Friday, April 26, 2024

Giáo dục Mỹ lỗi thời, không đáp ứng nhu cầu cần có

Lê Tâm
(theo Business News)

Nhiều người trong giới chủ nhân các doanh nghiệp ở Mỹ nay than phiền là họ không kiếm ra đủ nhân viên lành nghề để làm những công việc cần thiết trong một xã hội nhiều cạnh tranh như hiện nay.

Trong một cuộc nghiên cứu của trường thương mại đại học Harvard – Harvard Business School – về khả năng cạnh tranh, Giáo Sư Allen Grossman giải thích về nhu cầu phải có sự cải cách trong hệ thống giáo dục Mỹ.

“Hiện nay có nhiều công việc hơn khi trước và tới 50% các doanh nghiệp cho hay họ không kiếm được đủ các nhân viên có tay nghề chuyên môn,” theo Giáo Sư Grossman.

“Chúng ta không thể nào có khả năng cạnh tranh nếu không có được các công nhân giỏi, lành nghề trong các cơ xưởng, văn phòng hay bất cứ lãnh vực nào mà các doanh nghiệp của chúng ta cần, hay thị trường nào mà chúng ta nhắm tới,” Giáo Sư Grossman nói thêm.

Cũng theo Giáo Sư Grossman, tuy rằng đã có một số tiến triển, những thay đổi này diễn ra rất chậm chạp.

Hệ thống giáo dục hiện nay của Mỹ đã được xây dựng để giáo dục người dân khoảng từ 50 đến 70 năm trước, giáo sư Grossman nhận định.

Trong khi đó, tại nước Mỹ, mỗi địa phương đều có trách nhiệm của riêng họ trong vấn đề giáo dục.

“Điều đó có nghĩa là chúng ta có khoảng 15,000 học khu ở Mỹ, và tất cả các học khu này đều cần có những sự thay đổi. Đây là những vấn đề có tính cách rất địa phương,” ông cho hay.

Tuy người công nhân Mỹ thuộc thành phần trẻ hiện nay có khả năng hiểu biết cao hơn những người ở thế hệ trước, vốn cho thấy sự cải thiện theo thời gian, khả năng này đang được cải thiện vô cùng nhanh chóng trên bình diện quốc tế.

Giáo Sư Grossman giải thích rằng giới doanh gia đang đầu tư thêm nhiều vào việc cải cách giáo dục. Một ước tính gần đây cho thấy thành phần này đầu tư từ $3 tỷ đến $4 tỷ mỗi năm vào nền giáo dục công lập, và phần lớn cho các tổ chức bất vụ lợi nhằm hỗ trợ giáo dục công lập.

“Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ sự quan tâm, nên đã dành nhiều thời gian xem xét và hỗ trợ rất nhiều về tài chánh,” theo Giáo Sư Grossman.

Đôi khi các nỗ lực đưa ra tuy có ý tốt nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn.

Một thí dụ điển hình là công ty bán lẻ Target đã đưa ra một khái niệm mới, được coi là có thể góp phần thay đổi nhiều trong phương cách giáo dục ở Mỹ, Giáo Sư Grossman cho hay.

Vào năm 2013, công ty Target, cùng với Strive và United Way Worldwide, đồng ý sẽ đưa ra các phương tiện mới và kêu gọi sự đóng góp của mọi thành phần trong cộng đồng để cải thiện sự học hành trong 10 khu vực có khoảng 1.5 triệu học sinh.

Tuy nhiên, các nỗ lực này lại không đạt được nhiều kết quả như mong muốn vì quá rời rạc.

“Những nỗ lực này lại không được đo lường về ảnh hưởng thật sự trong giáo dục của các cộng đồng liên hệ nên không có tác dụng tổng thể,” Giáo Sư Grossman nhận định.

Một công ty khác, JPMorgan Chase, đối phó với việc không đủ nhân viên lành nghề bằng cách đầu tư vào việc tái huấn luyện nhân viên đang làm việc cho họ

Công ty này cho những người thâu ngân viên ở các quầy ngân hàng được cơ hội học hỏi những ngành nghề khác trong lãnh vực ngân hàng, để đáp ứng hai thay đổi trong tương lai, một là số công việc về thâu ngân sẽ giảm thiểu nhiều và hai là sẽ có những công việc mới, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà hiện chưa có đủ người. Công ty JPMorgan Chase cho hay qua việc đầu tư vào những nhân viên họ đang có và đã biết về họ, công ty sẽ phát triển được khả năng của những người này mà không cần phải thuê thêm các nhân viên mới.

MỚI CẬP NHẬT