Thursday, April 25, 2024

Ăn bông bí thời… ma quỷ

Tạ Phong Tần

“Mẹ mong gả thiếp về vườn/ Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.” Ước mơ thật là đơn giản, bình dị của người phụ nữ nông thôn miền Tây Nam bộ ngày xưa khiến cho người thành thị ngày nay nghe câu ca dao này hẳn phải nghĩ bông bí là món ăn thuộc loại “quý tộc” gì ghê gớm, đến nỗi người ta sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc một đời con gái của mình chỉ để cho con được ăn bông bí, dưa hường.

Có lẽ tác giả câu ca nói hơi quá, bởi bông bí và rất nhiều loại bông “hương đồng cỏ nội” ở miền Tây là món ăn thuộc loại “cây nhà lá vườn,” muốn ăn thì xách cái rổ tre ra vườn hái một lúc đã có cả rổ, hoặc xách cái giỏ nhựa bự chảng ra chợ làng, chợ xóm mua cả giỏ với giá rất rẻ.

Dưa hường không phải tên một loại dưa như dưa leo, dưa chuột, dưa gang… mà là dưa hấu đỏ còn non. Người trồng dưa phải canh me lúc dưa đậu trái chọn lọc lại những trái mập mạp, tròn đều giữ lại, còn trái nào không đẹp, yếu ớt thì hái hết để dây dưa dồn sức nuôi những trái còn lại thiệt tốt. Những trái dưa hấu non này ruột chưa đỏ, mà mới hồng hồng thôi. Người miền Nam thường kêu màu hồng là hường, bông hồng, bông hường đều một thứ như nhau, nên thứ dưa non này được kêu là dưa hường. Dưa hường chỉ cần gọt sơ lớp vỏ xanh bên ngoài, cắt miếng nấu canh ăn ngọt lắm, hột dưa còn non nên ăn luôn không cần bỏ.

Bông bí ăn được là bông của dây bí rợ (miền Bắc gọi là bí ngô, bí đỏ), chớ không phải bông của dây bí đao. Bí rợ hầu như được trồng quanh năm và có trái quanh năm, nhưng thuận lợi thời tiết và cho trái nhiều nhất là thời điểm từ tháng Một đến Tháng Sáu âm lịch hoặc Tháng Tám, Tháng Chín âm lịch nếu thời tiết hơi se lạnh sớm. Dây, lá bí rợ mập mạp, có nhiều lông tơ nhám bao phủ bên ngoài, trái bí rợ tròn và hơi dẹp hai đầu như bánh xe, nặng trung bình từ một ký rưỡi đến ba bốn ký lô nên người ta cho bí rợ bò trên mặt đất chớ không làm giàn leo như bí đao. Nặng như vậy mà đòi leo lên giàn thì giàn nào chịu cho nổi chớ. Khi bí ra bông, người ta lót rơm dưới mặt đất chuẩn bị cho trái bí nằm được êm, trái bí sẽ tròn đẹp như một bầy heo con mũm mĩm, không bị méo mó, bị chai hay có thẹo.

Đến kỳ trổ bông, bí rợ trổ hai loại bông đực và bông cái. Bông đực bình thường như tất cả các loại bông khác, bông cái phía dưới đài có phần trái non màu xanh đậm mướt rượt phủ đầy lông tơ nhám, nhỏ như viên bi ve thủy tinh. Nếu được thụ phấn cái “hòn bi xanh” này sẽ lớn dần lên thành trái bí rợ, phần cánh hoa bên trên teo nhỏ rồi mất hẳn. Hồi xưa, người ta trồng bí để cho nó thụ phấn tự nhiên nhờ ong, bướm, kiến… nên đến mùa, bí nở bông vàng rực rỡ hết cả cánh đồng.

Bông đực thường trổ và nở trước bông cái, nên không bẻ bông đực về ăn thì nó cũng héo queo rồi bỏ mà thôi. Nhờ dễ phân biệt bông đực, bông cái nên người trồng thường hái trước một số bông đực chưa nở đem về làm thức ăn. Thường thì người ta để nguyên cái bông, lặt bỏ phần xung quanh đài bông cho bớt nhám, tước xơ ở phần cuống bông, rửa sạch để ráo rồi đem luộc hoặc xào, nấu canh. Khi chín, bông có vị ngọt vô cùng, thơm mùi phấn hoa và giòn sần sật. Nếu ai không chịu được mùi phấn hoa thì bẻ bỏ phần nhụy ở trong cái bông đi.

Bông bí luộc, xào tỏi hay nấu canh tép, canh thịt bằm ăn với cá kho, cá ướp muối mặn chiên giòn thì ngon tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu nấu canh thì nên nấu với tép mới giữ được vị nguyên sơ hương đồng cỏ nội, mùi phấn hoa đặc biệt của bông bí làm món ăn có mùi vị trên cả tuyệt vời. Bông bí nấu canh thịt ngon nhưng có vẻ như thịt làm bán mùi bông bí đi.

Sau này, người ta còn chế ra những món khác như: bông bí nhúng bột chiên giòn, bông bí dồn thịt chiên, lẩu bông bí (hầm xương làm nước lẩu), bông bí nhồi cá thác lác với trứng gà rồi chiên bột. Thử hỏi cái bông bí mỏng manh như vậy, đem chiên giòn lên thì còn được cái gì? Hoặc là nhồi thịt băm với nấm mèo vào lòng cái bông rồi chiên lên thì cũng giống như ăn cục chả chiên vậy thôi. Ngon thì cũng ngon, nhưng cái ngon của nó là cái ngon của bột chiên, của dầu mỡ, của gia vị ướp thịt, cái ngon của thịt, của trứng… chớ không còn mùi bông bí nữa.

Không biết tác giả bài hát Bông Bí Vàng đã từng được ăn bông bí luộc chưa, hay chỉ nghe qua tên món ăn rồi sáng tác bài này, chớ “Bông bí vàng ngoài giàn, công em trồng anh không hái” rõ ràng là bí đao chớ không phải bí rợ. Từ trước đến nay không thấy ai ăn bông bí đao hết, có lẽ không ngon. Vậy mà không hiểu sao chàng trai trong bài hát lại “Gió thổi năm non mà mẹ cha chưa mát trong lòng/ Hái bông bí em trồng anh đem luộc cầu xin.” Có lẽ chàng ta “sáng tác” ra món bông bí đao luộc ăn dở quá, làm ông bà nhạc tương lai cho rằng thằng rể này không biết “mần ruộng,” thành thử cuối cùng “Cuộc tình duyên trôi theo dòng nước/ Bí trổ bông thơm một giàn bông không muốn hái bông nào/ Nhớ thương nửa cuộc tình sao nghe ruột quặn đau.”

Bông bí đực khi chưa nở ăn được hết không bỏ thứ gì, cả cái cuống bông cũng giòn ngọt vô cùng, lúc đã nở loe ra rồi thì ăn không ngọt bằng loại còn đang búp, cái cuống nó cũng già dai nhách không ăn được. Vì vậy, người ta thường hái bông đực búp trước, chừa lại một số bông mạnh khỏe cho nở loe ra để thụ phấn cho bông cái thôi.

Người ta cắt bông bí cả phần cuống, bó thành từng bó như bó bông sen đem bán. Có người cũng cắt luôn bông đực già (đã nở rộ) bó chen với bông búp để bán. Hồi trước, bông được bán theo đơn vị bó, nên có chen bông già vô cũng chẳng sao. Nhìn bó bông, người mua cũng đánh giá được bông nhiều hay ít, bất quá đem về lặt bỏ đi cái cuống là xong, không lỗ lã gì.

Bây giờ ở các chợ bông bí không bán bó nữa, mà tính ký lô. Đừng tưởng bó hay ký thì có thể cầm trên tay ước lượng được giống như nhau, có mua về rồi mới biết họ bán cuống bông chớ không phải bán bông, còn người mua bông phải trả tiền cuống “oan mạng” rồi xách về bỏ vô thùng rác. Thay vì hái khi bông còn búp, thì họ lấy dây lác ngâm nước cho mềm, xé nhỏ ra cột sơ sơ quanh cái bông cho bông không thể nở xòe ra được, để bông lớn cho thiệt già, cái cuống cho thiệt bự, cuống nào cuống nấy mập như chiếc đũa, dài hơn một gang tay. Lúc đó họ mới cắt bông đem bán cân ký lô. Mua một ký bông giá mười tám ngàn đồng, đem về bỏ hết phần cuống còn lại có ba trăm gram bông là ăn được, liệng bỏ hết bảy trăm gram, tính ra một ký bông bí giá đến sáu chục ngàn đồng mà bông không ngon. Cho nên, bông bí bán ngoài chợ hiện nay đừng hòng tìm thấy loại bông búp mướt rượt với đài bông dài phủ đầy lông tơ, mà chỉ toàn loại bông già đài bông đã chuyển sang màu trắng xanh, còn những tua nhỏ quanh đài bông co nhỏ lại lơ thơ, ủ rũ.

Hồi xưa người ta nói nông dân thiệt thà, thời buổi ma quỷ này cái gì cũng giả dối, bây giờ nông dân bán bông bí cũng ma quỷ. Bán buôn “ăn gian” kiểu bông bí già buộc dây này thiệt là botay.com luôn.

MỚI CẬP NHẬT