Cảm nghĩ về cuộc tấn công khủng bố tại Luân Ðôn

Lê Mạnh Hùng

Cuộc tấn công khủng bố tại Luân Ðôn tuần qua gợi cho người ta nhiều tình cảm phức tạp. Nhưng sau những sự kiện hãi hùng kéo người ta ra khỏi những động thái thường ngày, ta lại thấy hầu như mọi người đều quay trở lại cái tình trạng cũ.

Nó thể hiện qua những lá cờ Union Jack trên các môi trường truyền thông xã hội tưởng như là làm vậy sẽ giúp thay vì nhắc lại cho ta thấy rằng ta cũng vừa được đưa vào tham gia câu lạc bộ các nạn nhân của khủng bố quốc tế. Nó là một “diễn hành” của những người gọi là “chuyên gia” về an ninh nhắc lại những gì họ đã khuyên chúng ta nhiều lần trước đó. Nó là những lời nói tầm thường nhàm chán đến không thể nhàm chán hơn được của những nhà chính trị tìm cách củng cố thêm những quyết tâm của chúng ta. Ðặc biệt nó là những phản ứng bẩn thỉu có thể đoán trước được của những kẻ hoạt đầu mị dân, vội vã tuyên bố rằng cuộc tấn công này chứng tỏ luận điểm của họ ngay cả trước khi họ biết đến nhưng chuyện xảy ra cơ bản nhất. Những ông Donald Trump Jr, Nigel Farage, Arron Banks và một loạt những con người muốn làm tiên tri để chứng tỏ là những gì họ nói là đúng và chúng ta phải tham gia cuộc thánh chiến chống lại Hồi Giáo vì Hồi Giáo là cực kỳ độc địa.

Nhưng ngay cả khi một nhà chính trị nói lên được một cái gì đúng và làm người ta cảm động, thì những lời nói đó cũng lại mau chóng bị làm loãng đi bởi sự nhắc đi nhắc lại. Ðã có một lúc như vậy vào đêm Thứ Tư khi bà Thủ Tướng Theresa May nói lên phản ứng của bà, một trong những lới nói đó đã làm tôi cảm động khi bà ca ngợi cảnh sát là những người “trong lúc chạy đến đối đầu với nguy hiểm thì cũng khuyến khích những người khác hãy tránh ra.” Thế nhưng sáng hôm sau, khi mà ông bộ trưởng Quốc Phòng của bà nhắc lại câu đó, nó đã trở thành một “cliché” – những lời nói được đưa ra chỉ để nói mà không có một tình cảm nào đằng sau đó. Tôi không muốn nói là ông ta không tin vào cảnh sát, nhưng một câu nói chỉ có thể truyền cảm khi người ta bỏ thời giờ suy nghĩ và nói lên cái gì thật sự làm mình xúc động.

Và sau đó trong suốt ngày Thứ Năm các nhà chính trị đều nhắc lại câu này như là một lời cầu nguyện mỗi khi mà các đài truyền hình mời họ nói: “Những kẻ khủng bố sẽ không thể nào thắng; lối sống của chúng ta cuối cùng sẽ thắng lợi.” Cố nhiên là chúng ta không muốn họ nói gì khác. Người ta muốn nghe những lời trấn an đó – và hầu hết chúng ta đều tin vào nó (tuy rằng gia đình các nạn nhân có thể không tin rằng đám khủng bố đã thua).

Sau cùng bao giờ cũng có một cuộc truy lùng những gì thiếu sót, những sai lầm để đổ lỗi. Người ta muốn quy trách nhiệm cho các cơ quan an ninh là đã bằng cách này hay cách khác làm chúng ta thất vọng vì nếu không nó khuyến dụ rằng chúng ta không có khả năng ngăn chặn mọi sự khủng bố xảy ra dù rằng sự khủng bố này không đòi hỏi bao nhiêu ngoài việc một người đàn ông với một con dao lái xe trong thành phố Luân Ðôn.

Một điều mỉa mai không nhỏ là chỉ trước cuộc khủng bố chẳng bao lâu, các dân biểu trong Quốc Hội đang làm lễ tưởng niệm ông Martin McGuinness, một trong những tên khủng bố tàn bạo nhất trong lịch sử nước Anh. Jeremy Corbin, lãnh tụ đảng Lao Ðộng đối lập còn đi xa hơn nữa gọi ông ta là “ông bạn Martin.” Sau một thời gian đầu trong cuộc đời hoạt động khủng bố. McGuinness cuối cùng làm phó thủ hiến bang Bắc Ireland và còn được người ta so sánh với Nelson Mandela (tuy rằng người ta quên mất là trái với Nam Phi, Bắc Ireland có dân chủ và không cần phải khủng bố).

Ông McGuinness được ca tụng là nhờ phần thứ hai của cuộc đời, khi ông chính thức rời khỏi toán khủng bố Derry Brigade vốn là toán đã phát mình ra chiến thuật “bom người” trong đó chúng giữ gia đình một người làm con tin cho đến khi người này phải tự sát bằng việc lái một xe tải chở đầy thuốc nổ xông vào một trạm kiểm soát của quân đội Anh. Nhưng sau khi thất bại trong việc dùng khủng bố, McGuinness đã đóng một vai trò then chốt trong việc dẫn tổ chức Ðạo Quân Cộng Hòa Ireland (IRA) đến bàn đàm phán. Nếu ta cân số lời ca tụng với sinh mạng hàng ngàn người mà có thể bị chết nếu không có hòa giải thì một vài lời ca tụng là một cái giá nhỏ đáng được trả. Nhưng McGuinnes sẽ không có mặt ở bàn đàm phán nếu ông không là một tên khủng bố! Như vậy phải chăng khủng bố không bao giờ chiến thắng?

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 29 tháng 3 năm 2017

Vậy thì có gì để nói tới trong buổi chiều khủng khiếp này? Trong một ngày như cái ngày Thứ Tư đó, chính những cái bất ngờ là những cái làm cho ta nghẹn ngào và cắt xuyên qua cái cảm giác tê liệt; nó là hình ảnh những người thoát nạn trên cầu Westminster nhưng đã ở lại trên cầu để giúp và an ủi các nạn nhân trong lúc đáng lẽ họ phải chạy cho xa khỏi cái cảnh tàn sát này; hình ảnh các bác sĩ và y tá từ nhà thương St. Thomas gần đó chạy vội vã lên cầu hay bộ mặt đẫm máu của Dân Biểu Tobias Ellwood, một cựu chiến binh và thứ trưởng trong chính phủ vốn đã chạy ra ngoài sân Quốc Hội tìm cách cứu chữa người cảnh sát bị hung thủ đâm ngã gục trong lúc tất cả các đồng liêu của ông theo lời khuyên đi tìm chốn an toàn. Tôi không biết ông ta có phải là một vị thứ trưởng tài giỏi hay không, nhưng ông đã chứng tỏ là một người can đảm và thương người. Ông đã làm một cái gì bất ngờ và tốt một cách bất ngờ. Chính những hành động cảm thương và anh hùng như vậy cũng như là hằng hà sa số những hành động chứng tỏ tình người đã là cái gây cho ta nhiều ấn tượng nhất. Những hành động này phần lớn là bị bác bỏ như là “không có gì đặc biệt” và không mấy khi được nhắc nhở đến chính là những cái đáng nói và đáng nhớ.