Friday, April 26, 2024

Những chiếc lá chưa rơi…

Du Tử Lê - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

“Những chiếc lá chưa rơi,
Chỉ như lời nói dối.”
(thơ DTL)

Tôi vẫn nghĩ, nếu có những sự kiện đáng ghi nhớ, bị thời gian xóa nhòa hay đánh cắp một cách thô bạo, khi người ta bước vào tuổi già thì, cũng có những sự kiện, thời gian đã cho thấy sự bất lực của nó. Với tôi, đó là những vết chém đã lành, vết sẹo có thể cũng đã nhạt, nhưng không vì vậy mà, con lươn nổi cộm trên da thâm, sẽ teo tóp. Nó vẫn còn đó. Nguyên trạng. Mỗi khi ta vô tình trông thấy, chạm phải hoặc, gặp một mùi hương vô tình dẫn lộ…

Tới giờ, tôi vẫn không quên (dù không muốn nhớ) một ngày trước Giáng Sinh tháng 12, 1975, buổi chiều, đi làm về, bỏ hộp đựng thức ăn trưa lên quầy bếp, tôi thấy lá thư mang dấu bưu điện, một thành phố ở ngoại ô Paris. Mở ra, bên trong là lá thư tôi chờ đợi mỏi mòn, tuyệt vọng từ hơn nửa năm trước! Ngồi xuống sofa, những dòng quen thuộc, nhưng xiêu vẹo của chị T. tôi, khiến tôi không nén được xúc động.

Mở đầu, chị tôi cho biết, đã nhận được tin tức của tôi, qua một lá thư tôi gửi cho chị N., ở Pháp, nhờ chuyển về Saigon cho mẹ tôi. Ðó là lá thư đầu tiên của tôi, tới tay mẹ tôi, ở Saigon, sau hàng chục lá thư do Hội Hồng Thập Tự cung cấp miễn phí cho người tỵ nạn ở Camp Pendleton. Không hồi âm!!!

Chị tôi nói, lá thư ấy, như một thứ thuốc hồi sinh cực mạnh, giúp mẹ tôi tiếp tục sống được; sau một loạt tin đồn, cho rằng, tôi đã bị bắn chết ở chân cầu xa lộ Ðại Hàn. Có người cúi xuống, lấy chiếc ví đựng giấy tờ tùy thân của tôi; nhưng không biết ai là thân nhân, để trao lại!

Những dòng chữ nhỏ li ti, xiêu vẹo của chị T., như những con sóng dữ nhận chìm tôi cánh bèo tội nghiệp. Biết mình chẳng thể cản ngăn, tôi để mặc xúc động tìm lối đi của nó…

Cũng vậy, Tết Nguyên Ðán Bính Thìn, ngày 11 tháng 2 năm 1976, là cái Tết đầu tiên của tôi, ở xứ người. Nó không mang lại cho tôi những giây phút nghẹn ngào như đứa trẻ con bị hắt hủi. Nhưng nó vẫn là vết chém để lại trong tôi, vết sẹo con lươn nổi cộm trên da thâm, sau bốn mươi năm, lưu lạc.

Thời gian đó, gia đình anh Q. tôi được bảo trợ về thành phố Pomona, sau khi tôi được gia đình sponsor, đón về Costa Mesa. Ngôi nhà gần trường OCC.

Khoảng cách giữa Costa Mesa và Pomona không xa lắm. Hiềm nỗi, khi ấy, với tôi, đó là cả một đoạn đường đầy rẫy bất trắc…

Nhớ lại, sau khi ra trại được hơn hai tháng, tôi xin ông bà bảo trợ cho tôi “ra riêng.” Công việc thứ hai của tôi là công nhân dây chuyền trong phòng Lab của hãng Rockwell International, ở Newport Beach. Trước đấy, tôi nhận việc ở một xưởng mộc, Santa Ana, với lương căn bản 2 đồng 10 xu/một giờ. Ðứng đủ 8 tiếng mỗi ngày, qua tới tuần thứ hai, tôi xỉu tại chỗ… Có được công việc thứ hai, lương gấp đôi, tôi thuê một căn apartment loại duplex, trên đường Harbor, cũng gần trường OCC. Ðể giữ việc và, giảm bớt những ngày mùa Thu lạnh lẽo, co ro nơi mấy trạm xe buýt, tôi mua trả góp một chiếc Volkswagen số tay, cũ. Rẻ. Giống như chiếc Volkswagen tôi có, ở Saigon.

