Friday, April 26, 2024

Vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân: Không đổ bùn xuống biển, đưa ô nhiễm lên bờ

BÌNH THUẬN (NV) – Ông Trịnh Ðình Dũng, một trong các phó thủ tướng của Việt Nam vừa phê chuẩn đề nghị của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường: Không cho đổ một triệu khối bùn xuống biển. Ô nhiễm sẽ chuyển từ biển lên bờ.

Trong hai tháng gần đây, một triệu khối bùn của công ty điện lực Vĩnh Tân 1 (VTPC 1) đã làm chính quyền Việt Nam xoay như chong chóng.

VTPC 1 là liên doanh giữa Tập Ðoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) với Trung Quốc, trong đó phía Trung Quốc góp đến 95% vốn để xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá $1.7 tỉ này đã được phê duyệt từ đầu thập niên 2010. Ngoài việc phê duyệt dự án xây dựng nhà máy đốt than, phát điện để bán cho Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN), lúc đó, chính quyền Việt Nam đã phê duyệt cả kế hoạch xây dựng hệ thống cảng cho các tàu vận tải ghé vào đổ than. Muốn có cảng phải nạo vét, nạo vét tạo ra bùn, phải có chỗ đổ, chỗ đổ tiện nhất, ít tốn kém nhất đối với “chủ đầu tư” là biển và Việt Nam đã chấp nhận từ lâu.

Bất chấp sự lo ngại của các chuyên gia và dân chúng, ngày 23 Tháng Sáu, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam cấp cho VTPC 1 giấy phép đổ một triệu tấn bùn xuống vùng biển thuộc tỉnh Bình Thuận.

Người ta lo ngại rằng, việc đổ một triệu khối bùn xuống biển sẽ khiến 30 héc ta đáy biển bị phủ một lớp chất thải dày tới ba mét. Hơn nữa, Bình Thuận có một vùng nước trồi – nơi dòng nước lạnh đặc quánh di chuyển thường xuyên từ phía dưới đáy biển lên tầng cao hơn, thế chỗ cho dòng nước ấm hơn – rất lớn, ảnh hưởng của việc đổ bùn sẽ loang rất rộng, môi trường sống sẽ bị biến thành môi trường chết, phải mất hàng trăm năm mới có thể hồi phục. Ngay cả đại diện Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cũng không đồng tình (nếu VTPC 1 được phép đổ bùn xuống biển, họ sẽ thay đổi qui hoạch, không chọn Bình Thuận làm một trong những nơi cung cấp tôm giống, thậm chí bộ này cho biết có thể sẽ phải tính lại cả việc thực hiện các dự án quốc tế để bảo tồn nguồn giống các loại cá di cư theo vùng nước trồi).

Bị chỉ trích kịch liệt, đến trung tuần Tháng Bảy, thay mặt Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, ông Phạm Ngọc Sơn, tổng cục phó Tổng Cục Biển và Hải Ðảo, đăng đàn biện bạch, giấy phép đã cấp cho VTPC 1, không đồng nghĩa với việc VTPC 1 được phép đổ bùn xuống biển. Dù chuyện đổ bùn xuống biển đã được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, có “căn cứ khoa học” nhưng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ.

Hạ tuần Tháng Bảy, các chuyên gia tố cáo, báo giới phanh phui, báo cáo biện minh cho việc VTPC 1 đem bùn đổ xuống vùng biển mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam sử dụng để khẳng định việc cấp giấy phép cho VTPC 1 đổ bùn xuống biển là có… “căn cứ khoa học” đã mạo danh ba nhà khoa học. Chính quyền tỉnh Bình Thuận đề nghị giới lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam xem xét lại việc cho phép đổ bùn xuống biển.

Cuối Tháng Bảy, ông Trịnh Ðình Dũng, thay mặt chính phủ Việt Nam giao cho Viện Hàn Lâm Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá lại tác động của việc đổ bùn xuống biển “một cách độc lập” để chính phủ Việt Nam xem xét. Cũng vào cuối Tháng Bảy, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam trình thủ tướng Việt Nam đề nghị không để VTPC 1 đổ bùn xuống biển.

Ngày 3 Tháng Tám, tại một cuộc họp báo, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam, chủ động tiết lộ với báo giới, theo hợp đồng liên quan đến việc đầu tư, xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, bên nào chậm trễ sẽ bị phạt, mức phạt là $620,000/ngày. Vì vậy, theo ông Hà, EVN và Bộ Công Thương Việt Nam phải lựa chọn “phương án tốt nhất”: Ðổ bùn xuống biển.

Nói cách khác, nếu không cho đổ bùn xuống biển, khiến việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chậm trễ, mỗi ngày, chính quyền Việt Nam phải nộp cho Trung Quốc $620,000 tiền phạt.

Ông Hà không nói gì thêm nhưng nhiều người bắt đầu nhận ra, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đang phải “giơ đầu chịu báng” thay cho giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam, phía chủ trương xây dựng hàng loạt nhà máy đốt than để phát điện (nhiệt điện dùng than) từ cách nay hàng chục năm, bất chấp chủ trương đó sẽ hủy diệt môi trường.

Theo tờ Tuổi Trẻ thì song song với việc không cho VTPC 1 đổ bùn xuống biển nữa, chính phủ Việt Nam đã giao cho Bộ Tài Nguyên-Môi Trường phối hợp với các ngành, các cấp hữu trách, dùng một triệu khối bùn để “san lấp khu vực lấn biển tại cảng tổng hợp Vĩnh Tân.”

Cần lưu ý là chính Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã nhiều lần cảnh báo và phân tích rất cặn kẽ, nếu đổ bùn trên bờ (hiện có khoảng năm triệu khối bùn phát sinh từ việc nạo vét để xây dựng cụm bốn nhà máy đốt than để phát điện ở Tuy Phong, Bình Thuận) thì bùn sẽ làm đất ven biển bị ô nhiễm nặng.

Ô nhiễm biển hay ô nhiễm trên đất liền đều là ô nhiễm. Ðường nào thì môi sinh, môi trường sống cũng bị hủy diệt nhưng sẽ không có cá nhân nào trong nhóm chủ trương phát triển các nhà máy đốt than để phát điện trên toàn Việt Nam phải chịu trách nhiệm. (G.Ð)

Bắt cán bộ hải quan Hà Nội đánh tráo hơn 150 kg ngà voi

MỚI CẬP NHẬT