Thursday, April 18, 2024

Vỏ bánh xe, không phải ai cũng để ý đến!

LOS ANGELES, California (NV) – Khi nói đến sức mạnh của một chiếc xe, công suất của máy được chú ý nhiều nhất, rằng máy bao nhiêu mã lực, bao nhiêu cylinder. Ai cũng muốn biết “công lực” của máy, và vội quên đi bộ phận quan trọng nhất để chiếc xe di chuyển: Vỏ bánh xe!

Ít ai để ý đến vỏ bánh xe mỗi khi nói đến vận tốc, công suất của chiếc xe, tuy nhiên, chức năng “lăn bánh” là công dụng quan trọng nhất và cần thiết duy nhất khi chế tạo chiếc xe.

Vỏ bánh xe đua vừa to, vừa rộng và dày, thích hợp để chạy với vận tốc cao. (Hình: Jared C. Tilton/Getty Images)

Vỏ bánh xe là điểm duy nhất của chiếc xe tiếp xúc mặt đường, giúp xe chuyển động.

Do đó, vỏ bánh xe quyết định sự kiểm soát mặt đường của tài xế khi lái xe, khi thắng lại đột ngột, khi quẹo, và ngay cả việc xe chạy êm hay ổn định trên mặt đường.

Người lái cần hiểu nhiều hơn về cái vỏ bánh xe để có sự lựa chọn đúng cho chiếc xe hay nhu cầu lái xe của mình.

Trang mccluskeychevrolet.com có vài lời khuyên về vỏ bánh xe như sau:

Đường kính bánh xe

Nhiều người không nghĩ đến đường kính của bánh xe khi đi mua một vỏ bánh xe mới, nhưng sự khác biệt là đây.

Đường kính là số đầu tiên được liệt kê mỗi khi nói đến cỡ bánh xe, những con số này là 14, 15, 16, 17, 19, và 22.

Ít người biết được ý nghĩa của các con số trên đây, lại càng ít người hơn nữa biết được đường kính ảnh hưởng như thế nào đến công suất, sức mạnh và vận tốc chiếc xe.

Đường kính bánh xe càng lớn, xe càng đầm khi đạt tốc độ cao và nhờ kích thước bánh xe lớn nên có thể gắn loại thắng to hơn và giúp việc ngừng xe dễ dàng và nhanh chóng.

Nhưng bánh xe lớn cũng có những bất tiện: Khó quẹo êm hơn, ôm cua khó và lái không êm.

Vỏ bánh xe lớn sẽ có thành vỏ mỏng hơn.

Độ sâu của gai vỏ bánh xe

Độ sâu gai vỏ xe giữ vai trò quan trọng trong việc chạy bám đường và dừng lại khi đạp thắng.

Độ sâu của gai vỏ xe giúp giữ thăng bằng tốt hơn khi chạy băng qua nước, tuyết, bùn, cát, sỏi và nhiều loại vật chất khác.

Với xe còn đủ gai giúp điều khiển và kiểm soát xe tốt hơn khi trong những tình huống nguy hiểm, như trượt trên mặt đường trơn, hay xe bị quay vòng.

Chưa hết, gai vỏ xe càng tốt càng giúp dễ dàng vượt qua khi di chuyển trên bùn, tuyết hay bị trượt trên đường bị đông đá, có dốc đầy tuyết.

Tuy nhiên, gai vỏ bánh xe quá dày sẽ tạo ra tiếng động nghiến mặt đường rất lớn. Do đó, nếu sống trong vùng khô, nóng không cần phải trang bị loại vỏ bánh xe có gai dày.

Một nhân viên làm việc trong hãng làm vỏ xe Michelin. (Hình: Jean-Sebastien Evrard/AFP via Getty Images)

Độ cứng của vỏ bánh xe

Lớp cao su bọc ngoài vỏ bánh xe có loại dẻo hơn hay cứng hơn.

Vỏ bánh xe dẻo hơn bám mặt đường tốt hơn, nhưng vỏ dẻo hơn sẽ bị mòn nhanh chóng hơn và chóng hư khi lưu thông trên mặt đường gồ ghề.

Vỏ cao su cứng hơn không bám đường bằng, nhưng lại tốt hơn khi chạy trong những điều kiện khác nhau, như chạy nhanh hay lái trên những mặt đường không bằng phẳng.

Tuy nhiên, đừng quá chú trọng chiếc vỏ bánh xe dẻo hay cứng hơn, nên chọn loại vỏ bánh xe nào thích hợp nhất để chạy đúng nhu cầu của người lái.

Bề mặt vỏ bánh xe rộng

Theo sự hiểu biết thông thường, bề mặt vỏ bánh xe càng rộng càng bám đường tốt hơn nữa, tuy nhiên, không phải điều này lúc nào cũng đúng.

Vỏ bánh xe rộng khó bẻ cua hơn và khó điều khiển xe hơn.

Bơm bao nhiêu là vừa đủ

Tình trạng bánh xe mềm hay cứng ảnh hưởng đến tình trạng tổn hao nhiên liệu, bánh bơm không đủ cứng quyết định vận tốc, điều khiển thăng bằng của xe.

Tiếp tục chay trên bánh xe mềm sẽ khiến gai bánh xe mòn dần và mòn không đều và xe không còn lái an toàn khi chạy trên những đoạn đường không êm.

Bơm bánh xe quá cứng cũng đưa đến những tình trạng không thuận tiện, chẳng hạn như vì quá cứng nên vỏ bánh xe không còn sức đàn hồi cần thiết và sẻ dễ bị hư hỏng.

Chọn vỏ bánh xe sẽ quyết định rất nhiều trong việc lái xe và lái an toàn. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT