Chuyện lạ Âu Châu

Lê Phan

Xin nói trước, tôi là một người nhiệt thành ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu. Là công dân Anh, tôi đã bỏ phiếu ở lại Âu Châu trong kỳ trưng cầu dân ý năm ngoái. Hơn thế, tôi tự hào mình cũng là công dân của Liên Hiệp Âu Châu, một trong những sáng kiến tốt đẹp nhất của nhân loại trong giai đoạn hậu bán thế kỷ thứ 20. Nhưng cũng phải xin thêm, Liên Hiệp Âu Châu có những điều thật khó hiểu ngay cả cho một công dân trung thành.

Một trong những chuyện lạ đó là việc Liên Hiệp đang “vui vẻ” tài trợ cho chính những kẻ ngày ngày tuyên bố phải dẹp Liên Hiệp.

Bà Marine Le Pen, lãnh tụ cực hữu đang muốn trở thành tổng thống Pháp, thực ra đã có công việc làm dân biểu cho Quốc Hội Âu Châu, một vị thế mà bà khinh bỉ và thường tỏ rõ thái độ. Bà không đi họp, không đi bỏ phiếu, chọc quê tiến trình hoạt động của Quốc hội và rõ ràng hoan hô sự sụp đổ của Liên Hiệp Âu Châu.

Ấy vậy mà bà Le Pen vẫn “vui vẻ” nhận cái lương rất “sộp” 101,808 euro (khoảng $110,000) một năm, một phụ phí hàng ngày thật rộng rãi để bà đi họp và một văn phòng với ngân sách trên 340,000 euro. Hôm Tháng Hai, Quốc Hội Âu Châu giảm một nửa trợ cấp văn phòng cho bà sau khi một cuộc điều tra về gian lận kết luận là bà đã chuyển tiền của Liên Hiệp sang chi cho các hoạt động của đảng Front National của bà ở Pháp.

Vụ scandal này, mà có vẻ những người ủng hộ bà bất chấp, là một trong những thí dụ về việc Âu Châu “tài trợ” cho các đảng cực hữu vốn thúc đẩy ngọn lửa mỵ dân bằng cách tấn công vào Liên Hiệp Âu Châu, nhưng vẫn vui vẻ đút túi đồng lương và các bổng lộc khác. Đối với một chính trị gia cực hữu, Quốc Hội Âu Châu có nghĩa là một chỗ làm lương hướng rộng rãi, bổng lộc nhiều, được dễ dàng tiếp cận với truyền thông và được quyền miễn tố cho các cáo trạng hình sự ở nước mình.

Dân biểu Franck Proust, lãnh tụ khối trung hữu Cộng Hòa trong Quốc Hội Âu Châu than thở “Chúng ta ở trong một tình trạng phân liệt. Âu Châu đáng lẽ không nên tài trợ cho những người trải suốt thời giờ tìm cách phá hủy nguồn tài trợ của họ.”

Trong nhiều thập niên nay, những đảng cực hữu như đảng Front National của bà Le Pen đã đạt được một thứ chính đáng kỳ lạ qua việc được bầu vào Quốc Hội Âu Châu. Nực cười hơn nữa là những người này đổ lỗi cho các định chế Âu Châu là hành chánh cồng kềnh, không có sự kiểm soát dân chủ trong khi họ được hưởng chức vụ và quyền lợi mà không chịu thi hành những nghĩa vụ hàng ngày của một Quốc Hội, làm luật và kiểm soát bên hành pháp.

Thắng cử vào Quốc Hội Âu Châu thường dễ dàng hơn là thắng cử trong nước, bởi số người đi bầu thường rất ít, gia tăng cơ hội cho những ứng viên có tổ chức thuộc phe đối lập chống chính phủ. Đảng Front National, với hơn 20 dân biểu Âu Châu, kể cả bà Le Pen và ông bố của bà, Jean-Marie Le Pen, là khối lớn nhất trong số các dân biểu Pháp ở Quốc Hội Âu Châu, mặc dầu họ chỉ có hai ghế ở Quốc Hội Pháp.

Năm 2014, khi khủng hoảng kinh tế ở Âu Châu lên đến tột đỉnh, các đảng chống Âu Châu bên lề đã có thắng lợi lớn nhất trong các cuộc bầu cử Âu Châu, và nay thì các vị dân cử cực hữu chiếm đến khoảng 10% trong số 751 ghế ở Quốc Hội Âu Châu. Cũng như đảng của bà Le Pen, đảng UK Independent Party (UKIP), cũng có 20 ghế ở Quốc Hội Âu Châu, kể cả cựu chủ tịch đảng Nigel Farage, trong khi không có ghế nào trong Quốc Hội Anh.

Các định chế của Liên Hiệp ở Brussels thường xuyên bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm dân cử. Quốc Hội Âu Châu, do dân trực tiếp bầu lên, đáng lẽ là để giải trừ những chỉ trích đó. Nhưng các vị dân cử chống Âu Châu thay vì vậy sử dụng Quốc Hội, được đặt ở Strasbourg, Pháp, để tấn công Liên Hiệp Âu Châu.