Từ ngày có xe, tôi nhớ chỉ đi thăm gia đình anh chị tôi ở Pomona, đâu dăm ba lần. Ðoạn đường tuy không dài lắm, nhưng mỗi lần chạy xe trên xa lộ 57, với tôi là cả một quãng dài căng thẳng, hồi hộp.

Cầu khấn trong năm mới. (Hình: Getty Images)
Cầu khấn trong năm mới. (Hình: Getty Images)

Có dễ vì thế mà buổi chiều mồng Một Tết, rơi vào ngày thường, khi thấy tôi xuất hiện, anh chị và các cháu tôi, không khỏi bất ngờ.

Leo tới gần đầu cầu thang của căn apartment hai phòng ngủ, tầng thứ hai, chỗ ở của 6 người gồm cả lớn bé, tôi đã ngửi thấy mùi nhang quen thuộc. Một thứ mùi gợi lên sự ấm áp của gia đình Việt Nam, những ngày giỗ chạp, Tết nhất. Tôi tự hỏi, ở đâu ra mà chị tôi có thể có những thẻ nhang đó? Mùi thơm làm tôi khựng lại. Tôi hít đầy lồng ngực mùi hương, những tưởng sẽ chẳng bao giờ còn có thể được thở!…

Bước vào, hình ảnh đầu tiên nhói mắt tôi, là chiếc bàn ăn cũ, phủ khăn trắng. Trên bày một bát ăn cơm, đổ đầy gạo làm bình nhang. Mấy cây nhang cháy dở. Tàn tro rớt trên ba tách trà. Vài chén chè. Con gà luộc ốm nhom, chúi đầu trên chiếc đĩa bày một tệp giấy bản màu vàng sốt rét; in chữ Tàu đỏ.

Chúng đợi tiễn chân ông bà theo tục lệ gọi là hóa vàng, sau mấy ngày Tết? Gần đấy, hai cây nến đỏ, cắm tạm trong hai chiếc đĩa nhựa màu, những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến. Như những giọt lệ chờ góp nốt phần da, thịt cuối cùng, cho ngọn lửa.

Tôi thấy đủ các cháu tôi. (Trừ Trâm đã được bà bảo trợ cha mẹ nuôi lo cho nhập trường Berkeley. Ánh được gửi đi trước 30 tháng 4, trôi dạt đâu đó ở Canada).

Ở một góc phòng, Huân, Hoàng Anh, đang mở cuốn tự điển Anh-Việt bỏ túi, làm bài. Góc đối diện là Yến, Trinh chăm chú theo dõi một chương trình gì đó nơi chiếc TV to đùng, đặt trên chiếc bàn gỗ. Anh Q. tôi cũng đang theo dõi TV, từ một chiếc ghế sắt có tựa, kê gần bàn… thờ. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy Luân, được ông bà bảo trợ giầu có ở Hollywood chở Luân về thăm gia đình.

Không biết vì đâu, mùi nhang thoảng, không tan, tuồng bị cột, níu bởi một quá khứ mơ hồ nào đấy, làm tôi nao lòng. Tôi bất ngờ gặp lại tôi đâu đó, giữa quê nhà (?). Qua tấm kính lớn cửa sổ, tôi thấy những ngọn núi lầm lì vây quanh. Những ngọn núi xa, cao hơn, được tuyết rải một lớp muối trắng, xốp. Dưới thấp, dăm cây sồi còn giữ lại được vài chiếc lá, héo. Khi gió thổi tới, những chiếc lá lạc loài, lung linh tiếng thở dài, tựa bài hát không lời, nhấn nhá nỗi buồn, chỉ nó biết!

Tôi chào anh Q. Anh tôi vui hẳn; chỉ chiếc ghế con gần đó, bảo ngồi xuống. Tôi “Dạ. Vâng” rồi đi thẳng vào bếp, ôm vai chị Q. Chị đang nấu một nồi canh (?). Nhiều bóng? Su hào? Tôm khô? Cà rốt xắt nhỏ?

Vẫn nụ cười buồn nhiều hơn vui, từ mấy chục năm trước, chị nói, chị không nghĩ hôm nay, tôi về được. Tôi nói, tôi xin nghỉ nửa ngày vì thế mà về trễ. Tôi hỏi chị kiếm đâu ra mấy thứ “xa xỉ” bày trên bàn… thờ? Chị bảo, cả tháng trước, chị đã phải nhờ người kiếm ở chợ Tàu. “Nếu không thì cũng chịu chết thôi!” Và chị nhắc nhở:

“Em xem có việc gì ở vùng em ở, xin cho chị làm. Bất cứ việc gì. Chị sẽ về Costa Mesa ở với em.”

