảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.”

Sau nhiều năm tìm cách cản trở các cuộc họp bàn thảo một bộ Quy Tắc ứng Xử (COC – Code of Conducts) để tránh xung đột võ trang trên Biển Đông, nay Bắc Kinh mới giở giọng nói rằng “Trung Quốc hoan nghênh những tiến bộ trong các cuộc đàm phán cho bộ COC” hiện đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Sau khi đã hoàn tất xây dựng, biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa thành 7 căn cứ quân sự khổng lồ trên Biển Đông với tham vọng khống chế toàn bộ khu vực, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới tuyên bố tại Bangkok là sự tiến bộ trong đàm phán COC là “dấu mốc rất quan trọng” cho ổn định khu vực.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại chống một bộ COC có tính ràng buộc pháp lý, như phía Hà Nội đòi hỏi, hầu dễ lấy thế nước lớn, quân sự hùng mạnh thao túng, chèn ép các nước nhỏ phía Nam. Bởi vậy, dù ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một bản dự thảo khung về các điều khoản thương thuyết, nhưng bao giờ sẽ có một bộ COC hoàn chỉnh được các bên chấp nhận vẫn là dấu hỏi.

Theo hai nhà ngoại giao Á Châu không nêu tên nói với hãng tin AP, trong một cuộc họp căng thẳng ở Việt Nam gần đây giữa ASEAN và Trung Quốc, các nhà ngoại giao của Việt Nam đặt câu hỏi rằng liệu các cuộc thương thuyết có thể tiến bộ không, khi mà một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc có cả tàu hải cảnh và tàu hải quân hộ tống xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các đại diện Trung Quốc trả lời rằng các thành viên ASEAN không nên cho phép một thành viên “cưỡng đoạt tiến trình đàm phán COC,” theo lời kể lại của nhà ngoại giao.

Hồi Tháng Giêng, 2019, bản tuyên bố chung cuộc họp ASEAN cấp ngoại trưởng cũng chỉ mơ hồ đề cập đến hành động Trung Quốc trên Biển Đông. Cuộc họp năm ngoái cũng chỉ thấy “quan ngại” chứ không có gì mạnh mẽ. (TN)

MỚI CẬP NHẬT