Thursday, March 28, 2024

Việt Nam mua thêm võ khí Mỹ

WASHINGTON, DC (NV) – Việt Nam mua máy bay huấn luyện phi công chiến đấu, máy bay không người lái và tàu tuần tra biển thứ nhì từ Hoa Kỳ, tư lệnh quân đội Mỹ khu vực Thái Bình Dương tiết lộ.

Trong trong bản điều trần tại Ủy Ban Quân Vụ Thượng viện hồi tuần trước, được Thượng Viện Mỹ phổ biến trên mạng (https://www.armed-services.senate.gov/imo/media/doc/Davidson_02-12-19.pdf) Đô Ðốc Philip S. Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Ðộ-Thái Bình Dương, nêu ra một số điểm nổi bật trong mối quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng phát triển giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội.

Nổi bật trong đó là Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ Scan Eagle UAV, phi cơ huấn luyện phi công tác chiến T-6 Texan II, và một chiếc tàu tuần tra biển thứ nhì, lớp Hamilton, theo bản điều trần liệt kê.

“Việt Nam nổi lên như một đối tác chính yếu để cổ võ một trận tự dựa trên luật lệ quốc tế ở khu vực Á Châu Thái bình Dương. Chương trình đối tác quốc phòng của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương với quân đội Việt Nam là một trong những mặt mạnh nhất trong những mối quan hệ song phương ngày càng tiến triển.” Ông Davidson cho biết trong bản điều trần.

Máy bay huấn luyện phi công chiến đấu T-6 Texan II của Không quân Mỹ. (Hình: USAF)

Ông chứng minh bằng sự thăm viếng cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson hồi Tháng Ba, 2018, một sự kiện chưa từng có từ khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975 tại Việt Nam.

“Việt Nam chia sẻ nhiều nguyên tắc trong số những nguyên tắc về các vấn đề như luật lệ quốc tế về quyền tự do hải hành, mà Việt Nam là một trong những nước nói to nhất trong các chuyện tranh cãi chủ quyền trên Biển Đông,” theo ông Davidson “mối quan hệ giữa quân đội Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ưu tiên cho cải thiện khả năng giúp Việt Nam phòng vệ biển.”

Trong bản điều trần, ông Davidson không cho biết số lượng T-6 Texan II Trainer và Scan Eagle nói trên mà Việt Nam mua của Mỹ. Riêng chiếc tàu tuần tra biển thì Hoa Kỳ còn hai chiếc lớp Hamilton cuối cùng đang chuẩn bị cho nghỉ hưu rồi chuyển lại cho các đối tác thân hữu. Báo chí tại Việt Nam cũng từng bàn tán chuyện có thể tiếp nhận một trong hai chiếc WHEC 717 Mellon và WHEC 726 Midgett, trong đó chiếc Midgett dự trù nghỉ hưu trong năm 2019. Rất có thể sẽ được chuyển giao cho Việt Nam.

Tàu CSB 8020 là tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam, trọng tải 3,250 tấn, nguyên là tàu tuần tra USCGC Morgenthau (WHEC 722) được lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam trong năm 2017 trong một buổi lễ tại Hawaii. Một phần lớn võ khí trang bị của tàu đã được tháo gỡ trước khi bàn giao.

Năm ngoái, người ta đã thấy một viên chức ngoại giao cấp cao Hoa Thịnh Đốn từng tiết lộ cho biết Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ Scan Eagle UAV nhưng cũng không cho biết số lượng. Việc Việt Nam mua máy bay huấn luyện phi công chiến đấu T-6 Texan II cũng từng được đề cập trước đây và bây giờ ông Davidson xác nhận với Thượng Viện.

Tuy là máy bay cánh quạt turbo-prop (512km/giờ) bay chậm hơn rất nhiều so với máy bay phản lực siêu thanh để sinh viên sĩ quan phi công làm quen, nhưng vẫn được trang bị các hệ thống điện tử tối tân tương tự như các máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ. Điều này dấy lên nghi vấn có thể Hà Nội chuẩn bị mua lại một số chiến đấu cơ F-16 hiện được cho nghỉ hưu và phơi sương phơi nắng ở sa mạc tiểu bang Arizona. Nếu không, Hà Nội mua máy bay huấn luyện phi công sử dụng kỹ thuật của Mỹ làm gì trong khi họ có hàng trăm phi cơ chiến đấu mua của Nga, suốt bao năm qua, mà phi công của họ vốn quen thuộc.

Hà Nội luôn luôn giấu kín các vụ mua sắm trang bị quân sự, nhất là lại mua từ Mỹ vốn rất nhạy cảm trong mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh dù cả hai đều là cộng sản, mỗi khi lãnh tụ gặp nhau đều lôi “16 chữ vàng” và “4 tốt” ra xưng tụng. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT