Monday, March 18, 2024

Nhộng rang nước mắm

Tạ Phong Tần

Nghề nuôi tằm lấy tơ xuất hiện từ rất lâu đời trong lịch sử phát triển loài người. Ðiển tích Trung Hoa có câu: “Thương hải tang điền,” nghĩa là bãi biển hóa nương dâu, để chỉ sự biến đổi của vũ trụ, cuộc sống con người theo thời gian. Thần Tiên Truyện cũng viết: “Tam thập niên vi nhất/ Thương hải biến vi tang điền,” nghĩa là: Ba mươi năm một lần biển cả hóa thành nương dâu, nương dâu hóa thành biển cả. Thi hào Nguyễn Du đã viết lại ý này trong Truyện Kiều là: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Người Việt cổ thì có câu: “Một ngàn năm, một vạn năm/ Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ/ Ai ơi chín đợi mười chờ/ Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai,” “Thương thay thân phận con tằm/ Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ,” “Nuôi tằm cần phải có dâu/Muốn cho dâu tốt phải mai vun trồng” và dạy cách trồng dâu nuôi tằm: “Vườn thì cuốc rãnh thong dong/ Cách nhau hai thước đặt hông cho đầy/ Giống dâu ưa nước xưa nay/ Nhưng khi ngập hết thì cây cũng già,” tình cảm nam nữ cũng lấy con tằm so sánh: “Ðôi ta như thể con tằm/ Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong.”

Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn viết: “Thanh thanh mạch thượng tang/ Mạch thượng tang , mạch thượng tang/ Thiếp ý quân tâm thùy đoạn tràng?.” Bà Ðoàn Thị Ðiểm dịch là: “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

Các dẫn chứng trên cho thấy con tằm là một loại “sâu bọ” cũ xì ở Việt Nam, nhưng phải ai ở Việt Nam cũng đều biết rành rẽ về nó.

Miền Nam chỉ có An Giang là có nghề nuôi tằm dệt lụa, làm ra mặt hàng lụa Tân Châu nổi tiếng từ thời bà ngoại tôi còn trẻ. Ngoại rất thích mặc áo bà ba lụa màu mỡ gà, quần lãnh Mỹ A, mùa Hè mặc quần sa-ten trắng muốt hoặc đen bóng cho mát. Con tằm khi đã nhả tơ kéo thành cái kén rồi, người ta mới cho kén vô một cái nồi nước sôi thiệt bự để chất keo bao quanh sợi tơ tan ra, kéo từng sợi tơ mịn màng lên quấn thành cuộn, giai đoạn này kêu là ươm tơ. Con tằm còn nằm trong kén kêu là con nhộng, lúc này con nhộng rớt lại dưới đáy nồi nước ươm tơ, người ta vớt lên đổ vô rổ cho ráo nước để làm thức ăn. Nhộng này là nhộng luộc chín, nếu có nhiều, người nuôi mới đem ra chợ bán. Nếu không ươm mà chờ đến khi con nhộng hóa thành con ngài, rồi con ngài chui ra khỏi cái kén đẻ trứng (để làm giống) xong rồi chết thì con ngài không thể làm thức ăn ăn được.

Do nghề nuôi tằm ở miền Nam không phát triển rộng nên người miền Nam ăn nhộng ong, nhộng dừa, nhộng kiến là phổ biến, nhất là dân Bạc Liêu, Cà Mau, ít ai biết ăn con nhộng tằm.

Tôi từ nhỏ đến lớn chỉ biết con tằm và con nhộng qua sách vở. Năm 1986, tôi lên Sài Gòn học đại học, đối diện cổng trường, bước qua con đường quốc lộ 13 là chợ Bình Triệu, lúc đó chỉ là chợ xóm, chợ xã, nhưng có lẽ nhờ vậy nên thường bán rất nhiều món ăn thuộc loại “hương đồng cỏ nội” do người dân ở quanh đó đem ra bán. Rau đay, rau ngót, lá dang, rau lang, đọt bầu, đọt bí, rau đắng, tép mòng, cá rô tôm tít, cá lòng tong, các loại mắm đồng,… “hội họp” về đủ mặt “bá quan văn võ,” cho nên không thiếu con nhộng tằm.

Ban đầu, tôi không biết đó là con gì, nhìn nó cũng “ghê thấy mẹ,” giống y con sâu màu vàng. Ðứa bạn ở cùng phòng ký túc xá với tôi quê Quy Nhơn, thấy tôi “nhà quê” quá, bèn mua “ba lạng” nhộng (tức ba trăm gram) nói nó sẽ kho thịt ba rọi cho tôi ăn thử cho biết. Thấy nó làm cũng dễ, thịt ba rọi đem về cắt miếng nhỏ kho giống y như thịt kho Tàu, lúc thịt đã sôi lên lần thứ hai, nhộng rửa sạch để ráo sẵn đổ vô nồi thịt cho sôi lên rồi hạ lửa cho sôi liu riu thấm vô con nhộng. Khi ăn, thấy nhộng thấm nước mắm, đường, bột ngọt, béo của thịt nên nhộng còn ngon hơn thịt.

Bây giờ, chợ nào ở Sài Gòn cũng có bán nhộng luộc. Khi mua phải coi con nhộng màu vàng tươi, mập căng tròn, mùi thơm mới là nhộng mới. Nhộng ngả màu vàng sậm, teo tóp, đặc biệt có mùi chua là nhộng cũ, đừng mua.

Làm món nhộng rang nước mắm hay ở chỗ có thể làm đồ mặn ăn cơm với canh cũng được, mà để ăn chơi cũng được. Món này rất dễ làm. Nhộng luộc mua ở chợ về rửa sạch đổ vô rổ để chừng ba mươi phút cho ráo hết nước. Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi đổ nhộng vô chảo rang cho đến khi nhộng phát ra tiếng kêu lào xào tức là nhộng đã khô giòn, lúc này mới cho thêm chút dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hành lá xắt nhỏ vô rang đều cho đến khi gia vị thấm hết vô con nhộng và hành lá cũng khô giòn thì nhắc chảo xuống đổ nhộng ra cái dĩa lớn. Rắc lá chanh xắt nhỏ vô, đảo cho đều để nhộng thấm vị lá chanh có mùi thơm.

Nếu làm hơi mặn thì để ăn với cơm, nếu làm lạt thì để nguội đổ vô hũ keo, lấy tay bốc ăn chơi như ăn đậu phộng rang vậy đó, bảo đảm ngon đáo để.

Mấy hôm đi siêu thị Việt Nam bên California, thấy có bán nhộng luộc đóng trong vỉ đông lạnh, tôi có mua về làm thử, ăn không được ngon bằng nhộng mới nhưng cũng thấy ngon ngon, giá cả cũng chấp nhận được. Sau nhà có cây chanh, hái một mớ lá chanh loại lá ba, lá tư vô rang nhộng thơm ơi là thơm. Rang rồi ăn với bắp cải tím luộc bá chấy luôn, vị mằn mặn mùi nước mắm, vụ ngọt, béo, giòn sần sật, dai dai của nhộng khi nhai cảm giác thú vị khó tả lắm, chỉ biết rằng nó ngon vậy thôi. Lâu lâu đổi món cho nó bắt cơm.

Nhộng xào khóm cũng ngon lắm. Khi còn đi học, bọn tôi hay ăn món này có lẽ vì nó là món ăn ngon, bổ mà lại rẻ so với túi tiền sinh viên luôn luôn lép. Khóm ở Việt Nam mình gọt ra màu vàng tươi hấp dẫn, ăn vừa thơm vừa ngọt, không dai. Nhưng bên Mỹ không nên làm món này vì khóm Mễ bán ở siêu thị màu trắng nhợt, chua lè, dai, không ngon chút nào.

Tôi có người bạn, hổng biết tài nấu nướng của ổng cỡ nào, nhưng mình làm ra món gì ổng cũng đều chê, chưa biết làm cách nào “trả thù” ổng. Hay là rang nhộng rồi lại ngay trước mặt ổng ngồi bốc ăn nhưng… không mời, cho ổng chảy nước miếng chơi. Vừa ăn vừa ngâm nga: Nuôi tằm là để ăn nhông (nhộng)/ Ai mà cà chớn thì khồng (không) cho ăn? Không biết “thiên hạ” đọc được câu này có “hối hận” chưa? Nếu đã “hối hận,” “thành khẩn kiểm điểm” thì tại hạ mới suy nghĩ lại, bằng không thì cứ cho thèm đến nhỏ dãi luôn cho bỏ tật “nhiều chiện,” cái miệng hại cái thân.

Không biết dân Mỹ gốc có biết ăn nhộng rang hay không, hay bọn họ thấy người Việt mình ăn nhộng cũng “lạ” và “ghê” như ăn trứng vịt lộn luộc? Hay họ lại bảo người Việt mình khoái “ăn sâu bọ” giống con sư tử Simba trong phim hoạt hình Lion King? Thôi mình cứ mời bọn họ ăn con nhộng rang nước mắm và nói rằng: “Người Việt Nam thích ăn như vậy, đó là văn hóa ẩm thực truyền thống của bọn tao, bọn mày làm bạn với bọn tao thì phải ăn cho biết cái ‘văn hóa thích ăn sâu’ của bọn tao.” Biết đâu bọn họ lại “ghiền” đi theo năn nỉ mình cho ăn thêm, mơi mốt lại mở cửa hàng bán nhộng rang nước mắm cho người Mỹ?

Đậu hủ ky sốt cà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT