Saturday, April 20, 2024

Chạy xe điện phải nhớ 5 chi tiết cần bảo trì

LOS ANGELES, California (NV) – Xe điện không cần phải thay nhớt hộp số, hay nhớt máy, timing belt, bơm xăng, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn chẳng cần phải bảo trì.

Cũng như tất cả các loại máy móc, khi chạy đều bị hao mòn, khi hoạt động đều bị tăng nhiệt, xe điện vẫn cần được bảo trì theo đúng thời khóa biểu.

Một nhân viên ráp bình điện vào chiếc Ford Focus tại hãng xe Ford ở Michigan. (Hình: Bill Pugliano/Getty Images)

Trang tin Cnet.com liệt kê năm chi tiết cần bảo trì mà mỗi người chủ xe điện cần lưu ý. Chúng tôi sắp theo thứ tự từ việc kém đến rất quan trọng.

5-Chuyển đổi bánh xe và cân bằng vỏ xe (tire rotation and balance)

Xe máy nổ hay động cơ điện đều cần các bánh xe.

Bánh xe là bộ phận chính làm xe vận chuyển. Với chức năng này, vỏ xe chắc chắn chóng mòn.

Đặc biệt, ở xe điện cần chú ý đến việc cân bằng vỏ xe và chuyển đổi bánh xe vì với bình điện nặng và lớn, đồng thời, lực khởi động từ động cơ điện tạo momen xoắn tác động mạnh lên bánh xe truyền động.

Do đó, cần xem tình trạng vỏ bánh xe theo đúng định kỳ, để không bị bào mòn một phía khiến phải tốn tiền thay vỏ xe quá sớm.

4-Dầu thắng

Mặc dù, nguyên lý để hãm tốc độ của một chiếc xe điện có khác hơn xe máy nổ, nhưng bố thắng và dĩa thắng vẫn được sử dụng.

Hai bộ phận này hoạt động nhờ hệ thống đạp thắng thủy lực, giống như xe máy nổ truyền thống, và dầu thắng cũng tiêu hao và có khuynh hướng hấp thụ nước trong không khí, khiến dễ làm gỉ sét các bộ phận nên cần phải thay dầu thắng đúng hạn.

3-Nước giải nhiệt

Dù xe điện không dùng động cơ nổ nhưng vẫn cần nước giải nhiệt cho bình điện, nếu không bình điện sẽ nóng và bốc cháy.

Nước giải nhiệt trong xe điện tùy theo nhà sản xuất, thí dụ với xe Tesla Model 3 cần thay nước mới mỗi 50,000 dặm hoặc bốn năm một lần.

Còn chiếc Chevy Bolt mỗi bốn năm hay 150,000 dặm.

2-Kiểm soát tình trạng của đĩa và bố thắng

Xin phân biệt chuyện thay dầu thắng nói trên và kiểm tra đĩa và bố thắng.

Hai bộ phận này mòn nhanh hay lâu tùy theo người lái xe, và địa hình xe chạy. Người lái có khuynh hướng chạy nhanh, thắng gấp thì đĩa và bố thắng mau mòn hơn, phải thay sớm và nhiều lần hơn so với một tài xế lái xe điềm đạm.

Hai công nhân ráp động cơ điện cho chiếc Volkswagen ID.3 tại cơ xưởng ở Zwickau, miền Đông nước Đức. (Hình: Hendrik Schmidt/Pool/AFP via Getty Images)

Khu vực chủ xe sống nếu là một vùng gồ ghề, không bằng phẳng: thường xuyên phải đạp thắng. Khu vực chủ xe là đô thị đông đúc: cũng cần thắng xe thường xuyên. Hai hoàn cảnh này đưa đến cùng một kết quả, đĩa và bố thắng mau mòn.

Nói chung, xe chạy máy nổ hay động cơ điện cũng phải cần được chăm sóc bộ thắng xe đúng hạn.

1-Chăm sóc bình điện

Bình điện của chiếc xe hơi chạy bằng động cơ điện là bộ phận đòi hỏi sự chú ý nhiều nhất, cả về chi phí bảo trì lẫn việc giữ giá trị của chiếc xe.

Bình điện là bộ phận khó khăn và nặng nề nhất để lắp ráp và bảo trì trong một chiếc xe điện và đây là yếu tố chính định giá trị của chiếc xe sau này vì đồng thời, đây là bộ phận mắc tiền nhất.

Động cơ điện dùng trong xe Volkswagen ID 3. (Hình: Jens Schlueter/Getty Images)

Hãy chăm sóc bình điện giống như mọi người quen làm với một động cơ máy nổ.

Nên ghi nhớ rằng bình điện cũng như động cơ máy nổ, nóng quá hay để lạnh lâu quá đều bị ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Bình điện không được sạc điện đúng lúc, cũng như sạc quá nhiều và sạc liên tục, hoặc thường xuyên chạy đến cạn bình, tất cả những nguyên nhân trên đều khiến bình điện mau chóng hư.

Trong cuốn sách bảo trì chiếc xe đều có hướng dẫn đầy đủ để bảo trì bình điện. Lưu ý, chủ xe dù có “làm biếng” mức nào đi nữa, phải dành thời giờ đọc cách chăm sóc bình điện. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT