Thursday, April 18, 2024

Ánh mắt người nữ tu đang nói gì với con người hôm nay?

Trần Phong Vũ

Bám sát những bản tin nóng trên mạng sáng Chúa Nhật, 2 tháng 10 vừa qua, người viết vô cùng xúc động khi bắt gặp tấm hình trên đây trong bài tường thuật kèm theo hình ảnh sống động mô tả quang cảnh cuộc xuống đường ôn hòa của hàng chục ngàn đồng bào Ðông Anh trước nhà máy của tổ hợp gang thép Formosa.

Tín điệp của một nữ tu 

Hình một nữ tu trẻ trang phục đen mang cổ áo trắng trước đám đông cảnh sát cơ động (CSCÐ). Tay phải cô cầm trang giấy, tay trái chỉ vào hàng chữ:

“Hủy hoại môi trường là một tội ác – Vì Công Lý, hãy đứng lên! – ÐỪNG SỢ!”

Tôi không rõ tên tuổi, lý lịch và nhà dòng cô đang tu học. Tôi cũng không biết trong rừng người lớn bé, già trẻ, nam giới, nữ giới, bất chấp họng súng của công an mật vụ buổi sáng hôm ấy, ngoài cô còn có những nữ tu nào khác?

Nhưng điều này với tôi, không quan trọng. Chỉ một tấm hình đơn độc này (1) đã đủ nói lên tất cả ý nghĩa trầm lắng thác ngụ bên trong nó về một suy tư, một tác động, một phản ứng dây chuyền có thể có đối với từng trái tim, từng nhân thể trong đám đông nhân loại hôm nay. Dĩ nhiên có công luận khắp nơi qua ống kính báo giới quốc tế. Cụ thể là người Việt Nam, những người cùng mang chung giòng máu Việt tộc như cô.

Cũng trong số ấy, có một người đáng tuổi ông nội, ông ngoại cô đang mò mẫm trên máy vi tính ghi lại những dòng này, đêm nay.

Với tâm tư, trí não héo úa bị bào mòn từng phút giây theo quy luật bất biến của thời gian, của định mệnh con người, nhưng may mắn Thượng Ðế còn cho chút hơi sức và sự minh mẫn cuối đời để tôi gõ những con chữ trên bàn phiếm, mong làm bật lên trong muôn một những “tiếng nói không lời” ẩn giấu bên trong ánh mắt nhân hậu mà người nữ tu muốn gửi tới cho đồng bào cô, nói chung con người hôm nay.

Hủy hoại môi trường là tội ác 

Môi trường ở đây chỉ điều kiện thuận lợi về khung cảnh sống của con người. Như thế, hủy hoại môi trường là hành vi xúc phạm tới thiên nhiên (đất, nước, biển, không khí), là một tội ác – nếu không muốn nói là Ðại Ác – đối với nhân loại!

Con người – ngoài thân xác còn có phẩm giá, là vốn quý tạo hóa ban cho. Ý thức điều này hơn tất cả ai khác, Mẹ Têrêsa thành Calcuta, Ấn Ðộ, đã dâng hiến trọn đời để chăm lo, săn sóc những kiếp người cùng khổ. Khi chọn con đường tu trì, người thiếu nữ có cặp mắt và nét cười nhân hậu trong tấm hình trên hẳn cũng cưu mang trong lồng ngực mình trái tim của Mẹ. Từ đấy, cô đã chia sẻ đến tận cùng nỗi đau của đồng bào, trong số có những tín hữu của cô, khi chứng kiến thảm họa cá chết phơi trắng hơn 200 cây số trải dài bãi biển bốn tỉnh miền Trung quê hương cô từ hôm 6 tháng 4, 2016.

Cá không phải tự nhiên chết.

Nguyên do khiến cá bị lấy đi sự sống vì cái ác ẩn sâu trong tim đen những con người mang tâm địa quỉ dữ. Nó không chỉ xuất hiện hôm nay. Nó đã có mặt để trực tiếp phá phách con người từ tạo thiên lập địa. Tương tự như bàn tay nhám nhúng vào ruộng lúa của người Do Thái theo “dụ ngôn cỏ lùng” trong Kinh Thánh Tân Ước (2).

Khởi từ niềm cảm thông sâu xa ấy, thôi thúc cô mang nguyên tu phục hòa nhập với đám đông đồng bào, đồng đạo giáo xứ Ðông Anh xuống đường hôm Chúa Nhật, 2 tháng 9, để cùng mọi người bày tỏ thái độ, nói lên quan điểm: Hủy hoại môi trường là một tội ác!

Tội ác không đơn thuần gây ra cái chết của biển, của cá, của người.

Nó chỉ là cái ngọn của nan đề. Dưới đáy sâu của tảng băng chìm, hàm ẩn bốn cái chết của lương tâm, luân lý, lý trí và chính trị như nhận định của Ðức Cha Ngô Quang Kiệt, nguyên TGM Hà Nội trong cuộc viếng thăm Vũng Áng gần đây (3).

Thủ phạm trực tiếp hủy hoại môi trường biển bốn tỉnh miền Trung là tập đoàn gang thép Formosa với sự đồng lõa của những kẻ tham nhũng bán nước, mang lòng dạ dã thú ở Ba Ðình. Tác hại của nó không chỉ cướp đi nghề nghiệp, cơm ăn, áo mặc, sức khỏe, gây bệnh tật chết chóc cho đồng bào ngay lúc này. Hơn thế nó còn để lại những di lụy khủng khiếp cho nhiều thế hệ mai sau như kinh nghiệm tìm thấy trong bài viết “Từ Minamata (Nhật Bản) tới Vũng Áng (Việt Nam)…” chúng tôi đã chỉ ra mới đây.

Khi phơi bày trên tấm giấy in suy nghĩ này trong buổi xuống đường sáng Chúa Nhật, 2 tháng 9, trước hết người nữ tu trẻ muốn nói rõ tâm tình, quan điểm của cô với những kẻ có ác tâm hủy hoại môi trường biển. Ðể cảnh cáo họ và cũng để thông tri cho thế giới loài người cùng biết. Không ngừng ở đấy, cô còn muốn gửi một tín điệp để đánh thức lương tri nhóm CSCÐ đang vây quanh, kể cả đám an ninh mặc thường phục, các thành phần du đãng bị mua chuộc và cả lũ dòi bọ “dư luận viên” đang len lỏi, quấy phá cả chục ngàn đồng bào tham gia biểu tình chống Fomosa, thủ phạm hủy hoại môi trường biển. Dĩ nhiên trong đó bao gồm cả tập đoàn tham nhũng, bán nước Hà Nội.

Vì Công Lý & Sự Thật, hãy cùng nhau đứng dậy! 

Cho dù ở cương vị một nữ tu yếu đuối, nhưng vì mang sẵn tinh thần của cố LM Chân Tín, các Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, cố TGM Nguyễn Kim Ðiền, nguyên TGM Ngô Quang Kiệt, cố GM Lê Ðắc Trọng, nguyên GM Hoàng Ðức Oanh, GM Nguyễn Thái Hợp (Việt Nam), GM Nguyễn Văn Long (Úc Châu),… cô hiểu rằng: trước khi rửa tội để trở thành tín hữu Công Giáo, trước khi dâng hiến cuộc đời vào nhà dòng thành một nữ tu, vốn dĩ cô đã là người mang giòng máu Việt Nam. Cô tự thấy mình không thể buông xuôi không làm gì để cam phận là con người vô cảm trước nỗi bất hạnh của tha nhân, nhất là khi tha nhân không phải ai khác mà là người đồng hương ruột thịt chung màu da tiếng nói với cô.

Chính từ những cảm nghiệm ấy, chuyện cô chia chung niềm đau của ngư dân trước thảm họa môi trường bị hủy hoại đưa tới cảnh biển chết, cá chết, người chết, không chỉ là mối giao cảm mang tính thế tục giữa đời thường. Xa hơn, nó còn là một trách nhiệm liên đới chuyên chở giá trị tinh thần khơi nguồn từ giáo huấn trong Thánh Công Ðồng Chung Vatican II, mà Giáo Hội cô đòi buộc (4).

Không nói ra miệng, nhưng các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, từ cha nguyên Giám Tỉnh Phạm Trung Thành tới cố LM Vũ Khởi Phụng, các LM Lê Quang Uy, Ðinh Hữu Thoại, Nguyễn Văn Khải, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Nam Phong,… và các cha Triều như LM Ðặng Hữu Nam, Trần Ðình Lai,… đều cùng có chung một tâm niệm.

Phát xuất từ ý thức cao độ mang tính thánh thiêng ấy, cô chỉ vào tờ giấy mang trên tay trong khi theo chân hàng chục ngàn người xuống đường đòi hỏi công lý và sự thật, nhằm mục tiêu nhắc nhở mọi người rằng: Công Lý phải được thực thi.

Từ đấy, nhân danh một nữ tu nhỏ bé, cô mời gọi toàn thể đồng bào, thuộc mọi tôn giáo, mọi giai tầng xã hội hãy nhất tề đứng dậy, triệu người như một, quyết liệt đòi hỏi kẻ ác phải hồi tâm và tập đoàn ăn trên ngồi trước – lâu nay chuyên đè đầu cưỡi cổ bức hiếp lương dân, phải trả lại cho họ tất cả những quyền năng thiêng liêng của con người mà Thượng đế đã ban cho từ khi còn là một bào thai trong lòng mẹ.

Những quyền năng bất khả chuyển nhượng này từng được giáo dân Phú Yên đồng loạt lên tiếng kêu đòi khi họ cùng vị linh mục chánh xứ ca vang bản nhạc “Trả lại cho dân” của cố nhạc sĩ Việt Dzũng trong một Thánh Lễ cầu nguyện cho các nạn nhân. Ðây cũng là thời gian chuẩn bị hồ sơ pháp lý, chuẩn bị phương tiện để truy tố Formosa và những thế lực gian ác đứng đàng sau đã gây ra thảm họa môi trường cho người dân bốn tỉnh miền Trung. Hiển nhiên khi cất tiếng đồng ca bàn nhạc này, các nạn nhân muốn nhắn gửi tập đoàn lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam, cách riêng Tòa án Kỳ Anh, nơi họ sắp nạp hồ sơ khiếu kiện:

“Trả lại đây cho nhân dân tôi – quyền tự do – quyền con người – quyền được nhìn, được nghe, được nói.
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài, độc tôn

Trả lại đây! – Quyền phúc quyết của toàn dân
Dân biết điều gì dân cần – để tự do mưu cầu hạnh phúc.
(…)

Ðừng sợ! 

Thấu rõ tâm trạng âu lo, sợ hãi của con người, từ hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu Cứu Thế – Ðấng khai mở kỷ nguyên Tân Ước, trong những năm rao giảng Tin Mừng Nước Trời cũng như các dịp hiện ra cùng các môn đệ sau khi phục sinh, hàng trăm lần đã lên tiếng trấn an đám đông dân chúng theo Ngài: “ÐỪNG SỢ!”

Trong những lần trở về thăm quê hương trước khi nổ ra biến cố Ðông Âu, chấm dứt chế độ Cộng Sản tại cái nôi của chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít là Liên Bang Xô Viết, đứng trước đám đông giới lao động thuộc Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan (và trong các Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới sau này), rất nhiều lần Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lập đi lập lại điệp khúc này: “ÐỪNG SỢ!”

Như thế từ ngàn xưa sự sợ hãi vốn đã là một chứng bệnh thâm căn cố đế của con người, chẳng từ ai. Nhưng khi con người bị áp đặt dưới những chế độ độc tài phi nhân tính thì với mưu toan thâm độc, những thủ đoạn tàn ác, coi rẻ mạng sống người dân, tâm trạng sợ hãi này càng gia tăng thập bội. Lâu dần nó trở thành quán tính. Hệ quả trực tiếp là nó tước đi khỏi con người lòng tự trọng, khiến cho khả năng tự đề kháng không còn, để mặc nhiên biến thành những kẻ nô lệ, cam tâm chấp nhận mọi thứ đòn thù của chế độ gây ra cho mình, cho tha nhân.

Những chỉ dấu lạc quan chừng mực 

Quan sát mối tương quan giữa quần chúng và chế độ Cộng Sản trong những năm gần đây, mặc dầu cung cách cai trị bằng bạo lực của Hà Nội trên căn bản không thay đổi, quần chúng nói chung đã bớt sợ hơn. Người dân gặp chuyện oan khuất đã biết và dám tìm đến bên nhau, tìm sự nương tựa để chống lại những thế lực tham lam, gian ác.

Nông dân từ các tỉnh miền Bắc lũ lượt kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội để đưa đơn khiếu kiện. Cùng lúc những “Bà Mẹ” sống quanh vùng đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam từng một thời được chế độ coi là người ơn của “cách mạng,” sau khi bị chính chế độ trở mặt cướp bóc tài sản, ruộng nương cũng theo nhau tìm về khu vực nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn nơi có cái gọi là Văn Phòng II Quốc Hội để kêu đòi công lý. Từ đấy những cuộc đấu khẩu tay đôi giữa người dân thấp cổ bé miệng trước cửa quyền, với viên chức các cấp trong ngành an ninh thường xuyên diễn ra công khai. Ðây là những chỉ dấu khác thường, hiếm thấy vài thập niên trước.

Khoảng tháng 6 tháng 7 vừa qua, một buổi sáng giữa phố phường Hà Nội, du khách và cư dân đã có dịp chứng kiến quang cảnh công an, an ninh chìm nổi sững sờ đứng nhìn bà Giáo Thảo trang phục màu tráng, xắn tay áo cất tiếng nêu đích danh chửi những tên đầu sỏ của chế độ đã sai bọn đầu gấu ngăn cản bà đi biểu tình chống thảm nạn môi trường biển bị hủy hoại. Câu chuyện gia đình Ðoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, trường hợp bà con Dương Nội công nhiên chống lại lực lượng công an bộ đội võ trang hỗ trợ bọn tài phiệt nước ngoài lấn chiếm đất đại, cướp đoạt tài sản của họ là những chỉ dấu cụ thế cho thấy người dân ngày nay đã dám trực diện đương đầu với cường quyền, bạo lực.

Cho đến tháng 5, 2014, khi Bắc Kinh trắng trợn điều giàn khoan khủng vào sâu lãnh hải trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì tình trạng bớt sợ hãi giảm thêm một mức đáng kể. Cả ngàn thanh niên sinh viên rầm rộ xuống đường ở Sài Gòn, các tỉnh lân cận, kể cả ở Vũng Áng nơi được coi là nhượng địa cho Tàu, với khẩu hiệu và biểu ngữ công khai chống Trung Cộng xâm lăng. Tại một số nơi đã có bạo động, một số doanh nghiệp làm ăn của Tàu Cộng đã bị đập phá. Máu đã đổ. Có người đã chết. Nhìn chung trong một chừng mực nào đó, phía nhà cầm quyền tỏ ra đã biết tự chế trước sự phẫn nộ của quần chúng.

Căn nguyên nào khiến chế độ chùn bước trước phản ứng của người dân?

Nhìn chung, vì xu thế đã đổi khác.

Trước hết là những mâu thuẫn đấu đá trong nội bộ cấp cao của đảng và nhà nước ngày càng bộc lộ dẫn tới tâm trạng bất bình, bất tín đối với guồng máy công quyền ngày càng lan rộng. Tâm trạng này không chỉ phát sinh trong quảng đại quần chúng mà còn lan rộng tới những đảng viên và các giới chức trong hệ thống cầm quyền từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, hiện tượng tràn ngập các phương tiện truyền thông hiện đại trong dân chúng cùng với sự trưởng thành về ý thức công dân của các thành phần xã hội, cách riêng giới trẻ, cũng là những yếu tố làm thay đổi sự thăng bằng trong mối tương quan giữa người dân và chế độ. Sau hết là tình trạng tham nhũng, thối nát đưa tới sự xuống dốc thê thảm về kinh tế, văn hóa, xã hội và sự bùng nổ của các tổ chức xã hội dân sư trong vài năm gần đây.

Tuy vậy, người ta cũng không loại bỏ tâm trạng hoài nghi về một mưu toan của giới cầm quyền, lùi một bước để câu thì giờ lượng định sức để kháng của người dân, trước khi tiến tới bước thứ hai. Có điều dù sự thể ra sao, không ai có thể phủ nhận kể từ khi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc là Bắc Kinh công khai lộ rõ mưu toan xâm lược đất nước ta thì khát vọng “thoát Trung” không còn giới hạn trong giới chuyên gia trí thức nữa. Nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong quảng đại quần chúng trong nước.

Biến cố Formosa, một cơ hội ngàn vàng 

Thảm họa biển bị đầu độc gây ra thảm họa cá chết hàng loạt phơi trắng mấy trăm cây số bãi biền bốn tỉnh miến Trung là một khúc rẽ quan trọng, một cơ hội có một không hai trong cuộc đấu tranh đối mặt với thù trong, giặc ngoài. Trong nỗi đau chết chóc, bệnh tật, hàng trăm ngàn ngư dân và những thành phần sống bám vào biển như nghề nuôi trồng thủy hải sản, công nghệ làm muối bị thất nghiệp khiến cho nhiều triệu đồng bào lâm cảnh lầm than đói khổ, biến cố này cũng phơi trần trước dư luận trong ngoài nước về những sự thật đàng sau tổ hợp gang thép Formosa.

Sự hiểu biết thô thiển ban đầu khiến mọi người yên tâm với ý nghĩ Formosa xuất xứ từ Ðài Loan là một quốc gia tự do, đã bị phá vỡ. Sự thật cho biết sau cái vỏ bọc mang nhãn hiệu đảo quốc của người Tàu không Cộng Sản, bên trong công ty gang thép này là cả một hệ thống kỹ thuật và chuyên viên đến từ Bắc Kinh. Do đó chúng ta có lý chứng cụ thể để đề quyết: tổ hợp Formosa ở Vũng Áng là con đẻ của Hoa Lục. Từ đấy sự kiện nhà máy của công ty này âm thầm xả thải độc chất chì, thủy ngân xuống lòng biển Vũng Áng không phải vô tình hay đơn phương. Trái lại, nó là một chủ ý có tính toán nằm trong toàn bộ âm mưu diệt chủng của Bắc Kinh để sửa soạn cho việc thực hiện giai đoạn chót mật ước Thành Ðô, biến đất nước ta thành một thuộc quốc!

Vụ kiện Formosa và cuộc xuống đường của các nạn nhân 

Thắng lợi lớn nhất trong vụ kiện thế ký hôm 27 thãng 9 vừa qua là các ngư dân thấp cổ bé miệng Vũng Áng đã phá vỡ mưu toan thâm độc của Hà Nội trong việc xé lẻ người dân gặp cùng một chuyện oan khuất không được khiếu kiện tập thể. Ðiều này đã được chế độ pháp lý hóa bằng luật lệ. Nhưng trước sức mạnh áp đảo về tinh thần do các nạn nhân được sự hỗ trợ mạnh mẽ đàng sau của đồng bào khắp nước đã đẩy cái gọi là Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh phải bó tay. Dù tìm hết cách gây khó khăn để trì hoãn nhưng cuối cùng họ đã phải cắn răng chấp nhận một lần 506 hồ sơ khiếu kiện của các nạn nhân Phú Yên do Linh Mục Ðặng Hữu Nam đại diện.

Nhận định về trường hợp hi hữu này, Luật Sư Lê Quốc Quân nói: đây là một tiền lệ rất lạc quan mở ra cho hàng chục, hàng trăm ngàn hồ sơ khiếu kiện sắp tới buộc các Tòa án địa phương phải chấp nhận. Riêng Luật Sư Võ An Ðôn cho rằng khả năng thắng kiện của các nạn nhân hủy hoại môi trường Vũng Áng rất cao với xác suất 100%. Lý do khiến ông tin như vậy vì chính Formosa đã công khai nhận tội xả thải độc chất xuống biển Vũng Áng tạo nên nguyên nhân cá chết hàng loạt khiến người dân địa phương lâm cảnh khốn cùng trong cuộc họp báo để xin lỗi và nhận bồi thường 500 triệu USD hôm 30 tháng 6, 2016. Vì thế, theo ông vụ kiện chỉ là một thủ tục pháp lý tiếp theo về phía nguyên đơn nhằm quy những trách nhiệm trầm trọng hơn cho bên bị. Tuy nhiên, vẫn theo Luật Sư Ðôn, vụ án có được giải quyết dứt khoát và mau chóng hay không còn tùy vào mức độ lương thiện của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Từ những nhận định trên đây, cuộc xuống đường bất bạo động của hàng chục ngàn người dân hạt Ðông Anh hôm Chúa Nhật, 2 tháng 9 vừa qua có giá trị xác lập lại quan điểm và lập trường cương quyết, dứt khoát của các nạn nhân vụ hủy hoại mội trường để đòi hỏi công lý phải được thi hành nghiêm chỉnh, đáp lại ý nguyện của các nạn nhân qua những yêu sách được liệt kê trong hồ sơ khiếu kiện.

  • Thứ nhất, vĩnh viễn trục xuất tổ hợp Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
  • Thứ hai, đòi buộc tổ hợp này phải trả lời trước pháp luật, bồi thường tương xứng cho hàng trăm ngàn nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của biến cố Vũng Áng.
  • Thứ ba, đòi buộc thủ phạm phải áp dụng những kỹ thuật tân tiến để trả lại nguyên trạng trong lành, tinh sạch cho biển.

Khả năng nâng cấp vụ kiện ra tòa án quốc tế trong tương lại tùy thuộc kết quả đạt được tại các tòa án địa phương. Khi ấy, tội phạm sẽ không còn giới hạn ở giặc ngoài mà sẽ ứng vào chính những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc thời đại, những tay đầu sỏ Ba Ðình đã trắng trợn “cõng rắn cắn gà nhà.”

Thay cho lời kết luận 

Trong bối cảnh chung trên đây. sự xuất hiện bất ngờ của người nữ tu với ánh mắt và nụ cười nhân hậu bên cạnh đám cảnh sát cơ động đang canh chừng mấy chục ngàn đại diện cả triệu nạn nhân trong cuộc xuống đường phản kháng hành vi phá hoại môi trường biển của Formosa và những kẻ đồng lõa, không chỉ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy. Ẩn sâu bên trong đó là một lời cảnh cáo ôn hòa nhưng nghiêm khắc có giá trị của tất cả những khẩu hiệu, những biểu ngữ và hàng trăm, hàng ngàn bài viết trong những ngày qua gom lại. Nó mang biểu tượng của một Tín Ðiệp từ Trời gửi Ðất, từ Thiên Ðường gửi Ðịa Ngục, của nơi Niết Bàn gửi tới chốn A-Tì.

(Những ngày thượng tuần tháng 9, 2016)


Ghi chú:

(1) Sau đó, mở video link quay toàn cảnh cuộc xuống đường hực lửa đấu tranh nhưng trật tự và ôn hòa của bà con Ðông Anh, tôi bắt gặp lại hình ảnh sống động của người nữ tu giữa đám đông người biểu tình, trong đó có công an sắc phục, thường phục, có “dư luận viên” trà trộn và những toán CSCÐ.

(2) Phúc âm Thánh Sử Mát-Thêu đoạn 13 từ câu 24 đến câu 30 trang 103 do Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Sài Gòn phiên dịch và chú thích, ấn hành ở Hà Nội năm 2008.

(3) “Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá chỉ là cái ngọn vấn đề. Cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, và cái chết của chính trị.”

(4) Lời mở đầu Hiến Chế “Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay,” Thánh Công Ðồng Chung Vatican II ghi rõ như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (Trích bản dịch Thánh Công Ðồng Chung Vatican II của Giáo Hoàng Chủng Viện Ðà Lạt)

MỚI CẬP NHẬT