Wednesday, April 24, 2024

Chính Trump hại Trump

Nguyễn Văn Khanh

“Kết quả trận đấu chính trị ở Las Vegas thiệt quá bất ngờ,” ông Việt Trần, một cử tri ủng hộ ông Donald Trump, nói qua điện thoại sau khi cuộc tranh luận thứ ba giữa ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ mới kết thúc. Bất ngờ ở chỗ “30 phút đầu tiên ông Trump liên tục tung những cú đấm ngàn cân để dồn đối thủ vào một góc, sau đó ông móc súng, nạp đạn, rồi tự bắn vào đùi mình.” “Thiệt tình,” ông Việt nói tiếp, “tôi chưa hề thấy chuyện kỳ cục như vậy bao giờ. Thấy thắng chắc, đâu ngờ lại thua ngược.”

Ông Việt Trần, cư ngụ tại North Carolina, không phải là người duy nhất đưa ra nhận xét đó. Ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, nhiều bình luận gia chính trị nổi tiếng của nước Mỹ cũng lên tiếng cho rằng ông Trump của đảng Cộng Hòa đã “bỏ lỡ cơ hội bằng vàng” để chiếm ghế tổng thống. Nhà bỉnh bút Theodore Johnson của tờ The Atlantic viết rằng ông Trump khởi đầu tranh luận thật tốt, nhưng sau đó lại đi vào vết xe đổ cũ “khi ông đưa ra điều không ai có thể tin được là cuộc bầu cử năm nay có gian lận, do đó, chưa chắc ông đã chấp nhận kết quả.”

Chuyên gia Kori Schake của viện nghiên cứu Hoover Institution viết rằng có lẽ “cuộc tranh cử đã kết thúc,” giải thích thay vì phải tìm cách thu hút lá phiếu của cử tri độc lập và những người chưa quyết định ủng hộ Dân Chủ hay Cộng Hòa, ông Trump “lại nói không công nhận kết quả cuộc bầu cử và gọi bà Clinton là người đàn bà đáng kinh tởm (such a nasty woman).” Cũng với suy nghĩ đó, chiến lược gia Doughlas Schoen viết rằng ông “thấy rõ cuộc tranh cử đã kết thúc vào tối Thứ Tư,” ngay sau khi cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton kết thúc, nói thêm “(những lỗi lầm của ông Trump) giúp bà Clinton chỉ cần thủ huề đã đủ thắng, và bà đã làm được điều đó.”

Với một số người khác, “mong đợi thì quá nhiều, kết quả chẳng được bao nhiêu,” như bà Martha Murphy, một nhà quan sát độc lập viết trên trang mạng xã hội. Cuộc tranh luận ở Las Vegas “chỉ cho thấy sự cách biệt giữa hai người ra tranh cử, chứ không thấy được kế hoạch, chính sách mà họ sẽ thực hiện để giải quyết những điều cần phải giải quyết cho quốc gia.”

Theo nhận xét của anh Danny Nguyễn, một cư dân ở Dallas, Texas, từ câu hỏi đầu tiên về vai trò của Tối Cao Pháp Viện và vị thẩm phán mà ông Trump hay bà Clinton sẽ đề cử, tới vấn đề phá thai, giải quyết thế nào về số 11 triệu người đang cư trú bất hợp pháp trên đất Mỹ, ngay cả những vấn đề liên quan tới lãnh vực, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng,… hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa “đứng ở hai góc khác nhau, suy nghĩ khác nhau, dường như họ chỉ muốn cho cử tri biết là họ nghĩ khác đối thủ chứ không cho biết tại sao họ lại suy nghĩ như thế.”

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton tranh luận lần cuối tại Las Vegas. (Hình: Mark Ralston/AFP/Getty Images)
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton tranh luận lần cuối tại Las Vegas. (Hình: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

“Những gì ông Trump hay bà Clinton nói tối nay đều là những điều họ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần với cử tri, không đưa ra được điểm gì mới,” anh Danny nói với giọng không được vui. “Tôi thấy họ vẫn tìm đủ mọi cách để tấn công cá nhân chứ không đi vào chính sách,” đặc biệt “có những câu hỏi cả ông Trump lẫn bà Clinton đều tìm cách trả lời quanh co, tệ nhất là họ không bắt tay nhau lúc mới bước vào cuộc tranh luận, cũng chẳng thèm bắt tay hay chào nhau lúc cuộc tranh luận kết thúc.”

Hình ảnh “kém văn minh đó,” anh Danny nói tiếp “chứng tỏ họ ghét nhau như chó với mèo” nhưng “sẽ được cả thế giới chú ý tới, nói tới, dùng đó để đánh giá tư cách vị tổng thống tương lai của nước Mỹ,” trước khi kết luận “tôi không cần biết ai thắng, ai thua ở cuộc tranh luận này, chỉ biết cử tri sẽ tiếp tục phân vân vì chỉ còn ba tuần lễ nữa là đến ngày bầu cử mà họ vẫn chưa biết nên chọn ai, nên dồn phiếu cho đại diện đảng Dân Chủ hay bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa.”

Với chiến lược gia Dân Chủ Stephen McCullough, người thành công sau cuộc tranh luận lần này chính là bà Clinton, nhờ “trình bày có bài bản, có kinh nghiệm để chống đỡ tất cả những lần bị ông Trump tấn công.” Ông McCullough nói rằng điểm son của bà cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ “là trình bày rành mạch những điều bà hiểu biết, đặc biệt giải thích cho cử tri thấy những điều Hoa Kỳ phải làm để tạo liên minh chống khủng bố ISIS, cho dù bà Clinton thiếu sót ở điểm không đưa ra lời cam kết chắc chắn sẽ diệt ISIS ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên.” Dù vậy, ông vẫn tin nhờ cuộc tranh luận này “tỉ lệ phiếu cử tri ủng hộ bà Clinton sẽ tăng cao hơn” nhờ lời hứa sẽ không tăng thêm nợ nần, bảo đảm quỹ an sinh xã hội có đủ tiền để cấp cho người về hưu, hứa tìm giải pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng sinh viên mắc nợ quá nhiều vì học phí và chí phí quá cao.”

Chưa thể biết số phiếu ủng hộ bà Clinton có tăng hay không, nhưng theo giải thích của ông John Lehman, hồi năm 2012 từng đứng trong ban cố vấn chính trị cho ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney, “phải ngợi khen lần này ông Trump điềm tĩnh hơn, ăn nói chững chạc hơn, biết tấn công đối thủ hơn,” nhưng cuối cùng “Trump lại hoàn Trump,” phạm hai lỗi lầm tai hại. “Lỗi thứ nhất là ông Trump công khai mắng bà Clinton là người đàn bà kinh tởm, lỗi thứ nhì là nếu thất cử, ông không hứa sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử.”

Ở lỗi thứ nhất, ông Lehman nhấn mạnh “ai cũng biết phiếu của tập thể nữ cử tri rất quan trọng, lời lẽ mang tính miệt thị ông Trump đưa ra trong cuộc tranh luận ít nhiều, cho cử tri thấy ông không tôn trọng nữ giới như ông thường nói,” e ngại “sẽ gây ảnh hưởng đầy bất lợi cho ông Trump khi vận động kiếm phiếu của nữ giới.” (Theo Pew Research, hồi năm 2008, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain được 51% phụ nữ có gia đình bỏ phiếu ủng hộ, năm 2012 số phiếu tập thể này dành cho ông Mitt Romney tăng lên thành 53%, nhưng cả ông McCain và Rommney đều thất cử. Hiện giờ, các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ phiếu nữ cử tri nói sẽ ủng hộ Trump chỉ ở mức 30%).

Lỗi thứ nhì, “ông Trump khiến mọi người phải giật mình, vì chỉ ở những quốc gia chậm tiến, không dân chủ, người thua mới lấy cớ bầu cử gian lận để kiện tụng, không công nhận kết quả, còn ở một nước như Hoa Kỳ không ai chấp nhận điều đó.” Ông Lehman cũng nhắc lại ở cuộc tranh luận trước đây, “ông Trump còn bảo nếu làm tổng thống thì sẽ nhốt bà Clinton vào tù” gọi đó “là lời đe dọa của những chính trị gia ở các nước chậm tiến, không văn minh, chứ không phải ở Mỹ.”

Những điều nêu trên “chính là những lý do tại sao thành phần cử tri độc lập không muốn đi bỏ phiếu,” theo lời cô sinh viên Nicole Fallon ở tiểu bang Virginia. Cô nhắc lại năm nay sẽ không đi bầu vì “cả ông Trump lẫn bà Clinton đều không xứng đáng,” đồng thời “khi đi bầu, người ta bỏ phiếu chọn người tài ba hơn, lần này đi bầu chỉ để chọn người ít tệ hơn thì đi làm gì.” Hồi đầu tuần, cô Nicole cũng bảo không xem các cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton vì “I don’t like jockers, không thích xem đám làm hề, mất thì giờ vô ích.” Một ngày sau khi cuộc tranh luận kết thúc, cô lắc đầu thắc mắc “không hiểu tại sao lại có tới hơn 66 triệu người xem cuộc tranh luận” mà cô gọi là “chẳng có gì đáng để quan tâm.”

Nhưng với ông Việt Trần, chuyện ông Trump “tự rút súng bắn vào đùi mình” chẳng ảnh hưởng gì tới “lá phiếu tôi đã quyết định bỏ cho ông Trump ngay từ ngày ông ta mới tranh cử.” Ông Việt nói chắc như định đóng cột: “Nước Mỹ cần một tiếng nói mới, một chính sách mới, như ông Trump vừa nói khi kết thúc cuộc tranh luận là Hoa Kỳ xuống dốc sau tám năm ông Obama lãnh dạo, tại sao lại tiếp tục trao quyền hành cho Obama thứ hai là bà Clinton, một chính trị gia bị cả nước Mỹ chê bai là người gian xảo, thiếu thành thật?”

MỚI CẬP NHẬT