Friday, March 29, 2024

Việt Nam nhập cảng khí hóa lỏng của Mỹ

LOUISIANA (NV) – Việt Nam nhập cảng khí hóa lỏng của Mỹ để chạy nhà máy điện đặt tại tỉnh Bạc Liêu, một trong những giải pháp giảm thâm thủng mậu dịch cho nước Mỹ hầu tránh bị trừng phạt kinh tế.

Theo hãng tin Reuters, công ty của Úc Liquified Natural Gas Ltd. cho hay hôm Thứ Hai là họ đã ký một hợp đồng để cung cấp khí hóa lỏng (LNG) từ dự án sản xuất Magnolia của họ trong tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, cho Việt Nam.

Dự án bán hàng cho Việt Nam vừa kể bao gồm một hạ tầng nhập cảng LNG, một nhà máy phát điện đặt tại tỉnh Bạc Liêu mà một công ty có trụ sở ở thành phố Houston sẽ cung cấp LNG cho công ty đặt trụ sở tại Việt Nam có tên là Delta Offshore Energy sẽ mua để phát điện rồi bán điện.

Theo tin trên, khoảng 2 triệu tấn LNG sẽ cung cấp cho phía Việt Nam, chiếm 25% khả năng cung cấp từ dự án Magnolia. Việc bán được hàng cho Việt Nam giúp dự án Magnolia thoát khó khăn do Mỹ thương chiến với Trung Quốc (vốn là khách hàng căn bản) ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của dự án Magnolia.

Theo thống kê của Hà Nội, Việt Nam nhập nhiều khí đốt hóa lỏng từ thị trường Trung Quốc, chiếm 36.1% tổng lượng nhóm hàng này với 315 nghìn tấn, trị giá $184.3 triệu. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn nhập cảng khí hóa lỏng từ các nước khác như UAE, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Theo Reuters, sau cuộc gặp bên lề Thượng Ðỉnh G 20 ở Nhật Bản giữa ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Donald Trump, Việt Nam đồng ý sẽ nhập thêm khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ. Sau đó, thông báo của nhà cầm quyền Hà Nội hôm 28 Tháng Sáu, 2019, cho biết Bộ Công Thương và Bộ Thương Mại Mỹ sẽ sớm ký một bản ghi nhớ về nhập khí hoá lỏng. Lúc đó, thông báo không cho biết là Việt Nam sẽ nhập cảng bao nhiêu mà chỉ nói đây là hợp tác năng lượng chiến lược dài hạn.

Việc Việt Nam mua LNG từ Mỹ chỉ 10 ngày sau khi thống đốc tiểu bang Nebraska là John Pete Ricketts đến Hà Nội chào bán thêm thịt bò. TTXVN cho hay ông Ricketts nói tiểu bang Nebraska có năng lực xuất khẩu thịt bò lớn nhất của Mỹ; kim ngạch xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam đã tăng ba lần so với trước đây.

Các vụ nhập cảng thêm sản phẩm của Mỹ nhiều phần là hệ quả từ những lời đe dọa trừng phạt kinh tế của Tổng Thống Donald Trump nói với hãng truyền hình Fox hôm 26 Tháng Sáu, 2019, rằng Việt Nam là nước lạm dụng Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc.

Hai ngày sau, tức 28 Tháng Sáu, 2019, Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng cả quyết Việt Nam muốn cải thiện cán cân thương mại với Hoa Thịnh Đốn, cam kết chống gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa Việt Nam xuất sang thị trường khác.

Sau đó, thấy có tin Việt Nam nghiên cứu việc nhập khẩu than đá từ Hoa Kỳ để đáp ứng nhu cầu về than cho sản xuất điện, trong bối cảnh Hà Nội có kế hoạch xây thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than. Thông tấn Reuters ngày 6 Tháng Tám, 2019, dẫn tin từ báo Đầu Tư cho biết Tập Ðoàn Công Nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam-Vinacomin (TKV) và Tập Ðoàn Xcoal Energy & Resources, có trụ sở ở bang Pennsylvania, Mỹ đã gặp nhau hồi tuần lễ trước đó tại Hà Nội để thương thảo về khả năng bán than đá cho Việt Nam.

Theo dự báo của Bộ Công Thương Việt Nam thì đến năm 2030 điện than sẽ chiếm khoảng gần 43% công suất nguồn điện ở Việt Nam, so với mức hơn 38% ở thời điểm hiện tại.

Mỹ hiện là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 là khoảng $60 tỷ. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ trong năm 2018 khoảng 35 tỷ đô la, năm nay đã xuất siêu khoảng 40 tỉ đô la khi chưa đến quý thứ tư của năm 2019. (TN)

MỚI CẬP NHẬT