Thursday, April 25, 2024

Vietjet gây hoang mang vì 3 vấn đề ‘nghiêm trọng’ trong 2 ngày

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tính đến 26 Tháng Mười Hai, Hãng Hàng Không Vietjet Air đã gặp phải vấn đề thứ ba liên tiếp trong vòng hai ngày. Lần này là chuyến bay VJ513 chuẩn bị cất cánh từ Hà Nội đi Đà Nẵng thì đột ngột phải dừng lại do có “cảnh báo kỹ thuật.”

Sau khi kiểm tra, phi cơ đủ điều kiện bay trở lại, hành khách trên chuyến bay VJ513 tiếp tục hành trình lúc 9 giờ sáng cùng ngày, theo Zing.

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao trước tin một chuyến bay của Vietjet Air theo chặng Cam Ranh-Sài Gòn vào trưa 25 Tháng Mười Hai, phải quay đầu lại nơi xuất phát và hạ cánh nhầm vào đường băng chưa sẵn sàng hoạt động. Sự kiện này sau đó được loan báo là “báo động giả”.

Đáng nói là 12 tiếng trước sự kiện này, đêm 24 Tháng Mười Hai, hành khách trên chuyến bay của Vietjet từ Incheon, Nam Hàn về Sài Gòn được ghi nhận “có một phen kinh hoàng” khi phi cơ buộc phải đáp khẩn cấp xuống sân bay Đào Viên, Đài Loan.

Một trong những sự kiện ly kỳ nhất của Vietjet xảy ra vào khoảng nửa đêm 29 Tháng Mười Một, hai chiếc lốp phi cơ của hãng này bị rơi ra ở phi trường Buôn Ma Thuột. Sự việc được đánh giá mức độ “nghiêm trọng” khiến phi trường phải đóng phi đạo, tạm ngưng hoạt động trong nửa ngày để điều tra và trám vá phi đạo bị hư hỏng. Trên mạng xã hội có diễn giải là phi cơ đã đáp bằng cánh trong lúc càng phi cơ không hạ.

Chuyến bay của Vietjet chuẩn bị cất cánh từ Hà Nội đi Đà Nẵng sáng 26 Tháng Mười Hai phải dừng lại vì “cảnh báo kỹ thuật.” (Hình cắt từ clip)

Đó là chưa kể hồi cuối Tháng Mười, một phi cơ của Vietjet từ Hà Nội đi Busan phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay quốc tế Hồng Kông sau khi phi hành đoàn phát hiện “vấn đề kỹ thuật”. Lỗi này sau đó được hãng hàng không công bố là do “báo động giả” và phi cơ đã có thể hoạt động bình thường trở lại ngay sau đó.

Sau một loạt vấn đề liên tiếp, Vietjet hiện đã bị Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam quyết định dừng tăng chuyến để rà soát lại việc khai thác. Đồng thời, giới chức tiến hành giám sát đặc biệt với hãng hàng không này tại bốn cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh và Đà Nẵng.

Có suy đoán cho rằng các vấn đề xảy ra liên tiếp thời gian qua là vì Vietjet đã phát triển quá nóng dẫn đến mất kiểm soát một số khâu trong vận hành chuyến bay.

Điều khiến cho công luận quan tâm là Bộ Giao Thông–Vận Tải không hề lên tiếng sau mỗi vấn đề như vậy mà để người dân tự quyết định với chọn lựa và phó mặc sinh mệnh cho hãng hàng không.

Đến nay, Vietjet được ghi nhận là hãng hàng không luôn tạo hình ảnh đang làm ăn phát đạt trên truyền thông bằng việc liên tiếp công bố những hợp đồng mua phi cơ trị giá hàng tỉ đô la và Tổng Giám Đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo hồi giữa Tháng Mười Hai “được vinh danh top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018 của Bloomberg”.

Nhân chuyến thăm của Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe hồi đầu Tháng Mười Một, Vietjet công bố việc đặt mua 50 phi cơ A321 “trị giá $6.5 tỉ theo giá niêm yết của nhà sản xuất.”

Báo Nhà Đầu Tư hồi Tháng Ba giải thích thực chất của các thương vụ tỉ đô này là dạng “sale and lease back” (mua và thuê lại), nghĩa là thay vì bắt Vietjet trả toàn bộ tiền mua phi cơ ngay lập tức, Boeing hay Airbus sản xuất và giao phi cơ cho hãng này và sau đó thu tiền lại dần dần theo hợp đồng. (T.K.)

Video: Việt Nam 24 giờ Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT