Obama hay Trump, ai cũng cần bảo hiểm

Ngô Nhân Dụng

Chính phủ Donald Trump chắc sẽ không đụng tới việc xóa bỏ Obamacare trong năm nay, có thể cả năm tới, sau khi thất bại với dự luật cải tổ y tế của Dân Biểu Paul Ryan. Ðây là lúc người dân Mỹ có thể bình tĩnh suy nghĩ về vấn đề bảo hiểm y tế mà không giữ tinh thần đảng phái nữa. Khi hệ thống bảo hiểm y tế gắn thêm nhãn hiệu Obama hay Trump, người ta dễ vì yêu người này, ghét người kia mà suy nghĩ thiên lệch.

Ðể bắt đầu, chúng ta nhắc lại một câu hỏi căn bản: “Tại sao chúng ta cần bảo hiểm?” như tựa đề một bài trong mục này tuần trước.

Người ta cần mua bảo hiểm vì những rủi ro không thể nào đoán trước được. Một hiện tượng tự nhiên là trong số những người mua bảo hiểm, thế nào cũng có cảnh người này “trợ cấp” người kia. Một người trả hàng ngàn Mỹ kim một năm mua bảo hiểm xe hơi, suốt mười năm có thể không được hãng bảo hiểm bồi thường một đồng nào cả. Tiền họ đóng góp được chia cho các người đã gặp tai nạn! Không ai oán hận, ganh tị khi nghĩ mình đã “trợ cấp” những người lái ẩu!

Theo nguyên tắc thị trường bảo hiểm, những người “rủi ro cao” thường phải trả giá đắt hơn. Vì thế, ai lái xe đã gặp nhiều tai nạn, dù mình không gây ra, phải đóng bảo hiểm cao hơn. Người già phải trả ít hơn người trẻ, vì họ thường lái xe thận trọng hơn.

Hệ thống An Sinh Xã Hội (Social Security) là một chương trình bảo hiểm lương bổng cho người già về hưu, không hoàn toàn theo nguyên tắc đó. Cả nước Mỹ ai đi làm đều phải đóng thứ bảo hiểm này, một “Thuế An Sinh Xã Hội” bắt buộc. Trong hệ thống An Sinh Xã Hội, người trẻ tuổi và lương cao phải “trợ cấp,” góp tiền cho quỹ bảo hiểm của chính phủ để trả tiền hàng tháng cho những người đã về hưu, lương thấp, hoặc bị thương tật. Người chết trước khi đến tuổi về hưu, không được lãnh đồng nào cả. Nhưng không ai đoán được số mạng 100%. Cuối cùng ai cũng chấp nhận đóng thứ “thuế” này vì khi sinh ra không ai biết chắc mình sẽ sống đến bao nhiêu tuổi. Hơn nữa, mọi người đồng ý rằng những ai già yếu, nghèo, hoặc không may mất sức làm việc, đáng được xã hội trợ giúp.

Ở nước Mỹ, gần một nửa dân số được chính phủ trợ cấp khi mua bảo hiểm y tế, dù họ không biết. Ðó là những người làm cho các xí nghiệp lớn, chủ nhân góp phần đóng bảo hiểm y tế cho họ – một hình thức trả thêm lương. Chính phủ bớt thuế cho chủ nhân trên những khoản đóng góp đó. Chính phủ bị mất một khoản thu quan trọng, nhưng vẫn có tiền chi tiêu vì mọi người đều đóng các thứ thuế khác. Có thể coi nhân viên các xí nghiệp đó “được tăng lương” mà không phải đóng thuế trên số lợi tức được hưởng thêm này. Ngược lại, những người làm cho các xí nghiệp nhỏ hay tự lập cũng cần mua bảo hiểm y tế; nhưng họ không được giảm bớt thuế một đồng nào cả. Có thể nói rằng loại người thứ hai này, một nửa dân số Mỹ không làm cho các xí nghiệp lớn, đã trợ cấp cho những người làm việc trong các công ty lớn!

Trước khi có luật y tế của cựu Tổng Thống Obama, thị trường bảo hiểm y tế cho những người thuộc loại thứ hai hoạt động giống như thị trường bảo hiểm xe hơi. Những người “rủi ro cao” sẽ phải trả giá đắt hơn, như người lớn tuổi, phụ nữ, và người đã có bệnh sẵn. Vì họ sẽ gây tốn kém cho công ty bảo hiểm. Loại người thứ nhất, nếu đang có bệnh mà mất việc, gia nhập thị trường của loại thứ hai, họ phải trả giá cao hơn những người chưa bị bệnh.

Nhưng khi mới ra đời, hay khi lớn lên bắt đầu kiếm việc, không ai biết chắc mình sẽ thuộc loại người thứ nhất hay thứ hai. Mà cũng không ai biết trước mình ở một trong loại đó bao lâu, bao giờ thì mất việc hoặc may mắn có việc làm cho một công ty lớn. Những người đang làm cho các công ty lớn có biết chắc mình sẽ giữ được việc làm suốt đời hay không? Họ vẫn sống với rủi ro mất việc, có bảo hiểm lương bổng nhưng không được thứ bảo hiểm y tế nào che chở mãi mãi.

Ðạo luật gọi là Obamacare tìm cách sửa chữa tình trạng trên, bằng cách đặt ra một số giới hạn trên hoạt động của các công ty bảo hiểm. Nhà bảo hiểm không được bắt người đang có bệnh trả tiền cao hơn những người chưa bệnh; không được tính giá cho phụ nữ cao hơn đàn ông; giá bảo hiểm cho người già không được cao hơn ba lần người trẻ, vân vân. Ngoài ra luật lệ bắt các công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm chữa trị tối thiểu mười khoản, như săn sóc các sản phụ, các hài nhi, trị bệnh tâm thần, vân vân.

Ðạo luật Obama khiến cho thị trường bảo hiểm y tế khác hẳn bảo hiểm xe hơi. Những người “rủi ro cao” vì đang có bệnh hay tuổi đã cao, cũng trả cùng một giá như người ít rủi ro! Phụ nữ, có ngày sẽ sanh đẻ, cũng được trả cùng một giá như đàn ông! Một thanh niên cũng trả giá như các ông bà lớn tuổi, vì công ty bảo hiểm không được tăng giá cao quá trên những người già yếu.

Nếu được tự do lựa chọn thì các bạn trẻ tin rằng mình rất khỏe mạnh sẽ không muốn tốn tiền mua bảo hiểm. Chỉ những người rủi ro cao mới mua. Khi đó, các hãng bảo hiểm sẽ phải tăng giá, giống như khi họ chỉ bán được bảo hiểm xe hơi cho những người “lái ẩu” và không may mắn! Với giá cả tăng lên, những người cần bảo hiểm nhất cũng khó đủ tiền mua! Nghĩa là, nếu các thanh niên rút lui thì cả thị trường bảo hiểm sẽ bế tắc không hoạt động được nữa. Cho nên đạo luật Obama buộc mọi người đều phải mua bảo hiểm; khiến cho nhiều người bất mãn, nghĩ rằng mình bị bóc lột, góp tiền trợ cấp cho những người già hoặc yếu hơn mình.

Mời độc giả xem phỏng vấn: Hạ Viện hoãn dự luật bảo hiểm y tế

Những người ủng hộ Obamacare muốn bảo hiểm y tế cũng tương tự An Sinh Xã Hội, mọi người đều đóng góp, người trẻ trợ cấp người già, người chết sớm trước tuổi về hưu đã góp tiền nuôi người sống lâu. Ðằng sau chủ trương đó là một quan niệm coi xã hội phải bảo đảm mọi người bị bệnh, bị thương đều được chăm sóc, người khỏe mạnh giúp người yếu đuối.

Những người chống đạo luật y tế Obama phản đối đường lối bắt buộc này, và phản đối tình trạng chính phủ trợ cấp cho những người nghèo để họ có thể mua bảo hiểm y tế. Họ muốn thị trường bảo hiểm y tế giống như bảo hiểm xe hơi, ai nhiều rủi ro thì phải trả giá cao hơn.

Họ nhấn mạnh rằng những giới hạn, ràng buộc áp đặt trên các công ty bảo hiểm là đi ngược với nguyên tắc kinh tế tự do, thuận mua vừa bán. Ðối với họ, đặt ra những điều cấm đoán công ty bảo hiểm hay bắt buộc ai cũng phải mua bảo hiểm là vi phạm quyền lựa chọn tự do của người bán cũng như người mua, hậu quả là thị trường bị lệch lạc.

Hai quan niệm trên sẽ còn tiếp tục đối chọi nhau trong những cuộc thảo luận về bảo hiểm y tế trong nhiều năm sắp tới. Không thể quả quyết quan niệm nào là đúng hoàn toàn hoặc sai hoàn toàn. Khi biết như vậy, người dân có thể suy nghĩ, lựa chọn một cách khách quan, dùng lý trí mà xét đoán. Người ta sẽ không để cho các tình tự yêu, ghét và tinh thần đảng phái ảnh hưởng trên lý trí. Người theo đảng Dân Chủ không cần nghĩ hễ điều gì ông Trump làm thì phải chống, người ủng hộ đảng Cộng Hòa cũng không còn thấy những luật lệ do ông Barack Obama đưa ra đều sai lầm. Họ sẽ không bị các nhà chính trị mê hoặc bằng các khẩu hiệu kích thích tình tự nữa. Khi đó, cuộc thảo luận về bảo hiểm y tế sẽ chỉ dựa trên các dữ kiện khách quan, những phân tích thực tế so với lý tưởng Và người ta sẽ phán xét từng điều khoản của các dự luật y tế, dựa trên thực tế cũng như lý tưởng. Họ sẽ dễ chấp nhận thay đổi từng phần trong hệ thống y tế, không cần biết thay đổi đó do đảng nào đề nghị.

Cuối cùng, dân chúng Mỹ sẽ lựa chọn qua lá phiếu. Người dân biết họ phải lựa chọn giữa hai quan niệm xung khắc, và biết cả hai đều có giá trị tùy theo cách nhìn cuộc đời của mỗi người, không quan niệm nào hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Trong chế độ dân chủ ai cũng phải kính trọng ý kiến đối nghịch với mình. Hệ thống bảo hiểm y tế tương lai sẽ tìm cách dung hòa giữa lý tưởng và thực tế, chắc sẽ thay đổi từ từ, chậm chạp chứ không thể làm vội vã được.