Chị coi như tôi có khả năng giúp chị thực hiện cái mơ ước đau đáu ấy!?! Tuy nhiên, tôi vẫn “Dạ. Vâng” dù không một ý niệm trong đầu.

Trở ra, tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh anh tôi. Huân ra khỏi bài tập của mình, kể tôi nghe chuyện bán kem cuối tuần cho một tiệm kem ở downtown Pomona và, những đồng tiền típ… Luân hồn nhiên hơn, liến thoắng kể những mẩu chuyện liên quan tới ông bà bảo trợ. Cu cậu có vẽ hãnh diện khi biết người bảo trợ của mình là một tài tử từng đóng nhiều vai phụ, cho một số phim ở Hollywood. Tôi hỏi thăm anh tôi về việc làm ở một chi nhánh Bank of America, Los Angeles…

Không ai nói hoặc nhắc lại những cái Tết ở Saigon, trước tháng 4, 1975. Cũng không ai nhắc tới mẹ tôi, chị T., và anh Du tôi (đã đi tù cải tạo).

Hóa vàng. (Hình: Getty Images)
Hóa vàng. (Hình: Getty Images)

Tôi không biết có phải vì bản năng sinh tồn, buộc mọi người phải quên đi? Hay đời sống mới đã lạnh lùng chặt đứt mọi rễ cây quá khứ? Như thể đó là những thứ gì từng được coi là tốt, đẹp, nay, bỗng trở thành hầm mộ tối tăm, phải lấp, bỏ? (Dù giữa phòng vẫn là… bát ăn cơm, đổ đầy gạo làm bình nhang. Mấy cây nhang đang cháy dở. Con gà luộc ốm nhom, chúi đầu trên chiếc đĩa sành. Tệp giấy bản màu vàng sốt rét, in chữ Tàu, đợi tiễn chân ông bà… Và, hai cây nến đỏ, với những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến. Như những giọt lệ chờ góp nốt phần thịt, da cuối cùng cho ngọn lửa…).

***

Khi dãy đèn thưa thớt chỉ đủ sức hắt những bóng cây cypress tù mù, xuống mấy con đường Pomona rộng thênh, tôi mới bắt đầu lái xe về lại Costa Mesa. Huân, Yến, Hoàng Anh muốn tôi ở lại. Chị Q. nói chiều mồng ba Tết, cố về. Ðó là ngày giỗ anh Uyển tôi, người bị máy bay Pháp bắn chết ở Nho Quan, Ninh Bình, năm 1951. Và cũng là ngày “hóa vàng,” đưa ông bà về trời.

Tôi lại “Dạ. Vâng”; dù không nghĩ có thể trở lại.

***

Dò dẫm trên đường về, chiếc xe cũ của tôi lẻ loi bám sát vách đá, dưới chân những ngọn núi được tuyết rải một lớp muối trắng, xốp. Gió lay động rừng sồi dưới thấp, sót lại vài chiếc lá héo, nấn ná chưa rụng; lung linh tiếng thở dài, như bài hát không lời, chia buồn năm mới của tôi (?). Lẫn trong tiếng thở dài, tôi nghe được mùi nhang không tan, đâu đó. Tựa chúng bị cột, níu bởi một quá khứ hào hển mơ hồ nào đấy! Hình ảnh mẹ tôi, chị T. và, anh Dư tôi, cũng như vài chiếc lá héo, nấn ná chưa rụng. Âm bản câm. Lặng lẽ hiện rõ trong tôi.

Trong một giây vô thức, tôi buột miệng: “Con đây! Mẹ ơi!”

Gió buốt thổi vào lòng xe, qua những ke hở, cùng tiếng sóng xa lộ rì rầm, thay mẹ tôi, dội lại.

Gần khuya, về tới nhà, tôi còn tự hỏi, liệu đời sống tôi có giống “…những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến, như những giọt lệ chờ góp nốt phần thịt, da cuối cùng cho ngọn lửa?” Khi ngày Tết sẽ rất sớm, qua đi. Và, những chiếc lá héo, sót lại trong rừng sồi, dù nấn ná cách mấy, rồi cũng phải rụng!

Nhưng, ai sẽ rụng trước?

Tôi cầu xin hãy là tôi. Trước nhất.

MỚI CẬP NHẬT