Thursday, April 25, 2024

Kim ấn ngọc tỷ, hồi quang một thuở

Nguyễn Hồng Lam - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

‘Báu vật’ phát lộ

Báo chí trong nước đưa tin, ngày 26 Tháng Mười Một, 2016, trong khi cuốc đất tại trang trại gia đình, vợ chồng ông Trương Văn Sửu ở xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đào được một chiếc “nghi là ấn tín cổ” bằng kim loại màu đen và vàng, nặng 1.6kg. Mặt trước của ấn có ghi 4 chữ “Cửu Long kim tỷ” (tỷ vàng 9 rồng), mặt đáy ghi “Ðại Thanh Tự Thiên Tử Bảo.” Như tên gọi, núm của chiếc tỷ đắp nổi 9 đầu rồng chụm lại…

Ba ngày sau khi “cổ vật xuất hiện,” ông Nguyễn Ðình Dương, phó trưởng Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Nghi Lộc hơi vội vàng đưa ra nhận định: cổ vật này là một ấn tín của vua chúa thời phong kiến! Các cơ quan chức năng ngành văn hóa từ huyện đến tỷnh lập tức đến “vận động” gia đình giao nộp, định lập đoàn giám định xác định niên đại, lịch sử và giá trị cổ vật. Dân tình khắp nơi nhao nhao kéo đến xin xem, xin sờ, xin lễ, xin dâng sớ…cầu may. Ðám “nhất bét” (cờ bạc) bình luận, suy đoán rôm rả nhằm tìm số….đánh đề!

Phải rồi, linh phải biết. Ðào được ấn tín vua chúa, hẳn mảnh đất nơi cổ vật được chôn phải là long mạch, đất đế vương chứ chẳng chơi. Biết đâu vua Thanh là người quê gốc Nghi Lộc, Nghệ A, không chừng (?) Hoặc giả, từ hàng chữ “Ðại Thanh Tự Thiên Tử Bảo” mà suy, đây là ấn của hoàng thái tử nối ngôi của nhà Thanh. Có khi đó là ấn tiên phong vua Càn Long từng giao cho thái tử làm nguyên súy khâm sai sang đánh nước ta chứ chẳng tầm thường, dù chưa từng thấy sách vở nào chép lại!

'Tỷ' hàng Tàu nhặt được ở Nghệ An. (Hình: VNExpress)
‘Tỷ’ hàng Tàu nhặt được ở Nghệ An. (Hình: VNExpress)

Lịch sử không ghi nhận có tên giặc Thanh nào theo cánh quân của Sầm Nghi Ðống chinh Nam sâu hơn đèo Tam Ðiệp ngoài Ninh Bình. Vậy sao ấn “Nguyên súy tiên phong” của “thái tử” lại nằm ở tận Nghệ An?…Rõ là lịch sử có khi sai bét. Biết đâu từ chiếc “bảo vật” này mà phải viết lại chứ chẳng đùa?

Tôi cũng giống như triêu người ưa hoài nghi khác đọc báo, xong cười không nổi. Linh tại ngã, bất linh tại ngã. Thời nhiễu sự, một cục sắt tây hàng chợ cũng đủ om sòm cả nước cãi nhau. Cứ nhìn “bảo vật” mới đường nét góc cạnh lem nhem, vật liệu… hàng mã, điêu khắc lai căng, khắc chữ trật chỗ… là chán hẳn, chán không buồn chết!

Tuy nhiên, bình tĩnh suy xét, sự “lên đồng” tập thể cũng có lý do, nhất là khi lịch sử vẫn đầy những góc khuất tạo nên nguyên cớ có thể thổi bùng lên giấc mơ, ham muốn của đám đông.

Hào quang vương đế

Này nhé, nếu vàng thoi, bạc nén là hình ảnh của một quốc gia thời đại phồn vinh thì ngọc tỷ và kim ấn lại là biểu tượng quyền lực của các vương triều. Thực chất, ngọc tỷ hay kim ấn (thời nhà Nguyễn gọi là kim bảo tỷ) đều là ấn chương, ấn triện, tức con dấu của các bậc vua chúa để đóng vào các chiếu, chỉ, dụ… truyền xuống thiên hạ. Ðiểm khác nhau: ngọc tỷ được chế tác bằng các loại ngọc quí nguyên khối, còn kim ấn thì được đúc bằng vàng khối.

