Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Phụ nữ gốc Việt sanh trễ, sanh ít

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Phụ nữ gốc Việt tại Little Saigon ngày càng sanh chậm và sanh ít đi. Đây cũng là kết luận của những thống kê về vấn đề này của phụ nữ Mỹ tại California cũng như trên toàn quốc mặc dù mỗi sắc dân có những lý do khác nhau.

Theo tài liệu do Southern California News Group thu thập được, năm ngoái, mức sanh sản tại California giảm tới mức kỷ lục, trong số 1,000 người chỉ có 12.4 người chịu sanh nở. Một số thành phố thuộc các quận Angeles, Orange, Riverside và San Bernardino, con số này còn ít hơn, chỉ có 12.3, theo nhật báo Orange County Register (OCR).

Nếu trước đây người ta lo âu về chuyện có quá nhiều bà mẹ ở tuổi thiếu niên, thì thực tế hiện tại là các bà mẹ tuổi trung niên ngày càng chỉ muốn sanh ít đi.

Một trong những lý do làm California có mức sanh sản thấp nhất toàn quốc là vì mức độ hiếm muộn của những người trong tuổi sinh sản tăng cao, theo báo OCR.

Phụ nữ gốc Việt lại có những lý do khác.

Bà Nguyễn Kim Linh, cư dân Westminster, nói: “Tôi lập gia đình năm 24 tuổi. Lúc ấy, chúng tôi dự định đợi công ăn, việc làm ổn định hơn rồi mới có con. Nhưng rồi tôi ly dị, mất hết hơn ba năm mới xong.”

Sau đó, như bao nhiêu người chín chắn khác, bà không vội vã lập gia đình lần nữa. Đến khi sẵn sàng nghĩ đến chuyện con cái, bà Linh đã 41 tuổi, hơi quá tuổi lý tưởng để làm mẹ.

“Năm nay tôi 44 tuổi và con gái tôi 2 tuổi. Tuy biết rằng khoa học thời nay rất tân tiến, chúng tôi cũng chỉ dám có một cháu thôi,” bà nói. “Thấy có một đứa hơi buồn, muốn có thêm đứa nữa cho có chị, có em, nhưng chúng tôi đành cắn răng ngưng ở đây, mặc cho cha mẹ chê như thế là sanh ít.”

Bà Sophia Trần, cư dân Anaheim, nói về trường hợp của mình: “Tôi sinh con đầu lòng năm 39 tuổi. Sau đó, bác sĩ nói tôi có thể sinh thêm lần nữa, nhưng đừng đợi lâu. Vì vậy chúng tôi quyết định sinh luôn. Năm nay, tôi 42 tuổi và có hai cháu trai khỏe mạnh. Chúng tôi rất cám ơn bác sĩ đã khuyến khích chúng tôi.”

Bà Zoey Lý, cư dân Fullerton không dám có con vì hai vợ chồng bà phải ở nhà thuê. Bà nói: “Chúng tôi phải rất kỹ lưỡng, không dám có thai. Đi ‘share’ phòng mà có con thì không ai chịu nhận. Mướn ‘appartment’ thì đắt tiền mà có con nít, chưa chắc gì người ta chịu. Tôi thấy nhiều người lận đận chuyện tìm chỗ ở vì có con mọn.”

Năm nay 40 tuổi, nhưng bà Zoey cho rằng vợ chồng bà nghĩ là có trúng số cũng không dám sanh vì không đủ sức chăm lo cho con. “Sanh ít cũng không sanh,” bà dứt khoát.

Xét về khía cạnh sinh học và y học, tuổi đôi mươi là tuổi lý tưởng nhất để có con. Nhưng trên thực tế, do hoàn cảnh xã hội, phụ nữ ở tuổi 35 thường có suy nghĩ chín chắn hơn và có công việc ổn định hơn. Nhưng nếu cứ đợi đến tuổi này thì rất dễ bị trễ. Do đó, người ta thường sanh ít lại.

“Bác sĩ nói tất cả là tùy vào sức khỏe mỗi người, nhưng khi trên 35 tuổi thì việc có bầu và sanh nở càng dễ gặp nhiều trở ngại hơn. Nhưng cũng bà bác sĩ này thì lại khuyên tôi cứ việc có con năm tôi 37 tuổi,” bà Tina Đỗ, cư dân Westminster, chia sẻ.

Cách đây 10 năm, bà Tina có người cô, khoảng 40 tuổi, bị chết trong lúc sinh con. Dù vậy, hai vợ chồng bà Tina vẫn tin tưởng lời bác sĩ, cương quyết có con.

Lý do khiến bà Tina không có con sớm là vì bà là kỹ sư cơ khí, phải đi xa thường xuyên để giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng những loại máy mới do công ty bà sản xuất nên không dám sanh.

Một nguyên nhân khác khiến phụ nữ gốc Việt tại Little Saigon có con muộn là vì họ phản ứng lại trước áp lực của gia đình.

Bà Nguyễn Thanh Huyên, cư dân Huntington Beach, nói: “Cha mẹ chồng tôi cứ hối thúc tôi. Phần nữa, vì thấy mẹ chồng tôi rất khó khăn, tôi không dám sanh rồi để bà nội giữ con cho tôi. Chồng tôi cũng đồng ý với tôi về điểm này. Anh ấy vẫn nhớ những trận chửi bới của mẹ anh ấy từ hồi mới 19, 20 tuổi.”

Đến khi bà mẹ chồng qua ở với người con khác, vợ chồng bà Huyên mới dám sinh con. Năm ấy, bà đã 40 tuổi, và phải mổ để lấy con ra.

Bà Jenna Nguyễn, cư dân Westminster, cũng rơi vào trường hợp bị gia đình chồng gây áp lực. “Chồng tôi và gia đình anh ấy cứ muốn tôi phải đẻ con trai vì anh ấy là con trai trưởng. Có hai con gái rồi, tôi đâm ra lo lắng triền miên. Tôi sợ nếu có thêm đứa con gái thứ ba thì cả con tôi và tôi sẽ là một nỗi thất vọng cho mọi người,” bà kể.

Có lẽ do sự lo âu ấy mà mãi đến năm 45 tuổi bà Jenna mới có bầu đứa con trai út.

Bà nhắc lại cảm nghĩ: “Sanh được đứa con trai, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân, nhưng cũng thắc mắc rằng nếu sinh con gái nữa thì chồng tôi có còn coi tôi là vợ hay không. Rồi nếu tôi có mệnh hệ gì lúc sinh nở thì ai lo cho con tôi?”

Cô Nguyễn Thị Cẩm Bình, cư dân Westminster, lại có hoàn cảnh khác. Cô có bầu lần đầu năm 16 tuổi. Vì không biết, cô vẫn chơi bóng chuyền ở trường, đến khi hư thai thì bác sĩ mới cho hay.

“Chắc vì vậy mà sau này khi trưởng thành hơn, vợ chồng tôi làm đủ cách, tốn bao nhiêu tiền mà tôi vẫn không mang thai được. Đến khi đi nghỉ mát ở Hawaii về thì đùng một cái bác sĩ gọi tôi đến phòng mạch và chúc mừng tôi sắp có con. Tự nhiên tôi đứng khóc ngon lành.”

Ngay từ khi có tin mừng, bà Cẩm Bình, một quản lý ngân hàng, thôi việc luôn để chuẩn bị sinh nở và nuôi con.

Năm nay 44 tuổi, bà Cẩm Bình chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng trong ba tháng nữa. Bác sĩ cho hay em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Cả hai vợ chồng bà cùng quyết định không muốn biết em bé sẽ là gái hay trai.

Khi hỏi bà có muốn có thêm đứa nữa không, vợ chồng bà cười vang và nói: “Thôi thôi. Đây là con trời cho. Tham lam là trời phạt đó.”


Liên lạc tác giả: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT