Thursday, May 9, 2024

Thân hữu Di Linh họp mặt Tân Niên và ra mắt đặc san

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi họp mặt Tân Niên Đinh Dậu 2017, đồng thời ra mắt đặc san Hội Thân Hữu Di Linh, được tổ chức hôm Chủ Nhật, 29 Tháng Giêng (mồng 2 Tết) tại nhà hàng Grand Garden, Westminster.

Buổi họp mặt thắm đượm tình nghĩa thầy trò, khi các giáo sư và học trò cũ trường trung học Lê Lợi, Di Linh, ngày nào nay gặp lại, vui mừng với bao nỗi niềm, hàn huyên tâm sự mãi không thôi, trong không khí ngày Xuân còn vương bên song cửa.

Sau nghi thức khai mạc, bà Hứa Thị Đào, cựu học sinh trung học Lê Lợi, đại diện ban tổ chức, nói lời chào mừng quan khách và người tham dự.

Bà nói: “Hội Thân Hữu Di Linh đã trở thành điểm hẹn gặp gỡ cho thầy trò trường trung học Lê Lợi, cho những người đã một thời sống ở miền đồi núi Di Linh, với bao kỷ niệm khó quên trong đời.”

“Chiều hội ngộ hôm nay, chắc chắn mỗi quý vị đang mang theo mình những lời chúc tốt đẹp trao cho nhau trong ngày đầu Xuân, với món quà đặc san Di Linh quý giá, được thực hiện công phu do công sức của nhiều anh chị, cùng với sự cộng tác của nhiều văn thi sĩ, đặc biệt là do công lao vất vả của nhiếp ảnh gia Phí Văn Trung, chị Đoàn Thị Dilinh, và Giáo Sư Nguyễn Bá Đức. Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị và kính chúc một mùa Xuân hạnh phúc,” bà Đào nói tiếp.

Tiếp theo, các giáo sư được mời lên sân khấu, để các học sinh có dịp trao gởi những nghĩa tình mà bao năm qua vẫn lưu giữ, không bao giờ phai nhạt dù năm tháng có chất chồng.

Các giáo sư Nguyễn Hữu Diễn, Nguyễn Đăng Quí, Bùi Đình Phùng, Nguyễn Cao Thao, Nguyễn Kim Chương, Phạm Bá Đức, và cô Hà Thị Nhung bước lên, trong tiếng vỗ tay chúc mừng của học trò.

Các giáo sư cắt bánh mừng ngày họp mặt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Các giáo sư cắt bánh mừng ngày họp mặt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong giây phút cảm động này, cựu học sinh Phí Văn Nghĩa, đại diện các cựu học sinh trung học Lê Lợi, nói lời chúc Tết các thầy cô.

Ông Nghĩa nói: “Thời gian chớp mắt đã trôi qua hơn 40 năm. Thầy trò chúng ta phải xa xứ, sống tha hương trên đất khách quê người. Nhưng dù khắc khoải với nỗi buồn hoài hương, dù bận rộn bôn ba trong cuộc sống, chúng ta vẫn trân trọng và giữ mãi truyền thống tốt đẹp, hàng năm thường xuyên liên lạc, thăm hỏi và tổ chức những kỳ họp mặt.”

“Đặc biệt năm nay, với sự cố gắng của các anh chị em học sinh, trong đó có sự dìu dắt hết mình về vật chất, tinh thần của thầy cô, cuốn đặc san đầu tiên của Hội Thân Hữu Di Linh nói chung, và trường trung học Lê Lợi nói riêng, đã ra đời. Văn phong và cung cách của các anh chị em viết, và diễn tả trong cuốn đặc san này, đều do công lao dạy dỗ, rèn luyện của quý thầy cô kính mến. Công ơn to lớn và sâu dầy này chúng em xin ghi tạc và nhớ ơn mãi mãi,” ông Nghĩa nói tiếp.

Đặc san Di Linh khổ vuông, in ấn trang nhã, với hình bìa là những đồi trà xanh ngút ngàn và những người hái trà, màu xanh trải dài đến tận chân trời với hậu cảnh là đồi núi chập chùng, khung cảnh gợi nhớ về ký ức xa xăm của danh hiệu “Trà Blao” nổi tiếng một thời.

Bìa sau quyển đặc san là bức tranh nhà sàn của người Thượng, bên cạnh huy hiệu của Hội Thân Hữu Di Linh Trường Trung Học Lê Lợi.

Đặc san bao gồm nhiều tấm ảnh của nhiếp ảnh gia Phí Văn Trung, với tâm hồn thắm đẫm tình yêu nghệ thuật, gợi nhớ hình ảnh không phai mờ của những người từng ở Di Linh.

Trong đặc san, ông cũng trình bày những tấm ảnh khác, có mùa lá vàng quen thuộc ở Mỹ, những cánh rừng sương mờ lãng mạn, những đồi cát mênh mông, những cánh hạc chao lượn trên ngọn cỏ lau mùa vàng thu óng ả.

Ngoài ra còn có những hình ảnh của nhiếp ảnh gia Vy Vy Trần.

Chưa hết, còn có những tài liệu lịch sử về Di Linh, những vần thơ, những hồi ký, bút ký, những kỷ niệm xưa, thời còn mài đũng quần ở trường trung học Lê Lợi, chuyện học trò, cả những tâm tình của những người thầy từng dạy học ở ngôi trường này từ thuở sơ khai.

Lại còn những bức tranh vẽ của họa sĩ Đoàn Thị Dilinh, với khu chợ lộ thiên, đàn dê về chuồng khi hoàng hôn xuống bên đồi, rồi những hoa cúc nâu, những chú chim nhỏ.

Anh Phí Văn Nghĩa (trái) chúc Tết thầy cô. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Anh Phí Văn Nghĩa (trái) chúc Tết thầy cô. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Phí Văn Trung, khi giới thiệu về đặc san 168 trang, với tất cả tâm tình, đã kể lại những kỷ niệm thầy trò, tình bạn hữu, cùng một vùng trời đầy ắp hoài niệm và tình yêu, mà chỉ được thực hiện trong vòng một tháng, nói lên lòng yêu thương, hôm nay được làm chút quà Xuân chân thành gởi đến mọi người.

Thi sĩ Thái Tú Hạp, trong phát biểu cảm nghĩ về đặc san Di Linh, cho biết ông rất cảm phục những tài nặng trẻ, như bầy én kéo về báo hiệu mùa Xuân nghệ thuật trong đặc san, với tình yêu dân tộc mang ý nghĩa nhân bản cao quý, đã thấm sâu trong tâm hồn mỗi người con Việt.

Kế đến, ban đại diện mới của Hội Thân Hữu Di Linh được giới thiệu, bao gồm Hứa Thị Đào, Trần Thi Phương, Đoàn Thị Dilinh, Phí Văn Nghĩa, và anh Tom Võ.

Phần cảm động nhất là các giáo sư được mời cắt chiếc bánh kỷ niệm ngày họp mặt đầu năm trong tiếng vỗ tay của học trò, cùng với phần phát biểu Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, nói về những kỷ niệm với trường Lê Lợi; MC Phạm Long, nói về Giám Mục Gioan Cassaigne (Đức Cha Sanh), người đã gắn bó với Di Linh đến cuối đời.

Cùng chung vui trong đêm hội ngộ có sự hiện diện của ông Michael Võ, phó thị trưởng Fountain Valley và đại diện của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, và các nhà tài trợ.

Di Linh cách Đà Lạt khoảng 50 cây số, là một vùng đất nổi tiếng với những đồi trà xanh. Cho tới nay, Hội Thân Hữu Di Linh đã hơn 20 lần tổ chức họp mặt, qua trang Facebook và Đặc San mà người Dilinh khắp nơi liên lạc nhau.

Trường trung học Lê Lợi là trường công lập đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng, với những lớp đệ nhị cấp từ năm 1970.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Bảy, ngày 3 tháng 2 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT