Friday, April 26, 2024

Tổng Thống George Washington, một tấm gương sáng

Việt Nguyên

Qua ba tháng cầm quyền, TT Donald Trump đang bước vào giai đoạn khó khăn, uy tín của tổng thống thứ 45 thấp nhất so với các tổng thống tiền nhiệm George W Bush và Barack Obama trong cùng giai đoạn. Cá tính và cách thức cầm quyền khác thường của ông Trump đã gây ra rắc rối. Không nghe lời cố vấn và quyết định vội vàng, thiếu suy nghĩ, ông đã gây nhiều hoang mang cho dân và các cộng sự viên. Buổi sáng Qatar là đồng minh, buổi chiều là kẻ thù nuôi khủng bố ISIS, hôm trước Trung Quốc là kẻ thù hôm sau Tập Cận Bình là bạn. Quyết định bằng tweet của một người thiếu ngủ là những quyết định không sáng suốt, mắt nhắm mắt mở chỉ trích thị trưởng Luân Ðôn, cắt đầu cắt đuôi các lời phát biểu của những người ông không thích đã khiến giới chính trị có cảm tưởng ông không xứng đáng giữ vai trò tổng thống của một siêu cường quốc. Tổng thống thứ 45 đã đến lúc phải bớt ngạo mạn để học bài học lịch sử từ vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên.

Cuộc đời Tổng Thống George Washington đã được viết và dạy lại trong trường học cho các thế hệ trẻ Hoa Kỳ nhưng cuốn “Hành Trình của Washington” (George Washington’s Journey) năm 2016 do GS T.H.Breen sử gia Ðại Học Vermont viết, đã vẽ lại chân dung chính trị của George Washington ít người biết nói lên lòng yêu nước yêu dân của ông. Trong lịch sử Hoa Kỳ, TT Washington là người đầu tiên phải đối diện trước những thách đố và khó khăn nhất mà chưa tổng thống nào kể cả TT Abraham Lincohn người đã cứu Hoa Kỳ khỏi tình trạng chia đôi Nam-Bắc trong cuộc nội chiến phải đối phó với những vấn đề như ông. Tổng Thống Washington đã tạo ra quốc gia Hoa Kỳ, một hợp chủng quốc, một liên bang. Sử gia Breen nhìn thấy rõ nếu TT Washington không thành lập liên bang thì TT Lincohn đã không có một quốc gia để duy trì và cứu vãn.

Nhận thấy vai trò tổng thống là một vai trò khó khăn phải vượt lên trên tất cả quan điểm quần chúng, người lãnh đạo phải đi đến từng người dân, lắng nghe tiếng nói để tạo ra một gạch nối đoàn kết cho chính quyền liên bang. Người lãnh đạo không ngồi trong dinh hay sống trong tháp ngà mà phải liên hệ trực tiếp với dân không qua báo chí, không qua tiếng nói đảng phái và tiếng nói của các chính trị gia từng miền. Cách hay nhất là đi thăm dân cho biết sự tình như thời miền Nam VNCH, TT Ngô Ðình Diệm đi kinh lý các tỉnh hay như đời nhà Thanh, Vua Càn Long Trung Hoa, cũng cùng thời với George Washington thế kỷ thứ 18, đi thăm các tỉnh vùng Giang Nam.

Tổng Thống Washington đã đi thăm tất cả 13 tiểu bang, đàm luận với thường dân để đưa đến một ý tưởng nòng cốt: “Hoa Kỳ giờ đây là một quốc gia chứ không phải là một tập hợp các tiểu bang.” Cuộc hành trình dài đến 2,400 dặm. Ông đã đáp lời mời của dân, đến nhà họ đàm luận chứ không phải như các nhà lãnh đạo bây giờ tiếp kiến dân ở tư dinh là cho đó là một danh dự cho người dân.

Tinh thần dân Mỹ năm 1789 vẫn là tinh thần địa phương, họ vẫn còn bám chặt với tiểu bang của họ. Khi dân Mỹ nói về quốc gia là họ nghĩ đến tiểu bang của họ đang sống, tiểu bang đó là quê cha đất tổ nơi cha ông họ đã sống hằng thế kỷ trong thời thuộc địa Anh. Nói chuyện với dân Mỹ về một chính quyền liên bang không dễ. Báo chí trong thời này cũng hẹp hòi, đầu độc dân bằng ý kiến chia rẽ cố tình không muốn Hiến Pháp mới thành công để tạo ra chính quyền liên bang (hơn 200 năm sau không khí chính trị có vẻ phảng phất thời Washington.)

TT Washington đã làm nhiều cuộc hành trình. Lần đầu vào mùa Xuân năm 1789 từ quê nhà MT Vernon đi New York để nhậm chức tổng thống. Ông là tổng thống duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ bị kéo vào chính trường, được dân yêu cầu làm tổng thống chứ không tranh chức. Ông là tổng tư lệnh quân đội Continental đã đánh bại quân Anh trong cuộc cách mạng giành độc lập cho Hoa Kỳ từ Tháng Tư năm 1775 đến Tháng Chín năm 1783, về sống ẩn dật an nhàn, đời sống của một ông tướng về hưu. Người anh hùng được dân Hoa Kỳ yêu cầu nay “vì dân vì nước” ra lãnh trách nhiệm lãnh đạo.

Giữa thập niên 1780, George Washington là nhân vật nổi tiếng của Hoa Kỳ và thế giới. Vì đã được nổi tiếng nên ông không muốn làm mất tiếng khi nhận lãnh chức vụ tổng thống một chức dễ bị chỉ trích từ báo chí đến đảng phái với nhiều trách nhiệm khác với chức vụ tổng tư lệnh quân đội. Sau 8 năm đánh giặc, ông muốn sống một cuộc đời thường dân, sống hạnh phúc với gia đình nhưng cuối cùng ông biết ông phải nhận trách nhiệm tổng thống, đối với ông tổng thống là trách nhiệm hơn là quyền lợi.

Chuyến đi thứ hai vào mùa Thu năm 1789, đi New England qua Rhode Island tiểu bang chưa chấp nhận Hiến Pháp mới. Chuyến đi thứ ba vào Tháng Tám năm 1790, ông đi thăm lại Rhode Island khi tiểu bang này sáp nhập vào liên bang. Chuyến đi thứ tư là chuyến đi chót giữa Tháng Ba và Tháng Bảy năm 1791, chuyến đi dài 1800 dặm qua các tiểu bang miền Nam. Trong các chuyến đi này, TT Washington đã hoàn thành được sứ mạng của các đại biểu Quốc Hội giao phó. Hiến Pháp năm 1787 đã đặt chức vụ Hành Pháp độc lập với Tư Pháp và Lập Pháp, tổng thống là người có uy quyền vì các đại biểu Quốc Hội Lập Hiến đã tin rằng Tổng Thống Washington sẽ giữ được trách nhiệm tối cao, yêu cầu ông ra làm tổng thống vì họ chỉ tin tưởng duy nhất vào ông tổng tư lệnh đã đánh bại quân Anh

Tháng Tư năm 1789, từ MT Vermon đi New York thủ đô tạm thời của liên bang lúc ấy, Tổng Thống Washington cảm thấy bị bắt buộc phải làm tổng thống, ông nói với ông bạn thân Henry Knox là ông có cảm tưởng “đang trên đường đi ra pháp trường.”

Với trách nhiệm tổng thống, khổ sở như người bị đày khổ sai, TT Washington nảy ý đi “thăm dân cho biết sự tình” sau ngày đi New York nhậm chức. Ði đến đâu, TT Washington cũng được dân chúng đón chào nồng nhiệt, súng đại bác nổ đón chào, Khải Hoàn Môn được dựng lên, đèn thắp sáng từ ngoài đường cho đến từng khu xóm, đám đông hát mừng tung hô “vạn tuế George Washington!” Tân tổng thống đã được rước đón kiểu vua chúa hoàng tộc, trong buổi giao thời từ quân chủ qua dân chủ, dân Mỹ với văn hóa mới thời lập quốc vẫn còn giữ văn hóa phong tục thời phong kiến.

TT Washington thật sự cảm thấy xấu hổ về những nghi thức đón tiếp dân đã dành cho ông. Bạn của ông đã nói với ông: “Bây giờ ông là vua chỉ dưới hình thức khác,” không “áo mũ cân đai” và họ vẫn chúc ông như chúc Vua George III “chúc ngài thượng thọ, thánh thượng vạn vạn tuế!” Ông phải nhắc bạn bè và các cộng sự viên là nước Mỹ đang ở vào thời buổi Cộng Hòa dân chủ tự do với chính quyền liên bang không còn dưới chế độ quân chủ, ông chỉ là đại diện dân không phải là vua, ông không có “con cái nối dõi tông đường,” gia đình ông không phải là hoàng tộc, quyền lợi gia đình của ông không nằm trên quyền lợi quốc gia. Ông James Madison, cha đẻ của Hiến Pháp Hoa Kỳ, thuyết phục tổng thống quên đi đừng nhắc nhở và so sánh nội các dân chủ với Hoàng triều nhưng có cơ hội là ông nhấn mạnh nội các của ông không giống như triều đình. Nền dân chủ còn non nớt nên TT Washington lúc nào cũng cảm thấy phải nhắc nhở chính mình và các người thân tín. Ông đã thở phào nhẹ nhõm khi Phó Tổng Thống John Adams, chủ tịch Thượng Viện, đề nghị gọi chức vụ của ông là “Ngài tổng thống tối cao Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, người bảo vệ tự do” đã bị Hạ Viện của Chủ Tịch James Madison bác bỏ và chỉ gọi ông giản dị là “ông tổng thống” (Mr President thay vì His Highness).

TT Washington trong suốt những năm cầm quyền đã được dân yêu mến và kính trọng, ông lúc nào cũng giữ được quyền hành nhờ lúc nào cũng giữ tinh thần khiêm tốn sẵn sàng từ bỏ không bám víu vào quyền lực. Với tinh thần dân chủ, ông lúc nào cũng sẵn sàng về sống đời dân dã trong căn nhà cũ ở MT Vernon như các vua hiền trong lịch sử thế giới.

Khi làm tổng thống, Washington không bao giờ quên vai trò quần chúng, đại diện dân ông không bao giờ quên giữ nguyên tắc căn bản làm chính trị chính đạo: “Không được giả dối với chính mình.” Làm tổng thống đầu tiên của nền Cộng Hòa nên ông cảm thấy phải tự làm gương cho các tổng thống kế nhiệm nhất là vai trò đại diện trên chính trường thế giới. Ông cẩn thận từ y phục cử chỉ đến lời nói, chọn loại xe ngựa khi di chuyển, và phong cách gặp gỡ quần chúng. Từ tổng thống đến nhân viên trong chính quyền phải hiểu là “cặp mắt dân Hoa Kỳ và có lẽ tất cả cặp mắt của cả thế giới đều nhìn vào chính quyền mới này.” Nên từ tổng thống trở xuống phải tự làm gương.

Hội nghị lập hiến Philadelphia đã mở cánh cửa thay đổi khung cảnh và sân khấu chính trị nước Mỹ. Ðại biểu các bang thuộc địa Anh đổ về dự hội nghị đã cảm thấy một sinh hoạt chính trị mới mẻ chưa từng có. Phê chuẩn Hiến Pháp mới cho một quốc gia mới được thành lập đã mở cửa chính trị cho mọi người. Hội nghị đón nhận tất cả quan niệm chính trị xây dựng, là một cơ hội cho những người dân Mỹ bình thường được dịp bàn luận chính trị và xây dựng chính quyền tương lai theo ý dân.

TT George Washington đã có cái nhìn xa hơn Phó Tổng Thống Adams, ông phó tổng thống này đã không đi thăm dân cùng với tổng thống ở New England vì ông cho rằng có nhiều điều cần thiết phải làm ở thủ đô, đi thăm dân không cần thiết. TT Washington thấy chuyện tiếp xúc với dân, nhận ý kiến dân là cần nhưng không nên phiền nhiễu dân, ông yêu cầu chính quyền địa phương không nên tổ chức diễn hành hay lễ lạt trịnh trọng, ông chỉ muốn đến với dân trong một tư thế một nhà lãnh đạo dân chủ, một phong cách cộng hòa bình đẳng, đến thị trấn ông bỏ cỗ xe, đi ngựa vào phố, không thích lễ lạt xa xỉ phí phạm tốn tiền thuế của dân, ông chỉ muốn hòa đồng vào ngồi ăn trong quán chung với dân.

TT Washington hòa dịu với mọi người kể cả đối thủ chính trị nhờ vậy Thống Ðốc John Hancock tiểu bang Massachussettes đã không thách đố quyền liên bang khi muốn Massachussettes đứng trên liên bang mặc dù chịu đứng trong Cộng Hòa và Rhodes Island cuối cùng cũng chịu gia nhập liên bang. Thực hiện hòa đồng tôn giáo, TT George Washington đến viếng đền thờ Do Thái Giáo Touro Synalogue ở New Port. Vào thế kỷ thứ 18, dân Mỹ trắng kỳ thị người Do Thái, cặp mắt của họ nhìn người Do Thái cũng không khác gì đối với dân Hồi Giáo thế kỷ thứ 21. Dân Do Thái chào đón tổng thống da trắng cởi mở và công nhận ông không có một thành kiến và kỳ thị sắc tộc. Ông mang thông điệp xuống đến người dân chứ không ban thông điệp từ trên sân thượng dinh tổng thống. Thông điệp ông mang đến dân Do Thái Giáo là tinh thần dân chủ cấp tiến, tự do từ lương tâm con người, hy vọng cho tương lai. Người Do Thái Giáo cũng như những người dân Hoa Kỳ khác: “Ðược ngồi dưới bóng mát, dưới giàn nho và không phải sợ hãi bất cứ điều gì nếu không làm gì trái.” Ông nhắc những người Mỹ trắng lý do tại sao Hoa Kỳ đã phải trải qua một cuộc chiến tranh cách mạng chống quân Anh giành độc lập. Nhờ tinh thần đoàn kết của ông cộng đồng dân Mỹ khắp nước đã đón tổng thống đến thăm những nơi người Mỹ đã đổ máu cho lý tưởng liên bang. Các chiến binh đến đón chào cựu tư lệnh khắp nơi, đến Lexington năm 1789, ông viết trong hồi ký. “Ðây là nơi người Mỹ đã đổ máu chứ không phải chỉ máu dân Massachussetts.” Quân đội của George Washington làm tư lệnh là “quân đội của chúng ta” (our army, American blood) chứ không giống như TT Donald Trump đã làm phật lòng tướng tá khi gọi quân đội Hoa Kỳ là “quân đội của tôi” (my army).

Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ là một trong những cách mạng thật sự đem lại lợi ích cho dân. Cuộc cách mạng này đã thay đổi hẳn truyền thống Hoa Kỳ, loại bỏ chính quyền quân chủ, Hoa Kỳ độc lập với Anh và TT Washington đã xây dựng nền tảng Cộng Hòa bình đẳng cho mọi người, dân không còn quỳ lạy dưới vua Anh, dân Hoa Kỳ cảm thấy được bình đẳng trên phương diện xã hội. Tổng Thống George Washington đi vào lòng dân và dân Mỹ cảm thấy Tổng Thống Washington trong cuộc đời của họ. Phụ nữ cũng cảm thấy được tôn trọng, được đón chào trong các buổi diễn hành và tiệc tùng đánh dấu nền văn minh mới.

Bên cạnh những thành công lớn, Tổng Thống Washington vẫn còn những thất bại. Hình và tượng khổng lồ của Washington được dựng lên, trưng bày khắp nơi trái ý muốn của ông. Ðèn được đốt sáng, pháo bông, súng đại bác bắn chào, cờ treo khắp phố. Tục lệ nâng cao ly rượu mừng trở thành tục lệ người Mỹ đón thượng khách. Dân Mỹ giữ tục lệ từ thời Anh xem tổng thống như vua mới của Hoa Kỷ với bài hát đón chào Vua George III 60 năm trước: “Ngài đã đến, ngài đến! Anh hùng đến! Hãy thổi kèn lên. Ðánh trống lớn lên!” Có nơi dân Mỹ đón ông như đón “Thượng Ðế,” “cha già dân tộc,” “đứa con của Columbia.” Chuyến đi xuống miền Nam mùa Xuân năm 1791 đã gặp nhiều chống đối, dân miền Nam chống miền Bắc và chống chính sách kinh tế. Lỗi lầm lớn nhất của TT Washington là biết nô lệ sai lầm nhưng ông vẫn dùng nô lệ như các đại điền chủ khác cùng thời, và ông chỉ mong một ngày chế độ nô lệ tự biến mất.

TT George Washington đã đoàn kết Hoa Kỳ trong vai trò tổng thống đầu tiên, dù “vạn sự khởi đầu nan” ông đã tạo được một quốc gia dân chủ với những bước đầu vững mạnh. Hơn hai trăm năm sau, TT Donald Trump đi ngược đường, từ một tổng thống Cộng Hòa ông có vẻ muốn trở lại chính quyền quân chủ với hoàng tộc Trump.

MỚI CẬP NHẬT