Saturday, April 20, 2024

Ấm lòng ngày họp mặt cựu giáo sư và học sinh trường Trịnh Hoài Ðức

Trong không khí ấm áp của ngày họp mặt, cựu Giáo Sư Lê Ðức Cửu, đến từ Việt Nam, xúc động nói: “Thật là vinh dự và hạnh phúc cho tôi khi đến tham dự buổi họp mặt này. Niềm vui này lớn vô cùng, vì với hoàn cảnh như tôi cũng như nhiều anh chị khác, nó xúc động lắm. Bởi vì nơi đất khách quê người mà gặp nhau đông đủ như thế này thì quý vô cùng. Ðó không chỉ là cái tình, mà ở đây cái tình của các em rộng lớn lắm. Trịnh Hoài Ðức-Bình Dương vừa có tình thầy trò, vừa có tình bè bạn, lại vừa thắm thiết tình quê hương. Năm nay tôi đã 82 tuổi rồi, nhưng tôi xin hứa, nếu còn sức khỏe, tôi sẽ cố gắng sang đây để họp mặt với các em.”

Chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt, cựu Giáo Sư Lê Ðức Cửu nói: “Tôi mới sang cách đây hai ngày, và sẽ ở ba tháng với gia đình người chị, cùng các cháu bên này. Trước ngày đi tôi bị tai nạn xe, may quá không đến nỗi nên vẫn được gặp thầy cô và các em, mừng lắm.”

“Sau khi tốt nghiệp văn trường Ðại Học Sư Phạm năm 1961, tôi về dạy ở trường Sư Phạm Cộng Ðồng Long An, sau đó về trường trung học Trịnh Hoài Ðức-Bình Dương, rồi về trường trung học Võ Trường Toản-Sài Gòn, một thời gian thì dạy trường trung học Phan Thanh Giản-Cần Thơ. Sau năm 1975, tôi về dạy tại trường trung học Gia Ðịnh-Sài Gòn cho tới ngày nghỉ hưu,” ông nói.

Cựu giáo sư chia sẻ: “Tôi có cái duyên là đã dạy ba trường có mối liên hệ mật thiết nhau. Ông Phan Thanh Giản là người đã đưa cụ Võ Trường Toản từ Sài Gòn về Bến Tre. Cụ Trịnh Hoài Ðức lại là học trò của cụ Võ Trường Toản. Nên lần qua Mỹ này, tôi dự định sẽ gặp mặt thầy cô và cựu học sinh cả ba trường gồm Trịnh Hoài Ðức, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản. Tháng Mười tới cựu học sinh Phan Thanh Giản tổ chức họp mặt tại Washington, DC, nên tôi sẽ lên đó rồi về Việt Nam.”

“Sang đây, được gặp các em, trong đó em Nguyễn Kim Nên là học trò ruột của tôi ngày trước, tôi rất cảm kích và xúc động, bởi vì các em dù xa quê hương nhưng vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là truyền thống ‘Tôn Sư Trọng Ðạo, Uống Nước Nhớ Nguồn.’ Ở quê nhà, truyền thống này ngày nay có phần nào thay đổi đi, nhưng các em ở hải ngoại vẫn giữ được truyền thống tinh hoa của dân tộc như vậy thì quý lắm,” ông tâm sự.

Cựu Giáo Sư Ðặng Văn Danh, cũng đến từ Việt Nam, cho biết: “Tôi cũng không ngờ có dịp ở đây, vào lúc này để dự đại hội. Trước nay tôi chỉ được biết các lần đại hội qua hình ảnh. Nay trong không khí, tình cảm thắm thiết này, trong thời khắc này, tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn ban tổ chức, và chúc sức khỏe quý thầy cô, cùng các anh chị em là cựu học sinh trường Trịnh Hoài Ðức. Và mong rằng những kỳ tới, chúng ta mở rộng vòng tay đón nhận những trường không có điều kiện tổ chức họp mặt riêng, như kỳ này có trường An Mỹ, để thắt chặt tình cảm những trường đã đóng trên tỉnh Bình Dương thân thương.”

Sau cùng, đại diện cựu học sinh ở các tiểu bang tặng quà tri ân thầy cô.

Ông Nguyễn Văn Diệp phát biểu: “Hôm nay, chúng em có một chút quà để gửi đến quý thầy cô, gọi là lòng của chúng em đền đáp một phần nào công ơn thầy cô đã tạo nên những kiến thức, tạo nên những hiểu biết, những kinh nghiệm sống, và tạo nên con người, sự nghiệp của chúng em ngày hôm nay.”

“Nói tới thầy cô, tục ngữ của Việt Nam có câu ‘Không Thầy Ðố Mày Làm Nên’ và trong mỗi dịp Tết đến, công ơn của thầy cô cũng được nêu cao với ‘Mùng Một Tết Cha, Mùng Ba Tết Thầy.’ Nói chung, những gì nói đến công ơn thầy cô đều có trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, nhưng chúng em không thể nhớ hết từng câu, từng bài. Tuy nhiên, ơn thầy cô thì không bao giờ chúng em quên được,” ông nói.

––––––––––-

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT