Thursday, March 28, 2024

Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà có nhiều ‘dấu hiệu bị phá hoại’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau khi công an tỉnh Hòa Bình loan báo đã bắt ông Nguyễn Chương Đại và ông Hoàng Văn Thám, hai trong ba nghi can trong vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà, mạng xã hội dấy lên nhiều nghi vấn và thuyết âm mưu về động cơ của vụ này.

Hiện tại sau mười ngày kể từ lúc nhận thấy mùi khét bất thường trong nước máy, nhiều người dân sống tại Hà Nội vẫn đang phải vật lộn với chuyện thiếu nước sạch mỗi ngày trong lúc chưa có bất kỳ giới chức hoặc cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 19 Tháng Mười cho hay: “Mục đích việc đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà là gì, cần điều tra làm rõ, đúng người đúng tội. Quan trọng nhất là tìm ra kẻ ‘lạ mặt’ nấp sau vụ án. Có kẻ cố tình đổ trộm dầu thải vào nguồn nước để đạt mục đích của ai đó hoặc một nhóm nào đó. Cơ quan cảnh sát điều tra cần tập trung làm rõ. Mắt xích nằm ở nghi can Lý Đình Vũ đang bỏ trốn.”

Hai nghi can Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám. (Hình: VOV.vn)

Báo này dẫn lời một chủ garage xe trên đường Trần Khát Chân, Hà Nội: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới nay, tôi chưa thấy ai đổ trộm dầu thải cả. Dầu thải garage sửa chữa xe hơi của tôi hiện tại vẫn bán cho những người thu gom với giá khoảng 4,500 đồng ($0.2)/lít. Dầu sau đó được tái chế, sẽ cho một phần nhỏ xăng, một phần nhỏ dầu (bán cho nông dân chạy công nông, máy phay), phần còn lại là chất thải dùng làm nhựa đường… Một chiếc xe tải trọng 2.5 tấn có thể chứa được tới hơn 2,000 lít dầu, bán đi cũng được khoảng 10 triệu đồng ($430). Tài xế không thể không biết điều này mà lại đem đi đổ trộm, nhất là khi việc thu mua dầu thải hiện nay diễn ra phổ biến, ở bất kỳ cung đường quốc lộ nào cũng có thể tìm thấy địa chủ thu mua. Nay nghe các đối tượng khai nhận là 10,000 lít, có thể bán được rất nhiều tiền và thu gom lâu mới được. Họ gom và đổ có mục đích gì cần phải làm rõ.”

Trong khi đó, báo Dân Trí ghi nhận đường đi vòng vèo qua ba tỉnh trong vòng ba ngày của 10 thùng dầu thải.

Báo Tiền Phong hôm 19 Tháng Mười đưa ra cảnh báo: “An ninh nguồn nước đang là câu hỏi của hàng triệu người dân thủ đô thời điểm này. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu nguyên do gây ô nhiễm nguồn nước không phải là dầu thải, không phải một ‘hành động vô trách nhiệm’ mà là sự phá hoại có chủ đích thì sức khỏe người dân sử dụng nước sạch sông Đà ra sao?”

Tờ báo cho biết thêm rằng ngoài vụ đổ dầu thải, nguồn nước sông Đà còn đang bị đe dọa ô nhiễm bởi một trang trại nuôi hơn 10,000 con heo của Công Ty Japfa Việt Nam, án ngữ trên đầu nguồn suối gần hồ Đầm Bài ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Trại heo này rộng hơn 35,000 mét vuông, hoạt động từ năm 2017. Đầu năm 2019, trại heo này bị người dân địa phương phản đối vì nước thải của trại chảy thẳng xuống suối đầu nguồn và tràn vào đồng ruộng đang canh tác của người dân xã Phú Minh.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Đào Trọng Tứ, trưởng Ban Điều Hành Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam: “Sự cố của Nhà Máy Nước Sạch Sông Đà cho thấy an ninh nguồn nước [ở Việt Nam] đang thực sự có vấn đề. Có hai việc cần giám sát là đầu vào và đầu ra chất lượng nước. Trong hai vấn đề trên chỉ cần quan tâm đến đầu ra, tức là nước sạch cho người dân sử dụng có an toàn, đảm bảo chất lượng hay không. Ở nhiều nước, công nghệ xử lý được nước thải, nước biển… thành nước uống trực tiếp đạt chuẩn. Do đó, kể cả có nước thải, phân bón, hay chất thải từ trại heo xả xuống nguồn nước vẫn có thể xử lý được nếu công nghệ hiện đại. Tuy vậy, đối với Nhà Máy Nước Sạch Sông Đà, công nghệ xử lý của họ chưa đạt được đến mức đó.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT