Friday, April 26, 2024

Con gà cục tác lá chanh

Trình Phổ

Năm ấy năm Kỷ Dậu, 1969 đúng một năm sau Tết Mậu Thân. Những kỷ niệm kinh hoàng của Mậu Thân vẫn ám ảnh, nên năm nay gia đình tôi ăn Tết đơn giản khá nhiều so với những năm trước đây. Ngày 23 Tết, ngày cúng ông Táo vể trời, mẹ tôi hôm ấy người không khỏe. Mẹ nằm nghỉ trên giường. Tôi đang loay hoay phía trước.

-Con, con giúp mợ giết gà để cúng ông táo, nhe con.

Gia đình tôi gọi bố mẹ bằng cậu mợ.

Chuyện giết gà mà tôi chưa từng làm bao giờ nên nhanh chóng từ chối.

-Con không biết làm. Mợ nhờ người khác được không. Mợ nói chị Ðoán làm đi mợ.

Mẹ trả lời:

-Ngày Tết, nên mợ cho chị Ðoán về nhà ăn Tết rồi.

Chẳng còn lựa chọn nào khác tôi đành chấp nhận.

-Vậy mợ chỉ con nhe.

-Con nghe mợ nói đây. Con vào bếp nấu một nồi nước sôi. Ðun cho thật sôi. Lấy nồi lớn nghe con.

-Vâng.

-Lấy một cái chậu lớn, một cái rá, con dao sắc.

Ðến đây mẹ tôi hơi mệt, tạm ngưng trong giây lát rồi mẹ nói tiếp:

-Một cái bát lớn, bát canh đó con, một ít muối và một ít nước mắm. Ít thôi khẻo mặn.

-Vâng.

-Lấy sẵn, để ngoài sân sau, ngay ngạch cửa. Khi nào nước sôi nói cho mợ biết.

Tôi lẳng lặng đi làm theo lời mẹ dặn.

-Bát canh là bát nào vậy mợ?

-Con vào trong chạn, tầng cao nhất mợ để bát canh, bát canh là bát có tranh vẽ mầu xanh đó.

***

Năm 1995, bố mẹ tôi về thăm nơi sinh quán là làng Trình Phố, tỉnh Thái Bình. Trong ba ngày tại miền Bắc, bố mẹ tôi gặp lại họ hàng tại Việt Nam sau 40 năm xa cách. Chiến tranh ý thức hệ, bố mẹ tôi vào Nam năm 1955. Bố mẹ kể lại đây là một chuyến đi vui buồn lẫn lộn. Cô Liên, em họ của bố tôi, là một hiệu trưởng trường tiểu học trong làng vừa mới về hưu, nên mọi việc trong làng và trong gia tộc cô đều biết.

Căn nhà năm gian lớn, đất rộng, sân lớn lát gạch tàu đỏ nơi tôi hay chạy nhảy với các em, các chị họ của tôi, vườn sau trồng cây mây đan giỏ, vườn trước trồng cây nhãn lớn nhất làng, sum xuê như cây cổ thụ mà tôi thường nhờ bố hái xuống. Tôi lột vỏ, bóc cùi rồi ép vào hộp thuốc trứng nhện Carmine, để ngoài trời qua đêm, mở ra cùi nhãn lạnh mát rượi, vừa thơm vừa ngọt ăn tuyệt ngon. Chuyện đó đối với tôi đã quá xa, trên 65 năm. Bây giờ cây nhãn không còn nữa. Căn nhà năm gian không còn nữa. Việt Minh đã lấy hết khi bố mẹ tôi bỏ vào Nam. Việt Minh phá nhà, đốn cây, chia đất thành nhiều mảnh. Mẹ kể lại, khi nghe cô Liên kể lại, bố tôi đã khóc khi những dấu vết kỷ niệm xưa không còn nữa. Hôm mẹ tôi kể lại cho tôi nghe, tôi bỗng dưng lo sợ. Lo sợ những tang thương biến đổi của cuộc sống. Lo sợ sự vô thường của con người và cả thiên nhiên chung quanh. Lo sợ cái cảm giác có đấy mà không đấy. Tự nhiên thành tro bụi. Tôi rùng mình.

Buổi sáng chia tay nhau để bố mẹ tôi về Hà Nội, cô Liên nói:

-Chiều hôm nay anh chị về, xa em, xa làng quê nơi sinh ra. Không biết bao giờ trở lại. Em buồn quá!

Cô Liên rưng rưng nước mắt trong tay cầm một gói bọc giấy đưa cho mẹ tôi.

-Thưa anh chị, chúng em sống ở nhà quê cũng chẳng có gì quý giá. Chỉ có một món quà kỷ niệm nhỏ bé gửi anh chị mang về Mỹ, mỗi khi thấy nó để nhớ quê cha đất tổ, nhớ họ hàng, nhớ đến…

Nói chưa hết câu, cô Liên không cầm được nước mắt, cô ôm lấy mẹ tôi rồi hai người khóc. Bố tôi nói:

-Thôi, hai chị em ngưng đi. Tôi khóc theo bây giờ. Cô bày vẽ làm gì. Anh chị rất cám ơn cô đã lo cho anh chị chu đáo những ngày anh chị về thăm làng xưa. Rất mừng cô còn ở làng để trông nom từ đường, mồ mả ông cha.

Mẹ tôi và cô Liên ngưng khóc. Cô Liên lau nước mắt.

-Thưa anh chị, đây chính là hai cái bát canh và mấy cái đĩa mà ngày xưa nhà ông hay dùng. Em nhặt được trong nhà ông, trước khi họ đập phá và lấy hết mọi thứ. Cả câu hoành phi “TIẾT HẠNH KHẢ PHONG” sơn son thiếp vàng, họ cho là tàn tích phong kiến nên đập phá và đốt. Em biết có ngày anh chị về nên cố giữ vài thứ kỷ niệm nhỏ này, hôm nay em gửi anh chị.

Nói xong rồi ba người cùng khóc. Tình cảm máu mủ dù sau 40 năm vẫn còn sâu đậm và đắm thắm, đúng câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.”

Hai cái bát và bốn cái đĩa ấy bây giờ bày trên bàn thờ bố mẹ tôi. Ngực tôi tự nhiên đau nhói nhớ lại chuyện quanh cái bát canh.

***

Tôi lăng xăng bận rộn tìm mọi thứ theo mẹ dặn. Khoảng 15 phút sau, nước sôi. Tôi cho mẹ biết:

-Nước sôi rồi mợ.

-Ừ, cám ơn con. Bây giờ con ra sân sau bắt con gà mợ mua từ tuần trước. Nhớ cột hai chân nó lại. Cột chặt nghe con.

-Vâng, dây để đâu mợ.

-Mợ làm cho rồi. Chán quá đã mệt mà cái gì cũng hỏi.

Sau đó tôi không hỏi nữa cuối cùng tôi cũng tìm đủ thứ cần thiết trong lúc mẹ ngủ thiếp đi. Khoảng một giờ sau tôi đánh thức mẹ dậy và công việc giết gà cúng Tết bắt đầu. Nhờ được nghỉ ngơi một tiếng nên mẹ tôi thấy khỏe và tươi hơn. Mẹ chỉ tôi và tôi làm theo.

Tôi cặp con gà vào nách. Ðể đầu gà ra phía trước. Một tay nắm đầu gà kéo thẳng ra phía trước, một tay vặt lông sạch chỗ cổ con gà. Sau khi vặt lông xong. Ðể dưới cổ gà một cái bát canh có tí nước pha trộn ít muối để máu gà lâu đông. Với tư thế này tôi dùng con dao bén cứa cổ con gà. Máu đỏ tươi, bắn mạnh ra khi vừa cắt, nhưng ngay sau đó màu từ từ chảy xuống bát canh. Con gà sau một lúc giẫy giụa rồi nằm yên. Tôi đặt gà trong cái chậu thau lớn. Ðậy con gà với cái rá, đè chặt với cái cối giã cua nhỏ. Con gà đã chết. Máu chảy ra hết đang ở trong bát canh, hãm để đánh tiết canh, nhưng không ai biết làm và tôi còn mù tịt. Vả lại tôi cũng không muốn làm phiền mẹ vì mẹ không được khỏe, hay tôi lười. Chắc cả hai.

-Bây giờ con đổ nước sôi lên con gà. Nhớ cẩn thận kẻo bỏng đấy.

-Vâng.

Mời độc giả xem phóng sự: Chợ Hoa Tết Sài Gòn

Tôi dùng giấy báo quấn lót tay, bưng nồi nước sôi đổ lên con gà đã chết dưới bàn tay sát thủ của tôi. Tuy vậy, theo mẹ dặn, tôi rất cẩn thận làm công việc trước khi nhổ lông. Tôi bắt đầu đổ một ít nước sôi lên gà. Tôi nghe ngóng, mọi việc yên tĩnh, tôi an tâm đổ nguyên nồi nước sôi vào con gà dưới cái rá. Nước chưa ra khỏi nồi. Bỗng một tiếng hét kinh hãi rú lên. Chiếc nồi rơi khỏi tay tôi, cái cối lăn xuống đất, cái rá văng xa cả thước và con gà phóng ra như viên đạn, chân đập xuống đất được vài bước rồi gục xuống. Thật là bi thảm. Tôi đứng lặng người.

-Chuyện gì đó con?

-Con gà còn sống!

-Ðúng là thư sinh trói gà không chặt.

-Nó chết rồi mợ ơi. Nhưng nó nằm trên đất.

-Không sao. Bây giờ con vặt lông. Vặt cho thật sạch nhe con.

-Vâng.

Thu dọn tôi mới biết cái cối đã rơi vào cái bát canh bể làm đôi. Như vậy là không có món tiết canh để ăn. Thôi cũng tốt vì tôi không biết làm và cũng chẳng ai làm trong lúc mẹ tôi không khỏe. Vì nước sôi lâu nên việc vặt lông khá dễ dàng, nhất là những lông lớn. Những lông măng, lông tơ mất nhiều thì giờ hơn một tí, nhưng thoáng chốc đã xong.

-Nhặt xong rồi mợ. Mợ muốn com làm gì đây?

Mẹ tôi chép miệng ngần ngừ trong giây lát như đang suy nghĩ để quyết định.

-Thôi con ạ.

-Thôi là gì vậy mợ? Mợ cứ nói đi!

-À không. Thôi con cho vào nồi luộc cho mợ. Nhớ cho ít muối cho thịt được đậm đà.

Theo lời mẹ dặn, tôi mổ bụng gà lấy hết nội tạng rồi rửa sạch sẽ không còn máu. Bỏ nguyên con gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập con gà. Bắc lên bếp, đun nhỏ lửa. Theo mẹ tôi nói, đun nhỏ lửa như vậy, thịt gà luộc mới mềm và da gà mới căng, mới đẹp. Ðun lửa lớn, sôi sùng sục da gà có thể bị nứt, thịt chín không đều. Con gà luộc xong vừa xấu lại vừa không ngon. Khoảng nửa tiếng thì luộc gà xong. Một cảm giác vui vui trong lòng.

Cùng lúc đó bố tôi và các em về. Cả nhà xúm lại sửa soạn cúng ông Táo. Mẹ nói với bố là tôi giết gà và luộc gà. Làm hết mọi thứ.

-Con trai ông có giỏi không?

-Bà thì chỉ khen con trai của bà. Rồi nó hư lúc nào không biết. Mới có một con gà mà đã khen!

Cả nhà phá lên cười. Lúc ấy tôi không thấy hạnh phúc mà thấy ngượng ngùng. Bây giờ thấy nó hạnh phúc nhưng chỉ là ký ức nhớ lại để nuối tiếc một thời thật đẹp đã qua, thật sự đã xa, đã xa như ở một nơi nào thăm thẳm hoang đường.

Cúng xong, cha tôi chặt thịt gà, tôi giúp dọn bàn ăn. Mẹ tôi cố ngồi ăn chung cho gia đình đông vui.

Trông đĩa thịt gà, mẹ nói:

-Thịt gà trông ngon quá.

Bố tôi nói:

-Em biết thèm ăn là hết ốm rồi đó.

-Giá mà có ít lá chanh thì ngon biết mấy.

Mẹ nói một lời ước nhỏ nhoi nhưng vô cùng khó khăn vào buổi chiều tối cúng giao thừa. Chẳng ai muốn ra đường lúc này. Biết lỡ lời, mẹ vội thêm:

-Nói cho vui chứ con gà này trông thịt thật ngon. Ăn không cũng được.

Nhưng tình yêu nhiều khi thật kỳ diệu đôi lúc thật đơn giản, thật nhẹ nhàng không xa hoa. Bố tôi từ trong bếp đi ra, tay để sau lưng đến gần bàn ăn rồi đột nhiên đưa ra một bát ăn cơm trong đó có những sợi màu xanh lá cây ngậy mùi thơm hăng hắc nhưng ngọt ngào của lá chanh tươi. Bố tôi đã lấy từ đâu, lúc nào, bố tôi không nói. Ðấy là sự kỳ diệu của tình yêu.

-Ðây lá chanh ăn thịt gà của em.

Mẹ nhìn bố âu yếm. Bố mẹ tôi thương nhau từ khi hai người còn để chỏm. Nói vậy thôi chứ bố mẹ tôi lớn lên thời Tây học, không để chỏm, nhưng theo kể lại, bố mẹ tôi để ý đến nhau rất bé khoảng 8, 9 tuổi khi hai người cùng làng, cùng trường thương mến nhau, săn sóc cho nhau từng chi tiết nhỏ. Tình yêu thật kỳ diệu thương nhau cho nhau những săn sóc bé nhỏ cho đến ngày bố mẹ tôi không còn trên thế gian.

***

Thấm thoát đã gần 70 năm qua, còn ba tuần nữa cúng ông Táo. Bây giờ bố mẹ tôi không còn nữa. Bố mẹ tôi đã sống chung với nhau trên 70 năm. Tôi ước ao có một giây phút sống lại với bố mẹ. Chỉ một khoảnh khắc thôi, nhưng không được. Thời gian cay nghiệt, tạo hóa cay nghiệt. Vì thời gian đã mất không thể tìm lại được. Tôi có thể mua một con gà sống, một cái rá, một cái cối và một cái bát xanh để giết gà cúng ông Táo, sống lại một kỷ niệm đẹp với bố mẹ, nhưng không được.

Tôi xuống nhà, đến bàn thờ bố mẹ thắp một nén nhang. Hương khói lững lờ bay lên rồi tan biến trong đêm. Như đi tìm cõi mộng. Tôi bàng hoàng sửng sốt, trước mắt tôi hai cái bát xanh và bốn cái đĩa mà cô Liên tặng bố mẹ tôi ngày họ gặp nhau lần cuối vào năm 1995. Tôi đặt bát và đĩa trên bàn thờ bố mẹ tôi từ lâu, nhưng hôm nay lần đầu tiên tôi thấy nó hiện hữu, tôi thấy bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn. Tôi cầm cái bát lên và vô cùng ngạc nhiên khi thấy nét gắn của mảnh vỡ. Miếng vỡ trên bát làm tôi bàng hoàng xúc động pha lẫn sợ sệt. Có đúng cái bát mà tôi làm vỡ nửa thế kỷ trước đây không? Ðúng là cái bát mình làm vỡ không? Chắc chắn không phải như vậy. Cái bát tôi làm vỡ, chính tôi đã vất đi từ lâu ở miền Nam. Ðây là cái bát mà ông nội tôi hay dùng khi sinh thời ở miền Bắc mà cô Liên giữ lại làm quà cho bố mẹ tôi, người xa xứ. Một sự trùng hợp kỳ bí? Một mòn quà quê hương tuy mộc mạc, chân phương nhưng chan chứa tấm lòng.

Con gà, lá chanh, bát canh là những thứ tầm thường, thật tầm thường, nhưng chính là biểu tượng của tình yêu thương mà tôi không bao giờ tưởng.

MỚI CẬP NHẬT