Cảnh Tông Thuần Hoàng Ðế chi bảo. Ðúc ngày 15 Tháng Ba, năm Thành Thái thứ 1, 1889. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)
Cảnh Tông Thuần Hoàng Ðế chi bảo. Ðúc ngày 15 Tháng Ba, năm Thành Thái thứ 1, 1889. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)

Tương truyền, hình thức “ấn chương” (đóng dấu) và các loại tỷ, ấn bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc cổ đại từ 2,500 năm trước Công Nguyên. Sách “Xuân Thu vận đẩu khu” chép: “Hoàng đế thời, hoàng long phụ đồ trung hữu tỷ chương” (thời hoàng đế có con rồng vàng đội hòm đồ thư trong có tỷ chương).

Từ “truyền thuyết” này, các loại ngọc tỷ, kim ấn của Trung Quốc, Việt Nam đều được chế tạo theo hình thức có núm (tay cầm) mang hình rồng cuộn. Rồng cũng có khi được thay bằng lân, thiềm thừ.. (con cóc), nhất là trong trường hợp ấn, tỷ của vương hậu, không phải của vua. Núm cũng chỉ đắp, tạc lưỡng long hoặc độc long, không làm gì có loại cửu long như mơ ước của bọn thiếu hiểu biết, thừa tham vọng đặt đúc, mà cái tỷ mới đào là vật chứng.

Phần đáy của tỷ, ấn thường có dạng hình vuông, viền ngoài, bên trong khắc theo lối chữ triện. Luôn luôn chữ “tỷ” (hoặc chữ “bảo”) là chữ đứng cuối cùng trong những chữ được khắc ở mặt đáy. “Báu vật” mới đào, chữ “tỷ” được khắc bên hông chứ không phải dưới đáy. Rõ là người đúc, người mua sợ người ta nhìn vào không nhận ra đó là “kim tỷ”! Thật chẳng ra làm sao cả.

Ấn tỷ, chỉ nói chuyện triều Nguyễn thôi cũng đã một rừng. Ngay từ khi kéo quân vào hùng cứ phương Nam bắt đầu cuộc giao tranh hàng trăm năm với họ Trịnh, Chúa Nguyễn Hoàng đã cho khắc kim bảo truyền quốc “Ðại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” làm bảo vật truyền ngôi cho toàn bộ các dòng chúa – vua nhà Nguyễn về sau. Chín đời chúa Nguyễn đều sử dụng kim bảo này.

Bên cạnh ngọc tỷ này, khi vừa lên ngôi (1802), Gia Long đã cho đúc ngay kim ấn “Ngự tiền chi bảo,” mặt triện hình bầu dục kích thước 2.5 x 3 cm, sử dụng như “con dấu chính thức” của vương triều. Khác với tất cả các loại ngọc tỷ, kim ấn khác, “Ngự tiền chi bảo” không khắc lối chữ triện mà khắc chữ chân, nét khắc đậm, nhạt như phóng bút trên giấy.

Tuy nhiên, cả hai tỷ, ấn nói trên đều chưa phải là ấn chương cổ nhất của triều Nguyễn. Vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), một người học trò là Nguyễn Ðăng Khoa ở Quảng Trị tình cờ đào được và dâng lên hoàng đế một ngọc tỷ xanh biếc rất đẹp, mặt triện ghi 4 chữ “Vạn thọ vô cương.” Vua Minh Mạng rất quí ngọc tỷ này, thường dùng nó đóng lên các ấn chiếu, cáo văn nhân lễ vạn thọ, dù ngọc tỷ này được khắc vào thời nào thì vẫn chưa được xác định. Ngoài ra, mỗi lần tìm được ngọc quí, Minh Mệnh lại một lần cho khắc thêm ngọc tỷ.

“Hoàng đế chi tỷ” được khắc bằng bạch ngọc năm 1835, dùng đóng triện các chiếu văn cải niên hiệu, đại xá, ban ân, phong quan tước. “Hành tại chi tỷ” được khắc bằng bạch ngọc vào năm 1837, được sử dụng trong các chuyến hoàng đế vi hành tuần thú. Năm 1839, Minh Mạng đổi quốc hiệu thành Ðại Nam và cho khắc “Ðại Nam thiên tử chi tỷ” bằng bích ngọc, dùng đóng trên các sắc thảo chỉ dụ cho người nước ngoài hoặc dùng khi tuần thú.

Hoàng Ðế Thiệu Trị cũng khắc khá nhiều ngọc tỷ. Năm 1844, ông vua này đã cho khắc 2 chiếc một lúc, một lớn một nhỏ. Chiếc lớn là “Ðại Nam hoàng đế chi tỷ,” được dùng như ngọc tỷ “Ðại Nam thiên tử chi tỷ” của Minh Mệnh,” chiếc nhỏ “Thần hàn chi tỷ” để đóng các chỉ dụ trong cung.

Tự Ðức thần hàn. Ðúc Tháng Hai, năm Tự Ðức thứ 1, 1848. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)
Tự Ðức thần hàn. Ðúc Tháng Hai, năm Tự Ðức thứ 1, 1848. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)

Lớn và đẹp nhất trong các ngọc tỷ triều Nguyễn là “Ðại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” được khắc vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Ngọc tỷ này được chế tác ròng rã một năm trời mới hoàn tất. Ngày 15 Tháng Ba 1846, đích thân Hoàng Ðế Thiệu Trị đã tổ chức một buổi lễ long trọng để bố cáo trời đất, kính yết tổ tiên, trước khi cho khắc chữ lên mặt triện. Ngọc tỷ quí giá này sau đó đã được xem như ấn triện truyền ngôi, mang biểu tượng quyền lực cao nhất của nhà Nguyễn, rất ít khi được đem ra sử dụng.

Ðời Khải Ðịnh, thêm 2 quốc tỷ nữa đã được khắc là “Khải Ðịnh hoàng đế ngọc tỷ” và “Khải Ðịnh hoàng đế chi tỷ.”

Ngoài ra, còn hàng chục loại ngọc tỷ khác, ít quan trọng hơn, được dùng có tính chất đóng dấu riêng tư ở mỗi triều vua Nguyễn cũng đã được khắc, với kích thước nhỏ hơn, chất liệu ngọc cũng ít quí hơn.

Ngoài việc gắn với những ý nghĩa lịch sử của từng giai đoạn, ấn tỷ của các vương triều còn là một hoài niệm tô điểm cho sự lộng lẫy, rực rỡ của hoàng kim vương triều phong kiến, đáng để ngưỡng mộ. Nhưng, những biến động thời cuộc đã khiến những kho báu vô giá ấy tản mác, mai một.

Suối lệ hồi ức

Ðại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo. Ðúc tháng 10, năm Thiệu Trị thứ 7, 1847. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)
Ðại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo. Ðúc tháng 10, năm Thiệu Trị thứ 7, 1847. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)

Năm 1862, mang tư tưởng chủ hòa, triều đình Tự Ðức đã phải ký hòa ước Nhâm Tuất, chịu mất 3 tỷnh miền Ðông Nam kỳ cho Pháp. Là “kẻ bại trận,” nhà Nguyễn phải “bồi thường” cho liên quân Pháp-Tây Ban Nha 4 triệu đôla, trả trong 10 năm, hóa giá mỗi đôla bằng 0.72 lạng bạc, tổng cộng khoản chiến phí là gần 2 triệu 88 ngàn lạng bạc. Ðể chuộc lại 3 tỷnh miền Ðông, triều đình đã cử một phái bộ gồm Phan Thanh Giản (chánh sứ), Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Ðản thương thuyết với Trung Tá Aubaret – Lãnh sự Pháp tại Xiêm La (Thái Lan), được Napoleon III chỉ định làm Toàn quyền đặc sứ. Ngày 15 Tháng Sáu 1864, từ Băng Cốc, Aubaret đến Huế, mang theo bản dự thảo thỏa ước mới, trong đó Pháp chấp nhận trả lại 3 tỷnh miền Ðông Nam kỳ cho nhà Nguyễn để đổi lấy số tiền chuộc là 2 triệu Frăng, tương đương 13.3333 triệu đồng tiền Việt (khoảng 2.6 triệu lạng bạc), trả trong 40 năm. Ðể có tiền chuộc đất, nhà Nguyễn đã phải thu gom trong dân chúng 920 lạng vàng, 2,200 lạng bạc, 10,500 đồng bạc Mexicana (đồng Piastre, ở Việt Nam thường gọi là “đồng bạc trắng hoa xòe,” mỗi đồng nặng 0.72 lạng bạc) và vét quốc khố ra 72,000 lạng bạc nữa đem nộp cho Pháp nhưng vẫn không đủ.

Khoản chiến phí đã khiến quốc khố An Nam trống rỗng, nhưng lòng tham thực dân vẫn không chịu dừng lại. Ngày 15 Tháng Sáu 1867, Phó Ðề Ðốc La Grandière, thống đốc Nam kỳ đã viện cớ “tái lập sự an bình và sự an toàn cho thuộc địa” trước tình hình liên tục bị nghĩa quân chống phá, đã bất ngờ đưa quân tấn công Vĩnh Long, Hà Tiên và Châu Ðốc. Chỉ 10 ngày sau, ngày 26 Tháng Sáu 1867, thêm 3 tỷnh miền Tây Nam kỳ lại tiếp tục lọt vào tay quân Pháp, trong khi nhà Nguyễn vẫn phải tiếp tục gom vàng ròng bạc khối để trả nợ khoản chiến phí cũ nhằm chuộc ba tỷnh miền Ðông! Trước khi uống thuốc độc tự tử, đau lòng với vận nước, cựu Chánh sứ đại thần Phan Thanh Giản đã phải ứa lệ mà thốt lên: “Những tưởng một lời yên bốn cõi/ Nào hay ba tỉnh lại về ba!”

Thánh Tổ Nhân Hoàng Ðế chi bảo. Ðúc Tháng Ba, năm Thiệu Trị thứ 1, 1841. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)
Thánh Tổ Nhân Hoàng Ðế chi bảo. Ðúc Tháng Ba, năm Thiệu Trị thứ 1, 1841. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)

Lần thứ hai diễn ra vào dịp kinh đô thất thủ, Tháng Bảy 1885. Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp, ngoài việc cải chiếu Vua Tự Ðức, phế Dục Ðức, đầu độc Kiến Phúc và đưa ông hoàng trẻ tuổi Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên làm vua, lấy hiệu Hàm Nghi, phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu còn tích cực tích lương trữ thảo lập chiến khu kháng chiến tại vùng Cùa (Cam Lộ, Quảng Trị). Theo kế hoạch, 1 triệu lượng vàng ròng, bạc nén sẽ được phe kháng chiến chuyển từ kho của Phủ Nội vụ ở Huế lên Tân Sở, Quảng Trị. Nhưng mới chuyển được 300,000 lượng (khoảng 11 tấn) ngày 25 Tháng Ba 1885, Tôn Thất Thuyết đã ra lệnh đánh úp quân Pháp tại Kinh thành. Âm mưu thất bại, sau gần 1 tháng rưỡi cầm cự, đêm 7 Tháng Bảy 1885, Tôn Thất Thuyết đã đem Vua Hàm Nghi và kim ấn truyền ngôi “Ngự Tiền chi bảo” (do Hoàng Ðế Gia Long sai đúc năm 1802) rời kinh, bắt đầu cuộc bôn tẩu.

Tướng Pháp De Courcy đã cho binh lính lục soát khắp hoàng thành, đào tung cả nền kho Phủ Nội vụ để vơ vét bạc vàng châu báu, ngọc tỷ kim ấn chuyển về mẫu quốc. Ngày 24 Tháng Bảy 1885, De Courcy đánh điện về Pháp: “Trị giá vàng bạc thu giấu trong hầm kho Phủ Nội Vụ lên đến 9 triệu frăng. Cũng đang khám phá thêm nhiều ấn tín, kim sách và báu vật… đáng giá bạc triệu. Xin cho một tàu lớn cùng nhiều chuyên viên thành thạo qua kiểm xét mang về…”

Cuộc cướp cạn hủy diệt văn minh này kéo dài gần 2 tháng. Theo ghi nhận của Pène Siefert, một linh mục Pháp thời đó thì quân lính của De Courcy đã cướp khỏi hoàng cung một kho tàng trị giá tới 24 triệu frăng!

Phần còn lại, theo bước chân bôn tẩu của Hàm Nghi và nghĩa quân Cần Vương kháng chiến cũng mai một trên vùng thượng đạo Quảng Trị-Quảng Bình-Hà Tĩnh. Riêng Kim Ấn “Ngự Tiền chi bảo” đã theo Tôn Thất Thuyết lưu lạc sang Trung Quốc để làm tin cầu viện vua Thanh, cho đến ngày Tôn Thất Thuyết mất (năm 1913) thì vĩnh viễn bặt vô âm tín.

Trị lịch minh thời chi bảo. Ðúc Tháng Mười, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)
Trị lịch minh thời chi bảo. Ðúc Tháng Mười, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827. (Hình: Facebook Trần Ðức Anh Sơn)

Tại Huế, phái chủ hòa đã dựng Ưng Kỷ lên ngôi Vua Ðồng Khánh khi kho tàng quốc khố đã gần như trống rỗng. Những gì còn sót lại của một vương triều lại tiếp tục bị vơ vét nốt vào giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Theo chủ trương của Ðô Ðốc Yamashita, tư lệnh quân đội Nhật tại vùng Thái Bình Dương, vô số vàng bạc, châu báu của các nước bị chiếm đóng, trong đó có Việt Nam đã bị quân đội Nhật Bản vét sạch đưa xuống hàng chục chuyến tàu chở về Nhật.

Vĩ thanh

Chuyện kim ấn, ngọc tỷ của các vương triều xưa có thể được chôn giấu trong nhân gian và có thể phát lộ ở đâu đó trên đất Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Khoảng 15 năm gần đây, đời sống kinh tế dễ thở hơn, mơ ước tài lộc, quan vận trong xã hội cũng do đó mà nhân lên. Những kẻ mới nổi đã không tiếc tiền của đổ vào tu bổ, dựng mới đền chùa miếu mạo nhằm “tích đức,” chen lấn nhau xin lộc, xin ấn “cầu phúc.” Ðánh vào tâm lý này, chợ trời hàng mã cũng mọc như nấm, đẻ ra hàng loạt loại ấn, tín, xăm, sớ… không ngoài mục đích móc túi những trọc phú thừa tiền, thừa tham vọng nhưng thiếu hiểu biết.

Cái tỷ mới đào được ở Nghệ An nhìn là biết ngay “hàng Tàu” sản xuất hàng loạt. Một cơ sở đúc đồng thủ công trong 3 ngày cũng thừa sức đúc trăm chiếc. Tóm lại chỉ là đồ lưu niệm, vật trang trí cho vui. Vui nhưng không đẹp, vì từ biểu tượng đến trình độ chế tác đều rất nhăng nhít, học đòi, lai căng, hết sức thô sơ.

Không phải ngọc tỷ, chẳng phải kim tỷ, chỉ nhìn qua ảnh là biết đồng pha thiếc, mà thiếc chắc chắn nhiều hơn. Ban đầu tôi định tiện mồm mà gọi nó là cái… ty tỷ, nhưng nghĩ lại cũng không xong, vì ngoài chợ, giá bán của nó chỉ 600-900 ngàn Việt Nam đồng (30-40 đô la Mỹ). Triệu còn vươn không tới, làm sao có thể gọi là tỷ được?


  • Bài được trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017
    Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017 phát hành rộng khắp miền Nam California. Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Str, Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.
    Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng www.nguoivietshop.com.
    Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.
    Liên lạc: 714-933-7945 hoặc 714-933-7931. Email: [email protected]

Bấm vào Đây để mua Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

MỚI CẬP NHẬT