Tiến Sĩ Thilo Janssen, một nhà chính trị học vốn đã nghiên cứu phong trào cực hữu và cố vấn cho một dân biểu cánh tả ở Quốc Hội giải thích là tổng số lương bổng và các phụ phí khác cho các dân biểu bài Âu Châu và nhân viên của họ tiêu tốn mất $55 triệu của Liên Hiệp mỗi năm.

Còn mỉa mai hơn là Quốc Hội cung cấp một diễn đàn cho các vị dân cử này để kết hợp và điều phối những cố gắng chống Âu Châu – trong khi được chính Âu Châu trả tiền. Họ đã thành lập những nhóm chính trị, vốn là đơn vị tổ chức chính của Quốc Hội, cho phép họ được hưởng thêm một loạt các đặc quyền khác nữa.

Bà Le Pen chẳng hạn, là đồng chủ tịch của Khối Europe of Nations and Freedom, thành lập năm 2015 cùng với ông Marcel de Graaff, một chính trị gia cực hữu của Hòa Lan. Năm đầu tiên khối đòi Liên hiệp trả 1.6 triệu euro cho nhân viên và các hoạt động của họ.

Ông de Graaff là một đồng minh hung hăng của lãnh tụ cực hữu Geert Wilders của phe cực hữu Hòa Lan. Ông đã có lần tuyên bố là những di dân bất hợp pháp đã thực hiện “hiếp dâm tập thể” và khuyến cáo là “chúng ta phải ngưng cuộc xâm lăng của Hồi Giáo vào Âu Châu.” Trong một bài diễn văn gần đây ở Quốc Hội, ông khẳng định “Ngày càng có nhiều người thấy rõ cái dối trá của giới cầm quyền EU và tham gia những người yêu nước. Ngày tàn của EU đã gần kề.”

Cách đây hai năm, khi bà Le Pen vắng mặt cho một cuộc bỏ phiếu, ông de Graaf bỏ phiếu thay. Bà ta sau đó khen “tinh thần hiệp sĩ” của ông. Các vị dân cử khác không đồng ý, ông bị phạt vạ 1,530 euro. Ông Manfred Weber, một thành viên của đảng bảo thủ Đức trong Quốc hộ Âu Châu bực tức nói “Một sự xấc xược chưa từng thấy.”

Nhưng ông de Graff và các người khác đã phớt lờ đi những chỉ trích. Ông Farage, vốn đã đóng góp nhiều trong chiến dịch Brexit để Anh quốc rời Liên Hiệp Âu Châu, đã lôi cuốn được sự chú ý của truyền thông nhờ những lời tuyên bố nảy lửa, bài Âu Châu. Ông Farage cầm đầu một khối Bài Âu châu khác tên là Europe of Freedom and Direct Democracy, và khối này chia sẻ nhiều thành viên của một đảng tên là Alliance for Direct Democracy in Europe.

Hôm Tháng Mười Một, Quốc Hội ra lệnh cho đảng này phải hoàn trả 172,655 euro. Số tiền này đáng lẽ là để cho các vị dân cử vận động tranh cử trong các cuộc bầu cử ở Âu Châu và “đóng góp vào việc tạo ra một sự hiểu biết về Âu Châu.” Nhưng UKIP dùng tiền đó để tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit.

Cả ông de Graff lẫn bà Le Pen không trả lời cho yêu cầu bình luận của tờ New York Times. Nhưng một đồng minh của bà Le Pen, ông Jean-Luc Schaffhauser, vốn giúp Front National vay một ngân khoản từ một ngân hàng có liên hệ với Nga nhưng bản thân không phải là một đảng viên, nói ông tin là những nhà điều tra cố tình chỉ nhắm vào các đảng khuynh hữu.

Các vị dân cử khác bực tức trước những trò hề của phe cực hữu nhưng chả làm gì được cả.

Những nhân vật như bà Le Pen còn được một quyền quan trọng, quyền miễn tố. Tháng rồi, công tố viện Pháp đã thuyết phục được các vị dân cử Âu Châu đình chỉ quyền miễn tố của bà liên quan đến điều tra hình sự bà chia sẻ trên Twitter những hành động tàn bạo của Islamic State. Ở Pháp, phổ biến hình ảnh tàn bạo là một tội hình sự. Hôm thứ tư họ bắt đầu tiến trình khiến bà có thể mất quyền miễn tố liên quan đến việc lạm dụng ngân quỹ của Liên Hiệp để trả tiền cho nhân viên đảng của bà ở Pháp. Các vị dân cử cũng đang nghiên cứu một yêu cầu của Pháp hủy quyền miễn tố của bà trong một vụ liên quan đến mạ lỵ cựu thị trưởng thành phố Nice.

Mỉa mai thay hiện nay thì bà Le Pen tiếp tục được sự bảo vệ từ một định chế mà bà muốn lật đổ.